14/02/2025 12:11 GMT+7

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao: Nông dân lời thêm 5 triệu đồng/ha

Tham gia đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, nông dân giảm 30% lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời giảm phát thải trung bình 5 tấn CO2/ha/vụ.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao: Nông dân lời thêm 5 triệu đồng/ha - Ảnh 1.

Nông dân TP Cần Thơ thu hoạch lúa tham gia đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao - Ảnh: V.C.

Ngày 14-2, tại hội nghị thu hút đầu tư, ứng dụng công nghệ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh thực hiện đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 (gọi tắt đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao) tổ chức tại thành phố Cần Thơ, ông Lê Thanh Tùng - phó chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam - cho biết đã triển khai thí điểm đề án tại thành phố Cần Thơ, tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng và Trà Vinh.

Kết quả so với trồng lúa truyền thống đã giảm 50% lượng giống, giảm 30% lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, giảm phát thải trung bình 5 tấn CO2/ha/vụ, đồng thời tăng lợi nhuận hơn 5 triệu đồng/ha/vụ.

Hiện các địa phương tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao với diện tích khoảng 20.000ha trong vụ đông xuân.

Ông Nông Văn Thạch - giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp tổng hợp Ba Đình (tỉnh Bạc Liêu) - cho biết hợp tác xã có 651ha với mô hình tôm - lúa và các mô hình kinh tế khác. Trước khi tham gia vào đề án 1 triệu ha, hợp tác xã gặp khó trong việc quản lý sản xuất, ghi chép nhật ký canh tác, chưa tối ưu hóa chi phí và đặc biệt là đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm của thị trường.

Tham gia đề án, ngoài những lợi ích về quản lý, việc ứng dụng công nghệ số còn giúp hợp tác xã tăng cường kết nối với thị trường. Thông qua nền tảng thương mại điện tử và các giải pháp số, sản phẩm của hợp tác xã tiếp cận được nhiều đối tác hơn, gia tăng giá trị và mở rộng đầu ra.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao: Nông dân lời thêm 5 triệu đồng/ha - Ảnh 2.

Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp tổng hợp Ba Đình (tỉnh Bạc Liêu) Nông Văn Thạch nói về lợi ích khi tham gia đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao - Ảnh: K.A.

“Áp dụng các phương pháp canh tác xanh như sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc sinh học, giảm thiểu hóa chất và quản lý nước hiệu quả, mô hình lúa - tôm của hợp tác xã vừa đảm bảo năng suất, vừa bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên”, ông Thạch nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Nhơn - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ - cho rằng nông dân, hợp tác xã khó áp dụng công nghệ mới do khả năng đầu tư, tài chính yếu. Nông dân ngại thay đổi nên cần có hỗ trợ, tập huấn theo kiểu "cầm tay chỉ việc" cho nông dân, cán bộ khuyến nông.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao: Nông dân lời thêm 5 triệu đồng/ha - Ảnh 3.Đề án 1 triệu ha lúa giúp dân Kiên Giang hưởng lợi

Thực hiện mô hình thí điểm đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải thấp đã giúp cho nông dân ở xã Tân Hội (huyện Tân Hiệp, Kiên Giang) giảm 15% chi phí sản xuất đầu vào và nâng cao lợi nhuận.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên