Phóng to |
Một đoạn đê từ hàng chục năm trước nay chỉ còn trơ lại cửa thoát nước - Ảnh: quang thế |
Ngay bờ biển trước thôn 1, xã Hải Đông, dấu tích cuối cùng của con đê từ những năm 1980 chỉ là những mảnh gạch ngói, ximăng vỡ bị sóng đánh trôi ra xa.
Ông Triệu - trưởng thôn 1 - kể: “Suốt từ năm 1982 tới nay, bà con mong đợi con đê mới nhưng không thấy nên đành phải tự mang bao tải đất đắp đê tạm, cao khoảng 1m mong chắn đỡ được chút nào hay chút đó. Tuy nhiên, chỉ sau vài trận mưa lớn “con đê” này bị nước biển đánh tan, đất lại nhão nhoét”.
Cuối tháng 7 vừa qua, khi nghe tin cơn bão số 4 sẽ đổ bộ vào Móng Cái, thôn 1 dường như sáng đèn cả đêm. Bà con không dám ngủ vì lo bão đến bất ngờ, những căn nhà sát biển trở tay không kịp với sóng to gió lớn ngoài khơi tạt vào. Hiện tại vì khó khăn, 18 gia đình thôn 1 vẫn chưa di dời được vào sâu bên trong. Người dân địa phương cho hay những năm trước có nhiều gia đình bị nước biển dâng cao ngập nhà, cuốn trôi hết tài sản ngay trong đêm bão.
Ngoài nỗi lo nhà cửa gặp nguy hiểm, bà con nơi đây còn lo sợ trước hiện tượng xâm nhập mặn đang có chiều hướng lan rộng khắp thôn. Đất đai trong thôn bị nhiễm mặn nên phải bỏ hoang. Ông Phạm Văn Bản kể nhà mình may mắn còn mảnh ruộng có thể canh tác nhưng những vụ vừa rồi đều cho năng suất rất thấp (khoảng 80kg thóc/sào (360m2). Người dân ở đây lo lắng vài năm nữa họ không thể cấy cày, trồng trọt trên ruộng vườn của mình.
Nghề trồng trọt bị đe dọa vì đất nhiễm mặn, nghề nuôi tôm hi vọng mang lại thu nhập cao cho bà con cũng đang đối mặt với nguy cơ xóa sổ khi hàng chục nghìn mét vuông ao, đầm luôn bị nước biển tràn vào, không thể điều hòa kịp khiến tôm sinh bệnh chết hàng loạt. Từ đầu năm đến nay, hầu hết gia đình trong thôn đều có hai vụ tôm chết, mất trắng đến 50 triệu đồng đầu tư mỗi vụ.
Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Yên (62 tuổi) đúng lúc ông đang vất vả xách từng thùng nước mưa hứng được từ mái ngói đổ vào ang. Ông Yên cho biết các giếng đào của bà con đều bị nhiễm mặn, không thể sử dụng. Giếng khoan sâu đến 20m nước vẫn nổi váng vàng khè. Cả thôn chỉ còn duy nhất một giếng đào giữa cánh đồng là còn dùng để nấu ăn được, nhưng do phục vụ quá đông người đến mùa khô giếng cũng cạn trơ. Khi ấy người dân ở đây phải đến các làng bên xin nước về dùng rất vất vả.
Phóng to |
Người dân nơi đây đã nhiều lần làm đơn gửi đến cơ quan chức năng mong được giúp đỡ làm lại con đê nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - phó chủ tịch UBND TP Móng Cái - cho biết từ đầu năm 2011 chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh và lãnh đạo TP Móng Cái đã đi kiểm tra tuyến đê này. Qua đó, chủ tịch tỉnh đã cho ý kiến chỉ đạo và lập dự án làm lại tuyến đê này với số tiền đầu tư lên đến 116 tỉ đồng. “Do nguồn vốn quá lớn nên tỉnh đã đề nghị xin vốn từ trung ương theo chương trình đê biển 58 của Chính phủ để làm đoạn đê biển nói trên” - ông Dũng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận