25/04/2004 08:00 GMT+7

ĐBSCL hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt: Vì sao?

ĐÌNH LONG
ĐÌNH LONG

TTCN - Đồng bằng sông Cửu Long đang bị hạn hán và nước mặn đang xâm nhập sâu vào đất liền, ảnh hưởng xấu đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân.

EFjAAxXB.jpgPhóng to
TTCN - Đồng bằng sông Cửu Long đang bị hạn hán và nước mặn đang xâm nhập sâu vào đất liền, ảnh hưởng xấu đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân.

Để trả lời câu hỏi vì sao và giải pháp nào để khắc phục, TTCN đã phỏng vấn ông Tô Văn Trường - phân viện trưởng Phân viện Khảo sát qui hoạch thủy lợi Nam Bộ, giám đốc Trung tâm Chất lượng nước và môi trường.

* Theo ông, vì sao năm nay hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL lại kéo dài và gay gắt đến như vậy?

- Năm nay do mưa muộn trên lưu vực và lượng mưa trong suốt mùa khô vừa qua là không đáng kể nên góp phần gây hạn kéo dài và gay gắt. Gió chướng và thủy triều biển Đông góp phần gây xâm nhập mặn sâu bất thường. Nhưng nguyên nhân chính gây khô hạn và xâm nhập mặn chính là do lượng mưa năm ngoái ít hơn lượng mưa bình quân hằng năm. Kết quả là lũ năm 2003 nhỏ, đồng thời lượng nước trữ trên toàn lưu vực từ mùa mưa để bổ sung cho các tháng mùa khô ít hơn các năm trước (tổng dòng chảy từ thượng lưu vào ĐBSCL qua sông Tiền và sông Hậu tại Tân Châu và Châu Đốc thời kỳ tháng 3-2004 là 2.400m3/s, chỉ bằng 60% cùng thời kỳ năm 2001 và gần 70% so với năm 2002). Lượng dòng chảy bị kiệt này không đủ để đẩy mặn ra biển nên các vùng có thể sản xuất những năm trước bị xâm nhập mặn nặng nề trong mùa khô năm nay.

* Những thông tin ông vừa đề cập nếu được cung cấp sớm cho các địa phương, nhất là bà con nông dân, chắc chắn sẽ không gây nhiều thiệt hại như hiện nay, thưa ông?

- Khả năng hạn hán và xâm nhập mặn năm nay đã được Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn cảnh báo từ ngay sau mùa lũ 2003.

* Thực tế cho thấy mực nước trên sông Tiền và sông Hậu hiện nay thấp hơn cùng kỳ mọi năm. Vậy theo ông, nguyên nhân chính có phải do mực nước trên sông Mekong ở thượng lưu bị cạn kiệt kéo theo mực nước hai sông Tiền và Hậu cũng cạn kiệt?

- Các tính toán phân tích thống kê cho thấy mực nước trên dòng chính sông Tiền và sông Hậu phụ thuộc cơ bản vào hai yếu tố: thủy triều biển Đông và mực nước thượng lưu sông Mekong (chẳng hạn như tại Pakse hay Kratie). Mực nước bình quân trên sông Tiền và sông Hậu tại Tân Châu và Châu Đốc trong tháng ba vừa qua thấp hơn mực nước bình quân cùng thời kỳ các năm 2000-2002 từ 25-30cm là do dòng chảy thượng lưu cạn kiệt. Các nước ở thượng lưu như Thái Lan, Lào, Campuchia cũng bị thiếu nước nghiêm trọng.

* Có ý kiến cho rằng sở dĩ năm nay tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL diễn ra nghiêm trọng hơn nhiều năm là do Trung Quốc (TQ) đắp một số đập trên thượng nguồn sông Mekong. Nếu đúng như vậy thì biện pháp khắc phục (trước mắt cũng như lâu dài) của ta là gì?

Y3X9Zicx.jpgPhóng to
Sông cạn

- TQ dự định xây dựng 15 bậc thang thủy điện trên các sông nhánh thượng nguồn sông Mekong. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có đập Dachaoshan (với tổng dung tích 890 triệu m3 dung tích hữu ích 240 triệu m3) được hoàn thành vào năm 2000 và đập Manwan (tổng dung tích 920 triệu m3, dung tích hữu ích 258 triệu m3) được xây dựng từ năm 1993 và dự kiến mở rộng vào năm 2015. Còn 13 đập khác chỉ mới ở mức nghiên cứu tiền khả thi và khả thi.

Tác động của hồ chứa thủy điện thượng lưu đối với hạ lưu có bốn điểm cơ bản: giảm dòng chảy lũ; tăng dòng chảy kiệt; giảm dòng chảy trung bình năm; ngăn đường đi của cá và nguy cơ vỡ đập. Do vậy, các hồ chứa được xây dựng ở thượng lưu không phải là nguyên nhân gây hạn hán ở hạ lưu.

Tuy nhiên, đối với sông Mekong, việc giảm dòng chảy trong mùa lũ trên dòng chính sẽ kéo theo giảm khả năng tích nước trong Biển Hồ vì thế cũng có thể ảnh hưởng đến dòng chảy mùa kiệt. Song, theo tính toán của chúng tôi, những tác động này chỉ có ý nghĩa khi các hồ chứa được xây dựng ở TQ đủ lớn với tổng dung tích phải lớn hơn 10 tỉ m3. Mặc dù TQ và Myanmar chưa gia nhập Ủy hội Quốc tế sông Mekong nhưng các chương trình qui hoạch lưu vực (BDP), chương trình sử dụng nguồn nước (WUP) và chương trình môi trường (EP) của bốn nước hạ lưu vẫn là cơ sở pháp lý và kỹ thuật để các nước thượng lưu tham vấn khi khai thác sử dụng nguồn nước sông Mekong.

* Vừa qua, một số báo đưa tin hiện nay một số đoạn sông Mekong chảy qua Thái Lan đã cạn nước khiến tàu bè qua lại không được. Thông tin này chính xác đến đâu và liệu tới đây VN có rơi vào tình cảnh tương tự?

- Đoạn sông Mekong từ TQ đến Thái Lan có độ dốc lớn, nhiều bãi bồi và thác ghềnh gây nhiều trở ngại cho giao thông thủy. Năm nay lượng dòng chảy nhỏ hơn các năm trước nên tàu bè đi lại càng khó khăn hơn. Đoạn sông gây trở ngại nhất cho giao thông thủy là từ cột mốc 243 biên giới TQ - Myanmar đến bản Huoeisai (Lào) dài 331km nằm giữa bốn nước TQ, Myanmar, Lào và Thái Lan. Đoạn sông này hẹp, có đến 100 ghềnh và cù lao đá, dòng nuớc chỉ sâu trung bình trên 3m. Do đó, bốn nước nói trên đã có dự án cải tạo luồng lạch đoạn sông này để sà lan 150 tấn có thể đi lại.

Riêng đối với sông Tiền và sông Hậu của nước ta có độ sâu 20-40m so với mực nước biển và dòng chảy trong sông chủ yếu do thủy triều. Dòng chảy kiệt từ thượng lưu như năm nay gây giảm mực nước 25-30cm, nhỏ hơn nhiều so với biên độ mực nước triều từ 85-120cm. Do vậy, nguy cơ mắc cạn do thiếu nước đối với các loại tàu bè được phép lưu thông trên sông Tiền và sông Hậu không xảy ra.

* Trong tình hình hạn hán thiếu nước và xâm nhập mặn vào sâu đất liền hiện nay, theo ông, các tỉnh ĐBSCL cần làm gì để khắc phục khó khăn, giảm bớt thiệt hại cho nhân dân?

- Tình hình hạn hán hiện nay và trong những năm tới khả năng hạn hán có thể cao hơn trong cùng điều kiện nguồn nước (không có công trình điều tiết nước cho mùa khô) do nhu cầu sử dụng nước cho nông nghiệp toàn lưu vực sông Mekong tăng nhanh, nhất là vùng đông bắc Thái Lan và phía Campuchia hoặc rừng trên lưu vực bị phá. Các địa phương vùng ĐBSCL cần có những giải pháp kiểm soát xâm nhập mặn.

Về lâu dài, Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn cùng với Bộ Tài nguyên & môi trường cần đặc biệt quan tâm đến phương pháp qui hoạch chiến lược để khai thác, quản lý tài nguyên nước sông Mekong một cách hữu hiệu và bền vững. Qui hoạch chiến lược được quan niệm như là một tiến trình đang phát triển, đưa ra mục tiêu, chính sách và kế hoạch để đạt được những mục tiêu đó trong bối cảnh thời gian cụ thể và đánh giá những kết quả thông qua thông tin phản hồi một cách có hệ thống.

Biện pháp chống xâm nhập mặn

- Theo dõi chặt chẽ diễn biến hạn-mặn trên toàn đồng bằng và ngay tại địa phương để có biện pháp phòng chống hiệu quả.

- Tiếp tục nạo vét kênh mương, sửa chữa bờ bao, cống bọng, cống kiểm soát mặn.

- Đắp đập tạm thời vụ, theo dõi diễn biến mặn để có thể lấy nước tưới khi chưa có mặn.

- Ở những vùng đan xen lúa-tôm cần có kế hoạch đóng mở cống hợp lý, kiểm soát ranh mặn, có biện pháp kịp thời trong khống chế và ngăn chặn nước ô nhiễm do nuôi trồng thủy sản.

- Những vùng sản xuất nhờ nước mưa thì chủ động sạ khô chờ mưa, nhưng theo dõi thời tiết để có lịch gieo sạ hợp lý, tránh sạ quá sớm gặp các đợt hạn kéo dài không có nước tưới.

- Hoàn chỉnh hệ thống đê bao ngăn mặn dọc sông, xây dựng các cống ngăn mặn và lấy nước ngọt.

- Tăng khả năng cấp nước ngọt cho vùng mặn.

- Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, bố trí thời vụ hợp lý để giảm lượng nước tưới mùa kiệt và thực thi tiết kiệm nước.

ĐÌNH LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên