Trong chuyện tiền bạc, điều này biểu hiện rất rõ. Thay vì nhờ cha mẹ giữ hộ tiền tiết kiệm, nhiều đứa trẻ muốn được giữ một ít, cất riêng. Nhiều đứa trẻ hãnh diện khi làm chủ một món tiền nhỏ, có quyền quyết định với món tiền ấy và rất thích được tự chủ chọn mua, trả tiền… như người lớn.
Hiểu được tâm lý lứa tuổi này sẽ giúp các bậc cha mẹ thuận lợi hơn khi dạy con tiêu tiền, thay vì cấm đoán hoặc làm thay con như trước.
Sự vòng vèo bối rối của cha mẹ
Khá nhiều bậc cha mẹ "kiêng" nói chuyện tiền trước mặt con cái. Có người cho rằng nói về tiền sớm quá con sẽ sinh hư, trở nên thực dụng. Vì thế, thay vì dạy con biết giá trị của tiền và sử dụng như thế nào để tiết kiệm, hữu ích, những người có quan điểm này thường chọn cách giải thích cho con rất vòng vèo.
Hằng, giáo viên diện hợp đồng tại Hà Nội, kể khi con học tiểu học, cô chọn cho con học một trường tư với mức học phí khá đắt so với trường công. Nhưng khi con vào lớp 6, cô nghỉ sinh con thứ hai, gia đình gặp khó khăn về tài chính nên quyết định chuyển con về học trường công ở gần nhà.
Cậu con trai không chịu chuyển trường, dù mẹ hết lời ca ngợi trường mới như một lý do tránh né chuyện khó khăn tài chính. Tới lượt chồng cô thuyết phục con, anh nói với con về tình hình khó khăn của bố mẹ, về sự chênh lệch học phí giữa hai trường và mong muốn được con chia sẻ. Cậu bé nghe xong đã đồng ý chuyển trường ngay, không hề than vãn gì nữa.
"Trẻ lớp 6 khác trẻ học tiểu học ở chỗ đó" - Hằng nhận xét khi kể lại câu chuyện cũ. Cậu bé con ấy đã học được những khái niệm quan trọng đầu tiên về việc "đầu tư" tiền như thế nào cho phù hợp hoàn cảnh và cả sự thấu hiểu, chia sẻ với cha mẹ em.
Với thế hệ 6X, 7X, nhiều bậc cha mẹ vẫn chọn cách vòng vèo khi phải đề cập chuyện tiền nong, thậm chí cực đoan, không bao giờ cho con cầm tiền. Nếu con cần mua gì, bố mẹ sẽ là người đi mua. "Không muốn con vướng bận tiền nong, chỉ lo học hành, vui chơi" - quan niệm một thời đó giờ đang thay đổi.
Một bà mẹ 8X, giảng viên một trường ĐH kinh tế, cho biết chị đã lập một tài khoản cho con ở ngân hàng. "Tôi hướng dẫn con cách thanh toán tiền điện tử, cách nắm bắt những tiện ích tài chính thời đại công nghệ, cả các cảnh báo an ninh cần ghi nhớ để tránh mất tiền oan" - chị cho biết.
Nhiều phụ huynh thế hệ 8X khác cũng đồng quan điểm, cho con tiếp xúc với tiền sớm hơn, thậm chí từ tiểu học và cần chú ý nhiều hơn khi con ở tuổi dậy thì.
Không rao giảng, chỉ giao việc
Thay vì nhồi vào đầu con cái lý thuyết suông về sự tiết kiệm, về giá trị của đồng tiền, về cách tiêu tiền thông minh, một số phụ huynh "giao bài tập" cho con bằng những nhiệm vụ cụ thể. "Thỉnh thoảng tôi giao tiền cho con đi siêu thị, ra cửa hàng thực phẩm sạch có gắn sẵn giá để mua sao cho đủ một bữa ăn của gia đình.
Khi con cần mua một vật dụng, tôi hoặc chồng thường để con tự tìm hiểu trên mạng và dẫn con đi vài nơi xem sản phẩm, phân tích cho con về mỗi loại sản phẩm tương ứng với giá khác nhau kèm dịch vụ chăm sóc sau mua hàng" - vị phụ huynh là giảng viên ĐH kinh tế chia sẻ kinh nghiệm.
Không ít bậc cha mẹ giờ cũng giúp con làm quen với "lao động có trả lương" bằng các công việc phục vụ sinh hoạt trong gia đình, ủng hộ việc "giáo dục lao động, qua lao động giáo dục giá trị của đồng tiền". Chị V.A., giáo viên THCS ở Hà Nội, cho biết đã áp dụng "giao việc có thù lao" cho con khi các con còn học tiểu học, THCS. "Trước bọn trẻ đều lười rửa bát. Nếu mẹ làm giúp thì sẽ vui vẻ đẩy ngay cho mẹ.
Nhưng khi tôi trả công, chỉ 2.000 đồng/lần rửa bát, hai đứa con tôi thậm chí còn quyết không nhường "sân bát" cho ai. Để chứng minh cho mẹ thấy mình "chuyên nghiệp", mỗi đứa có một cách làm sáng tạo để rửa nhanh, sạch, xếp gọn gàng, ngăn nắp.
Tôi bắt đầu giao thêm các việc khác như dọn nhà, đi siêu thị, gấp quần áo, giặt đồ, mức thù lao chỉ 2.000 - 5.000 đồng/việc. Thỉnh thoảng, tôi bàn với các con "tổng kết" tiền lao động và nên chi nó vào việc gì".
Điều bất ngờ mà chị V.A. cho biết là sau thời gian kiếm tiền bằng sức lao động, các con chị rất biết cân nhắc khi sử dụng tiền làm ra, chỉ mua những thứ hữu ích hoặc có ý nghĩa.
"Tôi không cho rằng giao việc - trả tiền khiến trẻ quá coi trọng đồng tiền mà bỏ qua giá trị tinh thần khác. Trẻ nhận được giá trị như thế nào là do sự dẫn dắt của cha mẹ. Tôi vẫn nói với các con có những việc không làm ra đồng tiền nhưng có giá trị hơn cả tiền. Có những lao động cần được trả lương xứng đáng, nhưng cũng có những việc làm vì mục đích chia sẻ" - chị cho biết.
Một phụ huynh khác thừa nhận trong một thời gian dài, dẫu rất kiên trì nhắc các con dọn phòng, phơi cất quần áo, đổ rác, đỡ đần mẹ… nhưng đều không có tác dụng. Tụi trẻ ì ra hoặc lờ đi điều mẹ giục giã, sai khiến.
"Tôi hiểu đó là sự ương ngạnh của tuổi teen, nhưng vẫn cho rằng con càng ương ngạnh thì càng phải đặt con vào các tình huống để con biết nghĩ đến gia đình, bố mẹ, thầy cô, bạn bè, đến trách nhiệm chung - chị kể - Nhưng có lẽ tôi đã sai. Tôi thường xuyên gặp phải thái độ miễn cưỡng của các con, nhiều khi chúng im lặng không cãi lại nhưng không làm ngay theo yêu cầu của mẹ hoặc ngầm phản ứng, đối phó".
Và chị thay đổi cách thức: "Tôi giao việc cho các con kèm bảng giá. Con trai tôi lần đầu tiên hào hứng rửa bát với sự chăm chú. Chưa có việc gì tôi thấy con làm nghiêm túc như thế. Và tôi "nghiệm thu công việc" với một cái đĩa vỡ.
Những lần sau đó cũng có khi mẻ cái bát, vỡ cái đĩa, con tôi tự đề nghị mẹ trừ vào tiền công. Tôi trừ tiền làm vỡ đồ, nhưng lại thưởng cho con vì thái độ làm việc nghiêm túc. Điều đó khiến con tôi phấn khởi. Có lẽ cháu cũng hiểu hơn về giá trị của đồng tiền qua lao động nghiêm túc và trách nhiệm với những bất cẩn của mình".
Một phụ huynh có con học Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) kể chị rất xúc động khi con quyết định dùng số tiền ít ỏi có được qua lao động của mình để đóng góp hỗ trợ gia đình một thầy giáo bị nạn. Với cậu bé, đó là việc rất hệ trọng, có ý nghĩa. Việc sử dụng số tiền do chính mình làm ra, với cậu, là thể hiện tình cảm, tấm lòng của mình.
Lựa chọn trả công cho con hay không trả, cách nào cũng đều có mặt tích cực và tiêu cực. Nhưng những cha mẹ chú tâm tới việc này sẽ biết cách cân chỉnh khéo léo để dạy con tiếp nhận những giá trị tích cực.
Những nguyên tắc của cuộc sống
Chuyện tiêu tiền là cả một vấn đề giáo dục lớn với nhiều điều cần học, cả cho phía cha mẹ lẫn phía con cái. Trong đó hàm chứa những nguyên tắc sống và ứng xử quan trọng, ví dụ như việc xin - cho, vay - trả phải rõ ràng. Được bạn đãi và đãi lại bạn, vay tiền bạn mua nhãn vở và cần trả bạn tiền đúng hạn... tất cả những tình huống ấy đều phải được nhận diện và dạy các con cẩn thận.
"Tôi là giáo viên nên thường xuyên phải giải quyết những sự vụ lặt vặt liên quan. Ví dụ, một phụ huynh tới gặp phản ảnh có tình trạng "cho vay nặng lãi" trong lớp. Một học sinh cho con chị vay 5.000 đồng mua đồ dùng học tập nhưng cậu bé này quên không trả, khi nhớ ra thì cậu bạn kia đòi cộng lãi, mỗi ngày quên cộng thêm 1.000 đồng tiền lãi.
Tôi phải trao đổi với cả hai học sinh để rút kinh nghiệm. Câu chuyện đó khiến tôi nghĩ mình phải dạy con những điều đó ngay khi cháu còn nhỏ" - một cô giáo Trường THCS Trưng Nhị (Hà Nội) chia sẻ.
Có hàng trăm vụ việc trong các nhà trường phổ thông dở khóc dở cười liên quan tới việc "cán bộ lớp, thủ quỹ của lớp làm mất tiền quỹ lớp, thu tiền của bạn nhưng quên, gây xích mích, cãi nhau". Đừng nghĩ đó là những chuyện nhỏ, đấy thực ra sẽ là những bài học đầu tiên về các nguyên tắc trong minh bạch tài chính, rồi sẽ đi theo bọn trẻ suốt cuộc đời sau này.
Khi hai bé vào tiểu học, vợ chồng tôi thống nhất cho trẻ ít tiền ăn sáng để con tự chọn mua trong căngtin, nếu dư thì được dành dụm riêng.
Ham thích mua đồ chơi vớ vẩn ở căngtin, bé nhỏ ăn sáng qua loa không đảm bảo sức khỏe, bé lớn cũng ăn sáng rất ít, rồi cất tiền trong cặp, cứ bị bạn xin hoài hoặc lấy mất.
Chúng tôi bèn cho các cháu ăn sáng ở nhà và chúng hết cơ hội được phát tiền tiêu vặt. Việc nhà, theo chúng tôi, là giúp đỡ lẫn nhau nên chúng không được trả công. Đồng tiền chúng có được chỉ là các khoản mừng tuổi và khen thưởng.
Đây là số tiền kha khá, chúng tiếc của nên nhờ mẹ lập sổ tiết kiệm một nửa, một nửa gửi bố đầu tư ké chứng khoán, để dành mai mốt lớn tính tiếp. Thỉnh thoảng chúng trích ra đóng góp các khoản từ thiện cho trường lớp.
Năm vừa rồi, hai chị em tập tành kiếm tiền bằng cách đem sách lên lớp cho bạn thuê, làm dịch vụ với balô nặng trĩu sách thuê sách trả mỗi ngày, tổng thu cả năm tròm trèm 500.000 đồng, cuối năm đem ra mua bánh kẹo đãi bạn là hết.
Chúng tôi khuyến khích bằng cách đầu tư thêm cho con kệ sách mới, song rồi chúng chỉ thích đọc, không còn hào hứng cho thuê sách nữa. Chúng cũng nhận ra khi học giỏi thì phần thưởng từ cơ quan bố mẹ, trường lớp, trung tâm ngoại ngữ lớn hơn doanh thu cho thuê sách vất vả kia nhiều, niềm tự hào còn to tát hơn thế…
Tôi tin là chúng sẽ tự nhủ tập trung học tốt hơn nữa nhằm hưởng nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài. Riêng tôi thấy thành quả của việc cho thuê sách là quá lớn: trẻ con nhận ra sự vất vả để có được đồng tiền nhỏ của lao động thấp, từ đấy tự hướng đến học hành, trở thành lao động có trình độ cao nhằm tạo nhiều giá trị hơn.
Mùa hè này, chồng tôi thuê con gái làm thư ký bằng việc đánh máy và tìm kiếm các thông tin cần thiết cho từng vụ việc anh đang đảm trách. Cháu thích thú thấy mình trưởng thành qua hành động được tin cậy giao việc và trả lương.
Giờ chúng tôi suy nghĩ tìm thêm việc gì vừa sức, gợi ý cho bọn trẻ thực hiện để chúng không chỉ có ý thức làm việc - nhận công, mà cảm giác đang tập tành làm cô chủ nhí với sự đòi hỏi về trí tuệ và tưởng thưởng xứng đáng.
Sang năm bé lớn vào cấp hai, chúng tôi sẽ hướng dẫn con tiêu tiền bằng cách chia thu nhập ra các khoản: để đầu tư, để dành, khoản tiêu cho mình và khoản tiêu cho người khác.
Kinh Oanh (ĐH Kinh tế - luật)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận