Vụ 42 người Việt tháo chạy khỏi sòng bạc ở Campuchia vượt sông về Việt Nam, một người đã phải nằm lại dưới đáy sông, vẫn chưa lắng dịu thì dư luận lại lo ngại khi đặt câu hỏi còn bao nhiêu người Việt nữa bị dính bẫy "việc nhẹ lương cao" đang bị giam giữ và hành hạ tệ bạc ở những nơi khác chưa phát hiện và cần giải cứu.
Một lần nữa vấn đề cần đặt ra là chính quyền, cơ quan chức năng của Việt Nam cần phải hành động ra sao để ngăn ngừa không còn những vụ tương tự và những cuộc giải cứu tương tự xảy ra trong tương lai.
Sau vụ việc xảy ra, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia đã vào cuộc làm việc với giới chức Campuchia, đề nghị cơ quan chức năng nước sở tại sớm điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của cơ sở sử dụng lao động (Casino Rich World) nhằm bảo hộ công dân Việt Nam.
Đồng thời, đề nghị tăng cường lực lượng để trấn áp, ngăn chặn, xử lý các cơ sở sử dụng lao động bất hợp pháp và hỗ trợ công tác bảo hộ công dân, đặc biệt là các trường hợp bị bóc lột, cưỡng bức lao động, nhanh chóng hoàn tất các thủ tục và hỗ trợ sớm đưa các trường hợp này về Việt Nam...
Chính quyền một số tỉnh của Campuchia, trong đó có tỉnh Preah Sihanouk, đã cam kết mạnh mẽ sẽ tổ chức các cuộc trấn áp trên diện rộng, xử lý buộc đóng cửa với các doanh nghiệp kinh doanh bắt giữ, trừng phạt nghiêm khắc những cá nhân có liên quan buôn bán người, giam giữ người lao động và đối xử tệ bạc với người lao động Việt Nam và các nước.
Những động thái vào cuộc nhanh chóng trên của cơ quan ngoại giao Việt Nam và chính quyền một số tỉnh Campuchia là rất đáng hoan nghênh.
Thế nhưng, như vậy chưa đủ, chưa thể xoa dịu được nỗi lo của nhiều người, bởi thực tế các vụ việc người lao động Việt Nam sập bẫy "việc nhẹ lương cao" ở xứ người vừa qua hầu hết đều do báo chí phát hiện, chứ còn ít vụ việc được phát hiện, ngăn chặn bởi chính quyền sở tại, cơ quan chức năng trong nước cũng như cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại Campuchia.
Vẫn biết rằng Việt Nam có đường biên giới giáp Campuchia trải dài hàng ngàn cây số, chưa kể trên biển. Nhưng chủ động ngăn chặn từ sớm, từ xa, không để "nước đến chân mới nhảy" và để không còn những cuộc giải cứu nữa được không?
Câu trả lời là được nếu có sự vào cuộc, một giải pháp tổng thể, toàn diện, phối hợp đồng bộ giữa bộ, ngành, quy trách nhiệm rõ ràng của cơ quan chức năng, chính quyền các tỉnh vùng biên giới, chứ lực lượng biên phòng là quan trọng, nhưng cũng không thể chỉ phó thác hoàn toàn cho lực lượng này như vừa qua.
Mặt khác, vụ việc vừa qua cho thấy có dấu hiệu tội phạm quốc tế, đưa người qua biên giới, buôn người, cần phối hợp chặt chẽ trên phạm vi rộng lớn hơn bình diện một vài địa phương biên giới.
Phải tổ chức phòng ngừa, ngăn chặn từ xa bằng việc phát triển thị trường lao động, xây dựng, hoàn thiện các thiết chế tư vấn, giới thiệu, giải quyết việc làm đủ sức phủ xuống khu vực nông thôn và dân nghèo đô thị.
Cần phát huy tối đa mối quan hệ gắn bó Việt Nam - Campuchia vì đây cũng là một trọng tâm phòng chống tội phạm quốc tế. Đi kèm là siết chặt hơn biên giới, xử lý nghiêm các đầu sỏ tổ chức buôn người để răn đe.
Làm được như vậy thì mới mong không còn hết cuộc giải cứu này đến cuộc giải cứu khác, mới khắc phục được tình trạng "chạy theo đuôi" để sự việc vỡ lở mới ra tay vốn là "căn bệnh lâu năm" đã và đang dễ thấy ở nhiều nơi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận