Thực phẩm organic- xu hướng tiêu dùng thông minh
Nhu cầu tăng cao
Sản phẩm của trang trại chị Huyền mùa nào thức nấy, từ rau ăn lá, củ, quả, một số cây dược liệu… Chị cho biết giá bán sản phẩm trung bình khoảng 60.000đ/kg.
"Nhưng cả trang trại chỉ đủ cung cấp rau cho 200 gia đình, muốn sản xuất nhiều hơn cũng khó. Các gia đình ăn rau hữu cơ đều cảm thấy yên tâm. Tôi cũng vậy" - chị Huyền tâm sự.
Vì nhu cầu tăng cao, từ rau, chị Huyền đã trồng thêm cả ngô nếp và nuôi gà thả vườn, heo ở Phú Thọ, Tuyên Quang và mô hình đang tiếp tục được nhân rộng.
Trang trại này chỉ là một trong số nhiều trang trại hữu cơ đã và đang phát triển khá tốt gần đây. Theo thống kê của thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp và phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, hiện đã có 33/63 tỉnh thành trên toàn quốc có mô hình nông nghiệp hữu cơ, với diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ khoảng trên 70.000 ha.
Trong số này có những mô hình trồng/chăn nuôi hữu cơ rất lớn như Bến Tre với trên 3.000 ha dừa, Ninh Thuận với gần 500 ha rau và nho, Nghệ An với mô hình trồng rau củ quả, dược liệu hữu cơ. Tập đoàn TH True Milk cũng cho biết đang chăn nuôi bò sữa hữu cơ và đã giới thiệu nhiều sản phẩm như sữa TH true milk Organic, thức uống thảo dược TH true herbal có nguyên liệu thảo dược hữu cơ, 37 loại rau quả hữu cơ được thị trường ưa chuộng.
Một góc vườn rau hữu cơ FVF tiêu chuẩn Châu Âu và Mỹ tại Nghĩa Đàn, Nghệ An
Ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội hữu cơ VN cho hay thị trường Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản đang có nhu cầu lớn với các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, vì qua những nghiên cứu thực nghiệm và so sánh họ đã nhìn thấy giá trị bảo vệ sức khỏe rất rõ ràng của các thực phẩm hữu cơ, bên cạnh chất lượng sản phẩm. Còn bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH, nhà sản xuất nông sản hữu cơ lớn ở VN thì cho hay tập đoàn nói không với các sản phẩm biến đối gen, vì tôn trọng tất cả những sáng tạo của "Mẹ thiên nhiên".
Hữu cơ: khó nhưng tốt
Theo ông Trần Thanh Nam, muốn chuyển đổi từ đất đai nông nghiệp thông thường sang nông nghiệp hữu cơ cần 3-5 năm để cải tạo đất. Bên cạnh đó, các hệ thống quy trình nghiêm ngặt từ đất, nước, giống, quy trình sản xuất/chăn nuôi đến thu hoạch, chế biến…
Hiện nhiều DN lớn - trong tiến trình hội nhập - đã tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế, trong đó phổ biến là tiêu chuẩn hữu cơ của Châu Âu, Mỹ (EC 834/2007 và USDA-NOP). Tiêu chuẩn này yêu cầu DN phải tuân thủ quy trình thật chặt chẽ từ trồng trọt tới chế biến mới có thể được các tổ chức cấp chứng nhận của Mỹ và Châu Âu chứng nhận. Theo hướng này, tập đoàn TH cho biết đã thực hiện chuyển đổi trồng rau, củ quả, thảo dược hữu cơ từ 2013, triển khai ký kết chuyển đổi đàn bò, đồng cỏ làm sữa hữu cơ từ 2015.
Chăn nuôi bò sữa hữu cơ tại trang trại bò sữa hữu cơ TH
Đại diện TH cho biết, sau tiến trình chuyển đổi kiên trì, tỷ mỷ, nguyên liệu sản xuất thức uống thảo dược và 37 loại rau, trái hữu cơ của đơn vị này đã được Control Union cấp chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ Châu Âu và Mỹ. Riêng trang trại bò sữa hữu cơ (quy mô 328 ha đồng cỏ, hơn 1000 bò sữa hữu cơ) - nơi cung cấp nguyên liệu chế biến sản phẩm sữa TH true MILK Organic - được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ Châu Âu và đang tiếp tục tiến trình đánh giá tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ.
Theo bà Thái Hương, tiêu chuẩn hữu cơ của Châu Âu và Mỹ, nông nghiệp hữu cơ không chỉ là không sử dụng phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật, mà sản xuất dựa trên nguyên lý tự nhiên, đưa cây trồng/vật nuôi sống trong môi trường tự nhiên an toàn về nguồn nước, đất… "cách làm của chúng tôi là phát triển các trang trại Organic, trồng dược liệu dưới tán rừng nhằm phát huy tối đa giá trị của các giống cây bản địa, giữ nguyên những gì sáng tạo của Mẹ thiên nhiên để vừa bảo vệ thiên nhiên, vừa bảo vệ sức khỏe con người" - bà Hương cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận