16/12/2014 12:46 GMT+7

​Để có con từ bụng... người khác

LAN ANH
LAN ANH

TT - Sau khi báo Tuổi Trẻ ngày 15-12 đăng bài “Lần đầu tiên VN cho phép mang thai hộ”, nhiều bạn đọc quan tâm và muốn biết rõ hơn về việc này.

Đăng ký khám bệnh tại khoa hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) - Ảnh:  Hữu Khoa
Tôi đã gặp hàng chục gia đình mà người vợ đã cắt tử cung nhưng vẫn có trứng, hoặc cứ có thai là bị rối loạn đông máu, hoặc đã mang thai tự nhiên/ mang thai nhờ thụ tinh trong ống nghiệm nhiều lần nhưng đều bị sẩy thai... Những trường hợp này cho phép họ nhờ mang thai hộ là hợp cả lý và tình
Ông Nguyễn Viết Tiến (thứ trưởng Bộ Y tế)

Dưới đây là chuyện kể từ các y tá, bác sĩ và chuyên gia.

Nữ y tá Đ.H.H. ở Bệnh viện Phụ sản T.Ư kể chị không thể quên được câu chuyện của một phụ nữ hiếm muộn mà chị đã chứng kiến.

Niềm khao khát bấy lâu

Trên chuyến bay từ Thái Lan về Hà Nội hôm ấy, ngồi cạnh y tá Đ.H.H. là một phụ nữ lớn tuổi có cặp mắt rất buồn và bịt khẩu trang kín mặt.

“Tôi cảm thấy rất lạ nên hỏi chuyện và bà ấy nói hai vợ chồng chỉ có một người con nhưng con bị tai nạn mất, lúc đó vợ chồng đã rất lớn tuổi, cố gắng thụ thai nhiều lần không được nên bà đã đi Thái Lan làm dịch vụ nhờ mang thai hộ. Tôi đã cho bà ấy số điện thoại để nếu bà gặp khó khăn gì, tôi sẵn sàng giúp đỡ trong khả năng của mình. Tất cả những người phải nhờ mang thai hộ đều đã vạn bất đắc dĩ, họ đều rất khổ rồi”- chị H. nói.

Dù đến thời điểm này luật pháp VN vẫn cấm mang thai hộ, nhưng bằng cách này hay cách khác đã có những cặp vợ chồng hiếm muộn khao khát có đứa con ruột của mình, buộc phải đi tìm người mang thai hộ và đã có những em bé ra đời nhờ mang thai hộ.

Phần lớn họ đi Thái Lan để làm dịch vụ, nhưng cũng có người tìm được người mang thai hộ tại VN và sau đó gặp rắc rối pháp lý. Mới đây, một gia đình khá giả ở Hà Nội nhờ một cô giáo mầm non ở quê mang thai hộ. Phôi thai được tạo ra từ trứng của người vợ kết hợp với tinh trùng của người chồng, em bé sau đó được đưa về cho người mẹ chính thức nuôi dưỡng, nhưng chín tháng mang nặng đẻ đau khiến cô giáo nảy sinh lòng quyến luyến em bé mới sinh.

Lúc đầu thỉnh thoảng cô mới đến thăm bé, nhưng về sau thì tần suất thăm cứ tăng dần và sau đó cô nói sẵn sàng đền bù hợp đồng để được đón em bé về nuôi dưỡng. Nếu chiếu theo luật pháp thời điểm đó, cô giáo mới là mẹ đích thực của em bé nên gia đình nhờ mang thai hộ buộc phải chuyển chỗ ở, chỗ làm việc để tránh người đã mang thai hộ đến tìm và đòi con.

Rất nhiều phụ nữ có bệnh lý không thể mang thai được dù vẫn có trứng và vẫn có khả năng có con ruột nếu có người mang thai giúp.

Theo ông Nguyễn Viết Tiến - thứ trưởng Bộ Y tế, từ năm 2003 khi nghị định của Chính phủ về sinh con theo phương pháp khoa học (trong đó cấm mang thai hộ) được ban hành, đã có rất nhiều đơn thư của các gia đình hiếm muộn gửi đến bệnh viện, tha thiết được nhờ mang thai vì người mẹ có bệnh lý không thể mang thai.

Phải đủ điều kiện mới được mang thai hộ

Theo PGS.TS Lưu Thị Hồng, vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế), các gia đình muốn làm thụ tinh trong ống nghiệm phải trải qua thăm khám, đánh giá về sức khỏe, đủ điều kiện bệnh viện mới tiến hành hỗ trợ sinh sản, thì người mang thai hộ cũng phải trải qua thăm khám như vậy.

“Cả gia đình nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ đều phải trải qua thăm khám đánh giá và tư vấn về sức khỏe, pháp lý, tâm lý. Khi mang thai theo cách thông thường, bà mẹ có 9 tháng 10 ngày gần gũi và làm quen với em bé sắp ra đời. Nhưng khi nhờ mang thai hộ thì người mẹ sẽ phải học cách làm quen với bé, chuẩn bị tâm lý đón con ruột của mình trong khi mẹ chưa hề được làm quen, chuẩn bị tâm lý. Tuy nhiên, các gia đình nhờ mang thai hộ đều là gia đình hiếm muộn và luôn có tâm lý mong chờ em bé sắp sinh, tâm lý này sẽ hỗ trợ tiến trình làm quen với em bé” - bà Hồng cho biết.

Cũng theo bà Hồng, Luật hôn nhân gia đình 2014 đã quy định người nhờ mang thai hộ được nghỉ chế độ thai sản sáu tháng như các bà mẹ thông thường (thời gian nghỉ tính từ ngày nhận con).

Bên mang thai hộ cũng được hưởng chế độ bảo hiểm và nghỉ thai sản đến thời điểm trao con cho người nhờ, trường hợp chưa nghỉ đủ 60 ngày mà đã trao con thì họ được quyền nghỉ thêm cho đến 60 ngày, con sinh ra nhờ mang thai hộ không tính vào số con theo chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình.

“Khi bàn thảo dự luật này, đã có những ý kiến cho rằng có trường hợp nhờ mang thai hộ nhưng sau đó gia đình nhờ mang thai có biến cố, không chịu nhận con. Hoặc có trường hợp người mang thai hộ không chịu trao trả con. Luật đã quy định những trường hợp này sẽ do tòa án giải quyết các tranh chấp” - bà Hồng nói.

Trả lời câu hỏi nhiều người quan tâm: “Liệu em bé mới sinh có ảnh hưởng tâm tính của người mang thai hộ hay không?”, bà Hồng cho biết đến nay chưa có nghiên cứu nào cho rằng người mang thai hộ sẽ ảnh hưởng đến tâm tính của thai nhi.

Chi phí cho một ca mang thai hộ?

Luật pháp VN chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, và chỉ cho nhờ mang thai/mang thai hộ giữa họ hàng thân thích. Tuy nhiên, thực tế có những người không có chị em gái hoặc chị em gái không đủ điều kiện giúp mang thai hộ thì giải quyết ra sao?

Theo ông Nguyễn Viết Tiến, quá trình hỗ trợ sinh sản là một quá trình dài, các bác sĩ hoàn toàn đủ thời gian và điều kiện thẩm định việc nhờ và mang thai hộ có yếu tố thương mại hay không.

Ông Tiến cũng cho biết luật pháp hiện hành đã quy định rất rõ về thủ tục với bên nhờ và bên mang thai hộ, trong trường hợp bên nhờ mang thai có hỗ trợ tài chính cho bên mang thai hộ, đó là thỏa thuận giữa hai bên. Còn bệnh viện chỉ thu phí dịch vụ tương đương các trường hợp hỗ trợ sinh sản thông thường là từ 30-70 triệu đồng/ca, tùy bệnh nhân và phác đồ sử dụng cho bệnh nhân.

Ông Tiến cũng cho biết hiện tỉ lệ thụ tinh trong ống nghiệm ở VN thành công khoảng 35%, nhưng với mang thai hộ thì tỉ lệ thành công dự đoán sẽ cao hơn nhiều.

 

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên