21/07/2017 09:25 GMT+7

Để giảm tai nạn đường sắt, chống người gác chắn ngủ gật

ĐỨC PHÚ
ĐỨC PHÚ

TTO - Một số tai nạn đường sắt xảy ra thời gian qua là do nhân viên trực gác chắn đường sắt ngủ quên dù đã nhận “lệnh” chuẩn bị đóng chắn đón tàu chạy qua.

Vụ tai nạn xảy ra khi tàu lửa tông vào ôtô 16 chỗ tại km1701+300, đoạn qua P.Bửu Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai khiến 2 người chết, 7 người bị thương - Ảnh: A LỘC
Vụ tai nạn xảy ra khi tàu lửa tông vào ôtô 16 chỗ tại km1701+300, đoạn qua P.Bửu Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai khiến 2 người chết, 7 người bị thương - Ảnh: A LỘC

Công ty cổ phần Quản lý đường sắt Sài Gòn (đơn vị quản lý tuyến đường sắt từ TP.HCM đến Bình Thuận) cho biết qua các đợt kiểm tra đột xuất, công ty đã kỷ luật 6 nhân viên gác tàu mất tập trung dẫn đến tình trạng quên đóng chắn hoặc đóng chắn chậm lúc tàu chạy qua.

Ngủ gật, ham điện thoại

Một nhân viên trực gác chắn đường sắt ở khu vực Q.3, TP.HCM thừa nhận trong môi trường làm việc ban đêm, nhiều lúc mắt díu lại rất dễ ngủ quên dù đã nhận “lệnh” chuẩn bị đóng chắn đón tàu chạy qua.

Nguyên nhân là thiết bị thông báo trước khi tàu đến thường kéo dài từ 15-30 phút. Vì vậy, một số nhân viên gác chắn buồn ngủ, chủ quan nghĩ rằng tàu còn lâu mới tới, nhắm mắt thêm một chút rồi dậy đóng cũng không sao.

“Bản thân tôi cũng từng hai lần như thế. Nhưng may mắn là lúc tàu sắp tới, còi hú inh ỏi, tôi giật mình bật dậy chạy ra đường kéo chắn xuống. Dù tàu chạy qua chắn an toàn nhưng tôi rất sợ và từ đó không dám để ngủ gật trong lúc trực nữa” - nhân viên gác chắn khu vực Q.3 nói.

Ông Nguyễn Đình Đảng - phó giám đốc Công ty cổ phần Quản lý đường sắt Sài Gòn - cho biết công ty đã ghi nhận có trường hợp nhân viên vì quá “say mê” xem điện thoại hoặc ngủ gật mà quên đóng chắn hoặc đóng chắn chậm. Tuy chưa có tai nạn đáng tiếc xảy ra nhưng điều này rất nguy hiểm đến an toàn chạy tàu.

Về giải pháp chống ngủ gật cho nhân viên gác tàu, ông Đảng cho biết hiện công ty đã liên kết với một trường đại học nghiên cứu thiết bị “Cảm biến báo tàu đến gần không dây”.

Theo ông Đảng, công ty sẽ gắn bộ cảm biến nằm trên đường ray xe lửa cách gác chắn hơn 20km. Khi tàu chạy qua điểm gắn thiết bị, bộ cảm biến truyền tín hiệu từ xa về sẽ làm nháy đèn, hú còi liên tục tại phòng trực và ngoài đường ray nhằm cảnh báo cho nhân viên, người dân.

“Thời gian thông báo trước lúc tàu qua gác chắn chỉ cách mấy phút, hạn chế việc nhân viên chờ tàu lâu quá mà chủ quan. Trường hợp trực gác lơ là hay ngủ gật lúc nghe còi inh ỏi cũng phải thức dậy” - ông Đảng nói.

Theo ông Đảng, trước kia công ty sử dụng bộ cảnh báo tàu truyền thống có chi phí khá cao, từ 700-800 triệu đồng/gác chắn, nếu lắp hầu hết tại các đường ngang trên địa bàn quản lý thì rất tốt kém.

“Còn chi phí mỗi bộ thiết bị chống ngủ gật này chỉ bằng 1/10 so với giá thiết bị truyền thống và phù hợp với kinh phí trong thời điểm hiện nay. Công ty hiện đang thí điểm thành công ở gác chắn 1716+140 (thuộc Q.Thủ Đức, TP.HCM). Hiện công ty đang chờ các cơ quan chức năng phê duyệt để ứng dụng cho nhiều gác chắn khác” - ông Đảng cho biết.

Đã có tai nạn do không đóng chắn

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Đ.V.H. về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt, theo điều 208 Bộ luật Hình sự.

Ông H. là nhân viên gác chắn thuộc đội đường sắt Vân Canh (Công ty cổ phần Đường sắt Phú Khánh) được phân công trực vận hành phòng vệ khi tàu qua lại.

Theo kết quả điều tra ban đầu, sáng 18-3-2017, khi qua gác chắn ở xã Canh Vinh, huyện Vân Canh, tàu SNQ4 đã tông vào xe tải khiến 2 người chết. Thời điểm trên, khi nhận thông báo tàu SQN4 xin đường, ông H. đã ra mở thông đường sắt nhưng không đóng chắn đường ngang, không bật tín hiệu đèn cảnh báo.

Ông H. cũng không dùng cờ đứng đón và tiễn tàu đi qua, mà lại tiếp tục vào phòng gác chắn gọi điện hỏi lại trực ban thời gian tàu chạy qua nên dẫn đến vụ tai nạn.

Làm đường gom để xóa lối đi tự mở

Ngành đường sắt cũng thừa nhận tiến độ rào đóng, thu hẹp lối đi tự mở của người dân và cắm bổ sung biển báo “Chú ý tàu hỏa” còn chậm so với kế hoạch. Trong 6 tháng đầu năm chỉ đóng được 231 lối đi trên tổng số 4.279 lối đi mà người dân tự mở băng qua đường sắt. Cũng có tình trạng hôm nay đóng, hôm sau người dân mở ra đi tiếp.

Ông Nguyễn Đình Đảng giải thích: Trên thực tế quy hoạch đường sắt ở một số địa phương không có lối đi cho người dân. Ngay cả việc tổ chức lối đi hợp pháp với khoảng cách từ 10-15km có một đường băng ngang đường tàu như hiện nay vẫn chưa hợp lý.

Ông Đảng cho rằng các địa phương và ngành đường sắt phải phối hợp tích cực để làm đường gom chạy dọc theo đường sắt, tạo lối đi phù hợp và thuận tiện cho người dân, từ đó tránh trường hợp người dân tự mở đường dân sinh băng ngang đường sắt dẫn đến nguy hiểm.

“Có đường gom, người dân mới có lối đi. Đó là giải pháp triệt để nhằm xóa bỏ lối đi tự mở” - ông Đảng nói.

79 người chết

Theo thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm, trên tuyến đường sắt đã xảy ra 167 vụ tai nạn khiến 79 người chết, trong đó có tới 38% vụ xảy ra tại lối đi tự mở, 44% ở dọc hành lang...

ĐỨC PHÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên