16/04/2016 14:55 GMT+7

Đau xé ruột gan ngày cha mẹ những học sinh xấu số trở về

HỮU KHÁ - TRẦN MAI - TRƯỜNG TRUNG
HỮU KHÁ - TRẦN MAI - TRƯỜNG TRUNG

TTO - Trong số 9 học sinh vừa tử nạn thì có 7 em cha mẹ làm ăn xa, các em sống cùng ông bà ngoại. Họ rứt ruột gửi con lại quê nhà để đi xa kiếm miếng ăn.

Bà Sát, mẹ cháu Phát khóc nức nở khi trở về - Ảnh: Trần Mai
Bà Sát, mẹ cháu Phát khóc nức nở khi trở về - Ảnh: Trần Mai

 

Chiếc taxi từ đường chính băng qua con ngõ nhỏ cát lún ngang mắt cá chân ở góc thôn Kim Thạch, xã Nghĩa Hà, Quảng Ngãi rồi dừng lại trước căn nhà có hai chiếc cờ tang dựng phía trước, người đàn ông khuôn mặt hốc hác thất thần nhìn về hướng nhà rơm rớm nước mắt.

"Làm vì con mà giờ thế này thì sống sao nổi"

Đó là ông Trần Văn Hiệp (44 tuổi) cha của học sinh xấu số Trần Tiến Phát. Còn bà Nguyễn Thị Sát (41 tuổi, mẹ Phát) nước mắt giàn giụa, gào khóc gọi con.

Bà Sát không bước nổi xuống taxi, nhiều người thân phải dìu vào nhà. Vừa đến sân bà Sát khóc ngất.

Chị Nguyễn Thị Mười, y tá Bệnh viện Đa khoa Tư Nghĩa đã ứng trực trước nhà từ sáng sớm liên tục đo huyết áp, tiêm thuốc cho người mẹ bất hạnh này.

Mỗi lần tỉnh dậy người mẹ lại gào khóc gọi con “Mẹ ham tiền, mẹ sợ nghèo, sợ không nuôi nổi con, nên mới bỏ con đi. Giờ mẹ về rồi đâu còn con nữa. Con ơi, mẹ hối hận quá. Mẹ sai rồi, tỉnh lại đi con ơi” - bà than khóc.

Ông Hiệp chẳng nói được nên lời, cố gắng kìm nước mắt ngồi thẫn thờ bên quan tài con.

Hai vợ chồng ông vào TP.HCM thu mua ve chai mấy năm nay, con cái để lại quê cùng bà nội.

“Hôm qua nghe tin chỉ kịp bắt xe trở về. Đứt ruột, làm vì con mà giờ thế này thì sống sao nổi” - ông Hiệp cúi gằm. 

Nỗi đau của các bậc cha mẹ tha phương trở về như ám ảnh cả xã. Từ làng Kim Thạch rẽ qua thôn Hổ Tiếu, căn nhà nằm khuất sau một nghĩa địa, tiếng òa khóc lại vang lên xé lòng.

Bà Nguyễn Thị Yến, ngồi khóc ngất bên quan tài con trai Cao Ngọc Vũ, nghẹn ngào kể cảnh sống ở quê quá cơ cực, làm lụng không đủ nuôi mấy con nhỏ ăn học nên vợ chồng phải đi làm xa. Dù thương con đứt ruột nhưng cứ đến mồng 6 tết là vợ chồng khăn gói gởi con cho bà nội rồi lên Đăk Nông kiếm sống.

Lúc hay tin cháu Vũ mất, vợ chồng bà đang ở trong rẫy cà phê. Đau đớn tận cùng, buông cuốc xẻng, hai vợ chồng kéo tay nhau chạy xuống núi bắt xe về cho kịp giờ. Xe từ núi rừng Đăk Nông chở hai vợ chồng về đến nhà đúng lúc trời vừa rạng sáng. Cũng lúc này chòm xóm đang chuẩn bị nghi lễ để tẩm liệm cháu Vũ.

Bà  Yến nói trong nước mắt: “Vì quá nghèo khổ vợ chồng tôi mới chấp nhận cảnh con cái chia lìa cha mẹ như thế này. Mỗi năm vợ chồng tôi xa con đến bảy tám tháng trời. Biết con nhỏ dại, mình đi xa cũng không an lòng nhưng đành chịu. Bao năm vợ chồng đi xa làm ăn để kiếm ít tiền cho con ăn học, vậy mà giờ tích cóp được chút thì con đã mất”.

Người mẹ nghèo gào khóc muốn lên nhìn mặt con rồi lại ngất lịm - Ảnh: Trần Mai
Người mẹ nghèo gào khóc muốn lên nhìn mặt con rồi lại ngất lịm - Ảnh: Trần Mai

 

Ý thức "chuyện sông nước" nhưng chưa dạy bơi

Chiều 16-4, thầy Bùi Phước, hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Hà, Quảng Ngãi ngồi thẫn thờ, đôi mắt đỏ hoe vì mất ngủ sau đêm dài chạy đôn chạy đáo quanh nhà các học trò. 

“Tôi đau xót, chẳng biết nói thế nào khi sự việc đau lòng đã xảy ra. Các buổi chào cờ trường cũng hay nhắc các cháu không được đi tắm sông nhưng không ngờ sự việc lại kinh khủng như vậy" - thầy Phước nói.

Trong bảng phân công lịch công tác tuần của Trường THCS Nghĩa Hà vẫn còn ghi lịch lúc 15g thứ sáu diễn ra buổi tổng duyệt chuẩn bị công tác đội. Nhưng buổi tổng duyệt đó đã không thể xảy ra bởi sự việc đau lòng này diễn ra trước đó ít giờ.

Sau tai nạn, toàn bộ thầy cô giáo trong Trường THCS Nghĩa Hà đều được phân công về nhà các học sinh để phụ giúp gia đình lo tang lễ.

Sáng 16-4, sân trường vắng lặng. Một số thầy cô ở các trường lân cận hay tin cũng tới trường để chia sẻ mất mát trong lúc nhà trường bối rối. Thầy Phước nói vùng sông nước này nghèo, trong số 9 học trò vừa qua đời thì có tới 7 em có cha mẹ đi làm ăn xa phải ở với ông bà. Xa cha mẹ, nhiều trẻ dù sống cạnh sông nước nhưng không biết bơi.

Thầy Phước cũng cho biết nhà trường ý thức được “chuyện sông nước” nhưng không có cách nào để tập bơi cho các em bởi các thầy cô trong trường còn không biết bơi, điều kiện nhà trường còn khó nên không thể tổ chức dạy bơi cho các em được. 

Trong ngày 16-4, Trường THCS Nghĩa Hà sẽ tổ chức đi viếng và hỗ trợ mỗi gia đình một triệu đồng. 

Ông Trần Thanh Trạng, chủ tịch UBND xã Nghĩa Hà nói cả đêm 15-4, dân Nghĩa Hà không ai ngủ được. Trong số 9 đứa trẻ mất thì có 7  cháu mẹ đi làm ăn xa chưa về kịp.

“Vì các cháu ở nhà với ông bà tuổi đã già nên khi các cháu mất chỉ còn nhờ vào tình thương của bà con lối xóm. Cả đêm, dân xúm lại, người đi mua quan tài, người thì tính lo các vật dụng, lễ nghi để tẩm liệm các cháu. Các gia đình có con mất hầu hết rơi vào hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ bỏ con từ nhỏ cho ông ba nuôi đi làm ăn xa nên việc chăm sóc các cháu cũng lơi lỏng”, ông Trạng, nói.

HỮU KHÁ - TRẦN MAI - TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên