28/10/2021 09:15 GMT+7

Đẩy mạnh chuyển đổi số

LÊ TRUNG
LÊ TRUNG

TTO - Quảng Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số, xác định là chìa khóa để bứt phá trong phát triển kinh tế xã hội, sớm trở thành địa phương nằm trong tốp đầu của cả nước về chuyển đổi số vào năm 2030.

Đẩy mạnh chuyển đổi số - Ảnh 1.

Quảng Nam đưa vào sử dụng Trung tâm điều hành thông minh Quảng Nam (IOC) - Ảnh: LÊ TRUNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Hồng Quảng – giám đốc Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Quảng Nam - cho biết tháng 4-2021 ban thường vụ tỉnh ủy ban hành nghị quyết 04 về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Kết quả đánh giá chỉ số chuyển đổi số (DTI) tỉnh Quảng Nam do Bộ Thông tin và truyền thông mới công bố, đứng thứ 24/63 tỉnh, thành phố.

Phát triển chính quyền số

Mục tiêu của tỉnh Quảng Nam về chuyển đổi số trong giai đoạn sắp tới như thế nào, thưa ông?

Theo đó đến năm 2025 tỉnh phát triển chính quyền số, có 90% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập, 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 70% huyện và 50% xã xử lý trên môi trường mạng. Phấn đấu kinh tế số chiếm 8-10% GRDP, tỷ trọng kinh tế số từng ngành đạt tối thiểu 10%, hạ tầng cáp quang phủ hơn 70% hộ gia đình, 100% xã, tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử hơn 50%.

Đến năm 2030, chuyển đổi số đồng bộ toàn tỉnh, đưa tỉnh vào nhóm thực hiện chuyển đổi số tốt cả nước. Hình thành, phát triển môi trường số an toàn, tiện ích, phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt. Tạo môi trường khởi nghiệp sáng tạo, phát triển kinh tế số. Hỗ trợ hình thành các doanh nghiệp số có đóng góp đáng kể tăng trưởng kinh tế.

Thưa ông, để đạt những mục tiêu trên, tỉnh có giải pháp gì?

Tăng cường sự lãnh đạo các cấp ủy đảng, đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp chuyển đổi số, thu hút các doanh nghiệp số đầu tư. Phát triển hạ tầng số, nền tảng số, xây dựng chính quyền số, hình thành các đô thị thông minh. Đặc biệt là ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin viễn thông tại khu vực miền núi nhằm rút ngắn khoảng cách số giữa miền núi – đồng bằng. 

Một giải pháp quan trọng nữa đó là, thực hiện đồng bộ chuyển đổi số từ cấp cơ sở, triển khai từng bước chuyển đổi số cấp xã, mỗi huyện, thị xã, thành phố chủ động lựa chọn một số đơn vị cấp xã để triển khai.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh cũng như sự vào cuộc của các ngành, địa phương, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đạt được một số kết quả bước đầu tích cực.  Cụ thể kết quả đánh giá chỉ số chuyển đổi số (DTI) tỉnh Quảng Nam do Bộ TT-TT mới công bố, đứng thứ 24/63 tỉnh, thành phố đã phản ánh các nổ lực, kết quả tỉnh đã thực hiện trong thời gian qua Quảng Nam nằm trong nhóm 2, tương đương mức khá, với chỉ số DTI là 0,3264, so với trung bình cả nước là 0,3026, kết quả cho thấy nhiều mặt tỉnh làm tốt.

Cụ thể năm 2020 tỉnh đưa vào sử dụng Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC), nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh, hệ thống thông tin báo cáo, góp phần hoàn thiện chính quyền điện tử. Năm 2021 đã triển khai ứng dụng Smart Quảng Nam kết nối người dân với chính quyền, sử dụng Tổng đài Thông tin dịch vụ công (1022) tiếp nhận, xử lý, trả lời thông tin người dân, doanh nghiệp.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai cung cấp 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện lên mức độ 4, đến nay, toàn tỉnh cung cấp được gần 1.300 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4, chiếm tỷ lệ 80% bộ thủ tục hành chính. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến cấp tỉnh đạt 47,75%. Các dịch vụ công trực tuyến ngày càng được cải tiến và thuận tiện giúp giảm thời gian, chi phí giải quyết thủ tục hành chính, đem lại sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp. Đã triển khai đồng bộ, kết nối liên thông 3 cấp tỉnh - huyện - xã các hệ thống dùng chung như quản lý văn bản, điều hành tác nghiệp.

Đẩy mạnh chuyển đổi số - Ảnh 3.

Ông Phạm Hồng Quảng - Ảnh: T.T

Nhiều kết quả bước đầu

Ông có thể có biết những kết quả đã đạt được sau thời gian chuyển đổi số?

Đến nay có 7/20 Sở, ngành có kế hoạch chuyển đổi số, 5 Sở dựng dự án, đề cương dự toán trình thẩm định, phê duyệt để triển khai ứng dụng công nghệ thông tin. Có 14 huyện thành lập ban chỉ đạo chuyển đối số, 18/18 huyện ban hành kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số năm 2021, huyện Duy Xuyên khai trương trung tâm điều hành thông minh IOC. Có 15/15 xã thí điểm chuyển đổi số, số xã có cáp quang, sóng 3G/4G đến trung tâm xã là 100%, 155/241 xã có hệ thống hội nghị truyền hình từ huyện đến xã.

Về triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 có 1.281 dịch vụ công trực tuyến, tổng số dịch vụ được tích hợp trên cổng dịch vụ công quốc gia là 1.198. Tổng hồ sơ trực tuyến phát sinh, dịch vụ công mức độ 4 các sở ngành đạt 47,75 %, các huyện 3,39%, xã 2,07%.

Về triển khai Trung tâm IOC đã cấu hình thêm mới 20 biểu mẫu báo cáo (17 biểu báo cáo đầy đủ số liệu). Số lượt cài đặt smart Quảng Nam là 13.185 lượt. Các cơ quan đã xây dựng 52 cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đang triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu địa chính tại bốn địa phương.

Y tế đã triển khai hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử, thông tin giám định BHYT, thông tin tiêm chủng quốc gia, quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm. Đã triển khai cơ sở dữ liệu ngành, phần mềm chấm trắc nghiệm, tập huấn giáo viên.

Thí điểm chuyển đổi số tại 15 xã, nâng cấp mạng nội bộ, điểm cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông xã, triển khai hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến, wifi. Sử dụng hệ thống một cửa điện tử, 6/15 xã phối hợp với Bưu điện, Viettel đưa 11/34 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử. Ứng dụng công nghệ thông tin phòng chống dịch COVID-19, phần mềm tiêm chủng, xét nghiệm. Đã triển khai các bản đồ COVID, luồng xanh, điểm cung cấp hàng hóa.

Quảng Nam và công ty cổ phần FPT đã ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số tỉnh giai đoạn 2021-2025, với 11 nội dung thỏa thuận hợp tác, FPT cam kết tư vấn, hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số toàn diện, đẩy mạnh triển khai 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện lên mức độ 4.

Về y tế các bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế đã sử dụng phần mềm quản lý bệnh viện HIS trong việc quản lý, điều hành và ứng dụng khám chữa bệnh, thanh toán bảo hiểm y tế. 100% các cơ sở khám chữa bệnh BHYT kết nối liên thông dữ liệu khám chữa bệnh và thanh toán.

Hầu hết các trường phổ thông đã sử dụng hệ thống thông tin quản lý trường học. Triển khai thí điểm hệ thống du lịch thông minh gồm: cổng thông tin du lịch, bản đồ số du lịch, ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động. Sở Kế hoạch và đầu tư xây dựng đề án triển khai bản đồ GIS phục vụ xúc tiến đầu tư.

LÊ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên