![]() |
Các chuyên gia nước ngoài đang hỗ trợ trùng tu di tích đền Pre Rup trong quần thể Angkor |
Cả đất nước chùa tháp có không dưới 3.500 đền đài, di tích - một kho báu khổng lồ, nhưng chỉ có 259 đền đài của quần thể Angkor được khách năm châu biết đến.
Tiền hay di sản?
“Du lịch vừa là nguồn lợi, vừa là mối đe dọa đối với các di sản Angkor” - đó là khuyến cáo của Tổ chức Unesco đối với kỳ quan Angkor. Chọn con đường nào, mở rộng cửa để đón khách, thu tiền hay hạn chế để bảo tồn di sản? Câu trả lời của Campuchia: cả hai!
Những ngày này Angkor đang là mùa cao điểm du lịch trong năm, nhưng một số khu đền đã tạm đóng cửa hoặc hạn chế tối đa du khách vào tham quan để trùng tu, kể cả dãy hành lang đá dài ngàn năm tuổi dẫn vào đền Angkor Wat cũng đang được ráo riết thi công một bên, còn một bên vẫn để du khách vào viếng đền.
Ở đền Banteay Srey cách Siem Reap 35km, ngôi đền được xây dựng từ thế kỷ 10, có đến hơn ngàn năm tuổi, được xây bằng sa thạch và đá ong, những họa tiết, điêu khắc của đền được xem là cực kỳ tinh xảo trong hệ thống đền đài Angkor. Khi tôi bước vào đền, nhiều khối đá, phù điêu đã được tạm di dời ra bên ngoài khuôn viên đền và một nhóm chuyên gia Nhật đang trùng tu lại một cách tỉ mỉ.
Theo một quan chức thuộc Cơ quan Apsara - nơi chịu trách nhiệm bảo tồn di sản Angkor mà tôi tiếp xúc: “Không thể đổ hết cho chiến tranh, nghèo nàn. Tiền nhân đã xây dựng Angkor và sau đó bị quên lãng ba bốn trăm năm trong rừng sâu nhưng vẫn nguyên vẹn, không lẽ chỉ chục năm lại có thể tàn phai nhanh chóng? Chúng tôi làm du lịch để có tiền trùng tu. Hàng trăm triệu USD của chính phủ và rất nhiều nước trên thế giới đã đổ về đây để giữ kỳ quan này cho đời sau…”.
Angkor - kỳ quan thế giới và là điểm đến sôi động nhất khu vực Đông Nam Á trong vài năm gần đây. Điều đó ai cũng phải thừa nhận, không những thế Angkor cũng là điểm đến của hàng chục dự án tài trợ của các chính phủ và các tổ chức phi chính phủ. Tổ chức Unesco của LHQ đã từng báo động về việc du khách các nước đổ xô về Angkor trong khi việc điều tiết du lịch của Chính phủ Campuchia vẫn chưa thể hoàn thiện, làm xuống cấp quá nhanh các đền đài Angkor.
Đi một vòng quanh Angkor có thể thấy người Nhật chiếm phần lớn số du khách đến tham quan Angkor (theo Apsara, người Nhật chiếm đến trên 10% khách đến Angkor) và Nhật cũng đang là nước tài trợ lớn nhất cho các dự án trùng tu Angkor. Ngay từ năm 1994 người Nhật đã nhanh chóng tài trợ một dự án kéo dài bốn năm nhằm khôi phục di tích “thư viện miền bắc” của đền Bayon.
Tại đền Angkor Wat, tôi đã thấy người Đức triển khai dự án bảo tồn hàng ngàn bức phù điêu, tượng chạm khắc nơi này. Còn tại đền Pre Rup, người Ý cũng tài trợ dự án ngăn ngừa sự sụp đổ của các tháp và người Trung Quốc cũng miệt mài với công cuộc khôi phục đền Chausay Tevoda…
Nhiều hướng dẫn viên bản địa mà tôi gặp đã rất tự hào cho biết họ có bằng cấp quốc tế và được chính Unesco đào tạo bài bản để hướng dẫn khách vào tham quan các đền đài. Giá hướng dẫn viên do chính Unesco đào tạo mùa cao điểm du lịch khá cao, nhất là các tiếng Nhật, Hàn, một ngày phải trả cho họ 30 USD, thậm chí 40 USD.
Đặc biệt, ở Angkor tôi gặp khá nhiều đoàn từ VN sang, nhiều trưởng đoàn của các công ty du lịch than mùa này hướng dẫn viên tiếng Việt kiếm đỏ con mắt cũng không ra, giá cũng ngang với hướng dẫn viên tiếng Nhật, Hàn!
Chính phủ Campuchia đã từng bước có nhiều điều tiết về du lịch, kể cả việc chấn chỉnh lại tình trạng lộn xộn tại các khu đền cũng như thành phố Siem Reap. Một dự án 10 triệu USD của chính phủ đã được xúc tiến tại Siem Reap để cải tạo lại đường sá, môi trường, xây dựng nhà vệ sinh quanh các khu đền, nhất là ngăn chặn sự ô nhiễm dòng sông Siem Reap.
Một quy định khác là bất cứ công trình xây dựng nào, dù 4-5 sao, cũng không được cao quá bốn tầng lầu và phải có mái cong truyền thống đặt bên trên, còn những công trình áp sát khu đền Angkor đều bị đập bỏ. Từ năm 2003, để giảm tải lượng du khách vào đền Angkor Wat quá đông, ảnh hưởng đến chất lượng tham quan cũng như di tích, mỗi lần vào đền chỉ giới hạn 300 người và mỗi đợt chỉ kéo dài 1-2 giờ.
Tháng 7-2004, nhiều người dân Campuchia thở phào nhẹ nhõm khi tổng thư ký Ủy ban Kiến thiết và tôn tạo của Campuchia Ruok Borat đã long trọng thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng: Unesco đã xóa tên Angkor Wat ra khỏi danh sách di sản thế giới bị xâm hại! Bóng Angkor lại tỏa sáng, nụ cười bí ẩn của tượng thần Bayon bốn mặt biểu tượng cho “từ tâm - nhân ái - độ lượng - thanh tịnh” lại có được linh hồn…
Đường đến kỳ quan…
![]() |
Những tượng thần Bayon bốn mặt |
Từ TP.HCM sang thủ đô Phnom Penh của vương quốc Campuchia chỉ hơn 230km và từ đây lên đến kỳ quan Angkor chỉ khoảng 300km, chỉ tương đương chặng đường bộ từ Sài Gòn đi Nha Trang. Vậy mà đối với nhiều người VN đó là một khoảng cách quá xa.
Nhiều người vẫn nghĩ về Campuchia như một đất nước chiến tranh triền miên. Ngay người thân trong gia đình khi nghe tôi vác balô trở lại Campuchia cũng ra điều lo lắng: “Bên đó lộn xộn lắm, làm gì qua hoài vậy?”.
Quả thật còn nhiều bất ổn, một đất nước đã mở toang cánh cửa sau những tháng năm chiến tranh kiệt quệ thì những hệ lụy của nó là điều dễ hiểu. Nhưng người Mỹ, châu Âu, người các nước Đông Bắc Á đã vượt hàng ngàn cây số để được một lần chiêm bái kỳ quan thế giới, còn mình bên cạnh sao lại lạnh lùng!
Trong những ngày lang thang Angkor, tôi đã gặp khá nhiều đoàn du khách từ VN sang, khi đứng trước Angkor Wat, Angkor Thom hay Bayon, BaKheng… họ đều ngỡ ngàng và chỉ biết thốt lên: kỳ vĩ quá! Vậy mà từ trước đến giờ mới biết.
Cho dù chi phí một chuyến sang Campuchia bằng đường bộ giá cao hơn đến Thái Lan bằng máy bay, nhưng đa phần đều khẳng định: chỉ riêng quần thể Angkor thôi cũng đáng đồng tiền bát gạo! Thậm chí nhiều người bay thẳng sang Siem Reap mà bỏ luôn chương trình tham quan thủ đô Phnom Penh.
Chưa bao giờ các chuyến bay từ VN sang Siem Reap lại dày đặc đến thế, mỗi ngày đều có đến tám chuyến bay từ TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và cả Huế nữa. Đó là chưa kể đường bộ từ hai cửa khẩu chính Mộc Bài, Xa Mát (Tây Ninh).
Một vùng đất rất gần mà cũng rất xa với nhiều gam màu tối sáng trong những ngày gió bụi đã làm tôi tự nhủ khi bộ hành về tới cửa khẩu Xa Mát: tôi sẽ trở lại Angkor, nơi đó vẫn còn bao điều kỳ lạ. Những câu chuyện thần linh của Bayon sẽ không bao giờ cạn…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận