08/11/2017 15:33 GMT+7

Dậy thì sớm ở trẻ và những điều cần biết

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Hải Phòng
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Hải Phòng

Tuổi dậy thì sớm là tuổi dậy thì bắt đầu trước 8 tuổi (đối với bé gái) và trước 9 tuổi (đối với bé trai).

Dậy thì sớm ở trẻ và những điều cần biết - Ảnh 1.

Xã hội càng phát triển, đời sống càng được nâng cao, sự phát triển tâm sinh lý của trẻ cũng sớm hơn so với trước. Chính vì vậy, quá trình dậy thì thường bắt đầu từ 8 và 12 tuổi đối với các bé gái và từ 9 và 14 tuổi đối với các bé trai.

Hiện tượng dậy thì sớm cũng càng ngày càng gia tăng. Tuổi dậy thì sớm là tuổi dậy thì bắt đầu trước 8 tuổi (đối với bé gái) và trước 9 tuổi (đối với bé trai). Trong một số ít trường hợp, dậy thì sớm có thể là biểu hiện của tình trạng bệnh lý cần được điều trị đặc biệt; đa số trường hợp thường không rõ nguyên nhân nhưng có thể điều trị để giảm tốc độ.

Dậy thì sớm xuất hiện ở các bé gái nhiều hơn 10 lần so với các bé trai. Dấu hiệu điển hình để nhận biết tình trạng dậy thì sớm ở trẻ là: vú và lông mu phát triển, xuất hiện kinh nguyệt,… đối với con gái; mọc lông mu và râu, vỡ tiếng, dương vật hay tinh hoàn to ra,… đối với con trai; có mụn trứng cá (cả 2 giới),… Trong suốt thời kỳ dậy thì xương sẽ liên tục trưởng thành.

Ở trẻ dậy thì sớm, chiều cao của trẻ tăng lên rất nhanh và thường cũng kết thúc sớm hơn bình thường. Đầu tiên, trẻ lớn vọt so với các bạn cùng lớp, nhưng sau vài năm chúng ngừng phát triển và không thể đạt chiều cao tối đa của người trưởng thành. Khi nhận thấy trẻ có các triệu chứng trên, cha mẹ cần đưa con đến bác sĩ chuyên khoa nội tiết trẻ em để được tư vấn, thăm khám, chẩn đoán và can thiệp để đưa tốc độ tăng trưởng của trẻ trở lại nhịp điệu thích hợp.

Dậy thì sớm sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tâm lý của trẻ sau này. Ảnh hưởng dễ thấy nhất là tuổi xương phát triển nhanh, làm cho trẻ nhìn cao hơn so với các bạn cùng lớp. Tuy nhiên, dậy thì sớm sẽ làm cho đầu xương đóng khép sớm, rút ngắn thời kỳ sinh trưởng, từ đó ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ khi trưởng thành.

Chu kỳ kinh nguyệt trước 8 tuổi ở trẻ em gái có nguy cơ phát triển thành chứng rối loạn nội tiết tố sau này ở tuổi dậy thì gây buồng trứng đa nang. Những thay đổi trên cơ thể của trẻ dậy thì sớm khác với những trẻ cùng trang lứa làm cho trẻ ngại ngùng, dễ làm cho trẻ có tâm lý tự ti và để lại di chứng cho trẻ sau khi trưởng thành.

Bên cạnh đó, sự phát triển tâm lý dậy thì quá sớm dẫn đến những hành động ham muốn về sinh lý trước tuổi. Do suy nghĩ còn nông nổi, tuổi đời còn nhỏ, khả năng tự kềm chế kém nên không thể tránh khỏi những cạm bẫy xã hội, từ đó dẫn đến bị lạm dụng tình dục, bị mang thai hoặc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.

Có một số các yếu tố nguy cơ dẫn đến dậy thì sớm như giới tính và chủng tộc là không thể tránh khỏi, tuy nhiên có những yếu tố có thể làm giảm nguy cơ trẻ bị dậy thì sớm bao gồm chế độ dinh dưỡng, thể dục thể thao hợp lý.

Với chế độ dinh dưỡng: tăng cường rau củ quả cho trẻ trong bữa ăn hàng ngày, đảm bảo lượng đạm đầy đủ, không nên ăn thực phẩm chế biến sẵn như đồ hộp, xúc xích, bơ...; không tẩm bổ quá mức, hạn chế ăn nhiều đồ ngọt, đồ chiên rán... chứa nhiều chất béo khiến trẻ thừa dinh dưỡng. Chú ý lựa chọn thực phẩm an toàn, tránh mua thực phẩm trôi nổi không uy tín, không rõ nguồn gốc, thực phẩm chứa hormon tăng trưởng sẽ ảnh hưởng tới việc dậy thì sớm.

Khuyến khích trẻ năng vận động sẽ giúp trẻ tiêu hao năng lượng như các môn bơi lội, nhảy dây, đá bóng, đá cầu…

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Hải Phòng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên