Chị Lê Thị Nhi ở Tây Ninh (thứ hai từ trái qua) có bảo hiểm y tế nhưng vì không muốn tốn thời gian nên đã khám dịch vụ tại Bệnh viện Ung bướu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) sáng 15-7 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Khoảng 9h ngày 12-7, chúng tôi theo anh Nguyễn Thành Chung (34 tuổi, ngụ Đồng Nai) ghé khu khám bệnh Bệnh viện Ung bướu TP.HCM mua sổ tầm soát ung thư tuyến giáp, có BHYT.
Số thứ tự của anh Chung nhận được trên 300, trong khi lượng bệnh nhân đang khám mới chỉ trên 100 người. Ở phía ngoài phòng khám, bệnh nhân đứng ngồi la liệt.
Khám dịch vụ trong giờ hành chính
Với số thứ tự cao ngất ngưởng của anh Chung, một cô nhân viên của bệnh viện ngó bảng số thứ tự hiển thị phía ngoài phòng khám nói chắc nịch: "Trường hợp của anh nếu siêu âm sẽ rớt vào ngày mai hoặc ngày mốt, thậm chí qua tuần sau".
Nhân viên này khuyên anh Chung lần sau nếu có nhu cầu khám nhanh nên đăng ký khám dịch vụ giá 200.000 đồng/lượt (khám BHYT chỉ 39.000 đồng/lượt).
"Muốn khám theo nhu cầu thì qua quầy đăng ký khám dịch vụ, bác sĩ siêu âm trong ngày luôn. Lên trên phòng khám anh chỉ đợi 5-6 bệnh nhân là có thể khám được, chứ không phải đợi như vầy" - cô nhân viên hối thúc bệnh nhân đăng ký khám dịch vụ vì có thể còn số, nếu dư số sẽ được "đẩy" qua lúc 13h, khám dịch vụ trong giờ làm việc, có phòng khám riêng nên yên tâm rất nhanh.
Ngoài hướng dẫn anh Chung, cô nhân viên còn chạy qua chạy lại như con thoi tại các tầng ở khu khám bệnh để "hướng dẫn" người bệnh. Tại đây, nhiều người dù có BHYT nhưng vẫn chấp nhận chuyển qua khám dịch vụ.
Bà T.N.T. (45 tuổi, ngụ Đồng Nai) ôm balô ngồi ở ghế đợi đến lượt khám cho biết dù có BHYT nhưng quyết định "khám dịch vụ cho nhanh" vì không có giấy chuyển tuyến. "BHYT chỉ phòng khi trường hợp nào bất đắc dĩ lắm mới dùng, chứ quá tải đợi 2-3 ngày ai mà chịu được. Cứ đi vầy cho lẹ" - bà T. chia sẻ.
Theo thống kê của bệnh viện, ở khu vực khám bệnh chỉ có 32% bệnh nhân sử dụng thẻ BHYT. Tuy nhiên, khi nhập viện điều trị nội trú, con số này tăng lên 65% và chỉ có 35% không có BHYT.
"Nhiều bệnh nhân có BHYT trái tuyến không được sử dụng nên khám ngoại trú thì họ bỏ thẻ, nhưng khi vào nội trú họ vẫn được một phần quyền lợi nên sử dụng thẻ BHYT. Điều này cho thấy đối với bệnh nhân khám, điều trị các bệnh nan y, có thẻ BHYT là một lợi thế rất lớn vì chi phí điều trị rất đắt đỏ" - ông Diệp Bảo Tuấn, phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết.
Liên quan việc người bệnh được "khuyên" qua khám dịch vụ thay vì chờ đợi khám BHYT, ông Tuấn thừa nhận có "khám dịch vụ trong giờ hành chính". "Vì thời gian tầm soát ung thư thường kéo dài hơn nên bệnh viện có thu thêm, nhưng không phải khám theo yêu cầu"- ông Tuấn nói.
Đồ họa: V.Cường
Dịch vụ cũng "đợi dài cổ"
Những tưởng khám dịch vụ sẽ nhanh nhưng không hẳn vậy. Nhiều người có BHYT khi chuyển qua khám dịch vụ cũng phải đợi... dài cổ, thậm chí "chịu hết nổi" đòi lại tiền để về.
Chị L.T.H. (ngụ Q.12, TP.HCM) cho biết dù có BHYT nhưng cả năm nay không có cơ hội dùng đến bởi không thể xin được giấy chuyển viện. Thế nhưng khi qua khám dịch vụ Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, "điệp khúc" chờ đợi vẫn tái diễn.
"Nói khám dịch vụ nhưng vừa ngồi khám là cho đi ra, không có thời gian để mình hỏi bệnh. Chưa kể có nhiều hôm làm thủ tục khám trong giờ nhưng cuối cùng bị đẩy ra khám theo giá ngoài giờ, tốn kém đến 3-4 triệu đồng"- chị H. bức xúc.
Khoảng 15h30 ngày 13-7, tại khu khám theo yêu cầu Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, bà P.T.M.P. (60 tuổi, ngụ Q.1) bức xúc la lớn yêu cầu bệnh viện phải trả lại 2 triệu đồng tiền siêu âm thoái hóa đốt sống cổ mà bà đóng trước đó bởi phải chờ đợi quá lâu.
Theo bà P., bà ghé bệnh viện đăng ký khám BHYT từ sáng sớm. Tuy nhiên, do bà không có giấy chuyển viện nên buộc phải chuyển qua khám dịch vụ.
"Không khám được BHYT, nhưng lỡ đến bệnh viện nên tôi đành đóng tiền khám dịch vụ 100.000 đồng. Tôi mang phim X-quang ở bệnh viện quận vừa chụp lên nhưng bác sĩ ở đây không ngó ngàng đến, vẫn bảo đi chụp lại. Rồi nhân viên y tế hẹn tôi 17h quay lại khám nhưng đợi đến giờ hẹn không thấy gọi, tôi hỏi thì được trả lời đợi thêm đến 17h30" - bà P. búc xúc.
Theo khảo sát tại khu khám theo yêu cầu của bệnh viện, hầu hết người bệnh đều có thẻ BHYT nhưng không có cơ hội sử dụng vì không có giấy chuyển viện. Phần lớn bệnh nhân đều mắc các bệnh mãn tính, điều trị nhiều năm ở các bệnh viện tuyến tỉnh, quận huyện không khỏi.
Vừa bước ra khỏi bàn khám, ông Nguyễn Xuân Ngọc (53 tuổi, ngụ Bình Thuận) cho biết vợ chồng ông đón xe đò vào bệnh viện khám bệnh thoái hóa cột sống từ lúc 5h sáng, nhưng cuối giờ chiều vẫn chưa thể xong.
"Tôi bị thoái hóa cột sống nhiều năm, có đăng ký BHYT điều trị ở bệnh viện địa phương nhưng mãi chẳng khỏi. Xin giấy chuyển nhưng bệnh viện không đồng ý, tôi đánh liều đi khám dịch vụ, mới khám sơ sơ ngót gần 3 triệu đồng" - ông Ngọc bấm ngón tay nhẩm tính.
Bệnh viện vận động bác sĩ mở dịch vụ khám ngoài giờ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Diệp Bảo Tuấn - phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - cho biết mỗi ngày bệnh viện có 2.500 lượt bệnh nhân khám, riêng nội trú có khoảng 1.200 bệnh nhân nhưng chỉ có 838 giường bệnh. Trong số người bệnh đến khám có hơn 50% bệnh nhân phải siêu âm.
"12 máy siêu âm hoạt động hết công suất, nhưng với lượng người bệnh đông như vậy thì ít nhất họ phải chờ hai ngày. Để đáp ứng nhu cầu, bệnh viện vận động bác sĩ mở dịch vụ khám ngoài giờ, giải quyết được 25% số bệnh" - ông Tuấn nói.
Chưa tin bệnh viện tuyến dưới
Bệnh nhân khám dịch vụ tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình. Trong số các bệnh nhân này, nhiều người có BHYT - Ảnh: H.L.
Đầu tháng 6, bà H.T.K. ở Bỉm Sơn (Thanh Hóa) ra Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khám. Bà cho biết mình có thẻ BHYT, khám ở bệnh viện gần nhà thì bác sĩ nghi ngờ bà bị suy thận, cho ít thuốc bổ gan và bảo lên tuyến trên kiểm tra nhưng không đưa cho giấy chuyển tuyến.
"Nếu chuyển đúng tuyến phải lên bệnh viện tỉnh, nhưng tôi không yên tâm và cũng không có thời gian nhiều để đi ba tuyến bệnh viện, xin hai giấy chuyển viện nên tôi lên thẳng Bệnh viện Bạch Mai. Lần này riêng tiền siêu âm và xét nghiệm tôi tốn hơn 500.000 đồng, chưa kể tiền mua thuốc, tiền khám...
Bệnh viện ở quê đọc kết quả siêu âm là nhu mô gan không đều, ở đây (Bệnh viện Bạch Mai) lại đọc là nhu mô gan đều" - bà K. cho biết.
Cách đây một tuần, anh N.X. ở Hà Nội đi phẫu thuật tràn dịch khớp gối tại Bệnh viện Việt Đức. Nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu của anh là một phòng khám thuộc quận Đống Đa, không thể thực hiện được kỹ thuật này nên anh buộc lòng phải đến bệnh viện tuyến trên.
"Vì lịch phẫu thuật của bác sĩ rất kín nên sau khi có chỉ định mổ, tôi đến Bệnh viện Việt Đức và do không có giấy chuyển tuyến nên toàn bộ chi phí khám và chụp chiếu ban đầu, trong đó riêng chụp cộng hưởng từ 3,5 triệu đồng, chi phí xét nghiệm... tôi phải trả hết.
Bảo hiểm chỉ chi trả 32% chi phí điều trị nội trú, tiền khám, xét nghiệm, chụp chiếu tính vào phí ngoại trú nên tôi không được chi trả chút nào" - anh X. cho hay.
Một trong những nguyên nhân làm người bệnh buộc phải bỏ BHYT để chuyển tuyến là chưa tin tưởng bệnh viện tuyến dưới hoặc bệnh viện họ đăng ký khám ban đầu. Cuối tuần trước, người nhà chị L.N. ở Hà Nội vào một bệnh viện ở Hà Nội điều trị vỡ xương hàm dưới sau tai nạn giao thông. Chị hỏi kỹ những bác sĩ quen biết và đều được tư vấn bệnh viện đó không giỏi về phẫu thuật vỡ xương hàm.
"Cháu mới 24 tuổi và tương lai còn rất dài, tôi không thể để cháu chữa trị qua loa nên muốn chuyển sang bệnh viện có bác sĩ chuyên khoa giỏi, nhưng bệnh viện bảo chữa được nên không cho chuyển, còn mỗi cách bỏ bảo hiểm và sang bệnh viện mới theo diện cấp cứu" - chị L.N. cho biết.
Thủ tục chuyển bảo hiểm rắc rối, bệnh viện muốn giữ bệnh nhân lại điều trị là căn nguyên khiến nhiều người bệnh phải bỏ BHYT. Một giám đốc bệnh viện chuyên khoa da liễu ở Hà Nội cho hay toàn quốc chỉ có gần 30 tỉnh thành có bệnh viện da liễu, còn lại không có nên bệnh nhân mắc bệnh nặng ở các tỉnh thường muốn đến bệnh viện chuyên khoa tuyến trên.
"Chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp bệnh nhân khá nặng mới được chuyển đến, hỏi thì được biết bệnh viện ở tỉnh cứ giữ lại, nói điều trị được, khi nặng quá mới cho lên" - vị giám đốc này cho hay.
Bệnh viện tổ chức chưa ổn
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Dương Tuấn Đức, giám đốc Trung tâm giám định bảo hiểm y tế và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc, cho rằng quy chế chuyển tuyến của Bộ Y tế rất rõ ràng, nếu bệnh nhân mắc bệnh nặng phải lên tuyến trên thì bác sĩ sẽ chuyển, còn nếu bệnh nhân tự đi, tự chọn nơi khám chữa bệnh thì khám bệnh ngoại trú không được chi trả chi phí, điều trị nội trú trái tuyến được chi trả 40% chi phí.
* Quy chế chuyển tuyến trước đây có cho phép chi trả 20-40% tùy tuyến đối với người khám ngoại trú vượt tuyến, tạo điều kiện cho người bệnh có thẻ được chi trả chi phí ở tuyến y tế họ mong muốn. Tại sao hiện nay lại không được chi trả, thưa ông?
- Khám bệnh ngoại trú không nhất thiết phải lên tuyến trên, nhiều người bệnh muốn lên tuyến trên vì nghe người thân, người quen cho rằng chỗ này chỗ kia tốt. Nhưng nếu đã muốn đến cơ sở y tế theo yêu cầu thì phải chi trả, còn nếu bệnh viện không chữa được thì bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân chuyển tuyến.
* Nhiều ý kiến cho rằng so với quy chế chuyển tuyến cũ, quy chế này khó khăn hơn và một số điểm thuận lợi cho người bệnh muốn chuyển tuyến trước đây đều bị bãi bỏ, ông nghĩ như thế nào về ý kiến này?
- Thực tế quy chế chuyển tuyến hiện đã mở hết cỡ, bệnh nhân có thể tự chọn cơ sở y tế tuyến quận huyện để khám chữa bệnh mà không phải đến đúng cơ sở khám chữa bệnh đã đăng ký ban đầu. Nếu cơ sở bệnh nhân chọn chưa xác định được hay chưa chữa được bệnh thì bệnh nhân sẽ được giới thiệu chuyển tuyến. Nếu bệnh nhân muốn chuyển tuyến vì nghe nói chỗ này chỗ kia tốt thì không được, vì nếu vậy thì
ai cũng muốn lên Việt Đức, Bạch Mai...
* Hiện có tình trạng bệnh nhân có bảo hiểm y tế nhưng bệnh viện đông quá, lại "giới thiệu" bệnh nhân sang khám dịch vụ. Về mặt quy định thì việc này sai hay đúng, thưa ông?
- Trong trường hợp bệnh nhân quá đông, bệnh viện phải bố trí thêm bàn khám, khi phân bổ số thẻ khám chữa bệnh ban đầu thì giám đốc sở phải tính để làm sao với số người đăng ký ấy, bệnh viện đảm bảo được 50 người bệnh/bàn khám/ngày. Nhưng nếu bệnh nhân đến quá đông so với số bàn khám, bệnh viện phải bố trí thêm bàn khám, thêm bác sĩ ra khoa khám bệnh, không thể để bệnh nhân phải chuyển sang khám dịch vụ và phải trả tiền cao hơn.
* Đây là vấn đề ở khâu tổ chức của từng bệnh viện: Vì sao khám bảo hiểm quá đông mà dịch vụ lại ít người khám, bệnh nhân không phải chờ? Vì sao bệnh nhân bảo hiểm đông mà khu dịch vụ không san sẻ để khám bớt?
- Hiện xấp xỉ 90% bệnh nhân có BHYT nên khu khám bảo hiểm phải được mở rộng. Đó là chưa nói đến chất lượng khám dịch vụ, liệu chất lượng có tương đương với giá, vì thực ra bệnh nhân có BHYT vẫn được phía khám chi trả như quy định được hưởng và chỉ phải trả phần tiền chênh lệch khi khám dịch vụ. Nhưng do hiện chưa có quy định rõ về quản lý phí khám dịch vụ nên rất khó xác định phần phải thu thêm của bệnh nhân bảo hiểm. Nếu để bệnh nhân phải bỏ BHYT sang khám dịch vụ thì khâu tổ chức của bệnh viện đó là chưa ổn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận