Phóng to |
Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp: “Đầu tư lãng phí phải bị xử lý kỷ luật về hành chính, nếu gây hậu quả nghiêm trọng phải bị xử lý hình sự” - Ảnh: Việt Dũng |
Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) trăn trở: “Đất nước ta mới thoát khỏi nước nghèo, ngân sách nhà nước hạn hẹp, nơi nào cũng có nhu cầu đầu tư. Có nơi cứ việc quyết định đầu tư, còn nguồn lực thì để đó, rồi tiếp tục tranh thủ xin Chính phủ sau. Thực tế đó gây nên hậu quả là nợ đọng xây dựng cơ bản rất lớn trong khi người quyết định đầu tư chẳng có trách nhiệm gì”.
Cứ ký rồi sau này con cháu trả nợ
Theo đại biểu Tiếp, nhiều nơi quyết định chủ trương đầu tư nhiều công trình quy mô gấp đôi, gấp ba yêu cầu sử dụng gây lãng phí lớn và bức xúc trong dư luận xã hội. “Người phê duyệt chủ trương sai, kém hiệu quả, không cân đối được nguồn vốn, gây thất thoát phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những tổn thất, lãng phí đó. Hơn nữa, phải bị xử lý kỷ luật về hành chính, nếu gây hậu quả nghiêm trọng phải bị xử lý hình sự” - ông Tiếp quyết liệt. Theo ông Tiếp, hiện nhiều công trình đầu tư bằng tiền ngân sách quá hoành tráng, không cần thiết. Đề nghị luật phải quy định để hạn chế những công trình quá hoành tráng kiểu này trong điều kiện đất nước còn khó khăn.
Đồng quan điểm với ông Tiếp, đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) yêu cầu phải nâng cấp thẩm quyền và tính chịu trách nhiệm đến cùng trong đầu tư công. Theo bà Nguyệt, cần làm rõ tính hiệu quả dài hạn của đầu tư công. Có cơ chế để truy trách nhiệm của người đứng đầu, người tham gia đầu tư công nếu quyết định công việc đầu tư không hiệu quả trước mắt và sau này nhằm tránh tư tưởng, quan điểm lợi ích cục bộ ngắn hạn. Bà Nguyệt cho rằng phải luật hóa theo hướng những người có quan hệ huyết thống, thân thích với người có thẩm quyền quyết định đầu tư công không được trực tiếp, gián tiếp tham gia một số khâu của đầu tư công. “Quan trọng hơn là cần nghiêm cấm hành vi chuyển lợi ích của người - ngành trong dự án này sang người - ngành của dự án khác để hình thành những thỏa thuận ngầm” - đại biểu Nguyệt dứt khoát.
Ngoài ra, bà Nguyệt còn yêu cầu làm rõ mối quan hệ giữa đầu tư công và nghĩa vụ của Nhà nước bằng việc quy định cụ thể hóa thẩm quyền sử dụng vốn đầu tư công và nghĩa vụ trả nợ của Nhà nước. “Ví dụ đầu tư đường cao tốc, sân bay, cảng biển, phát hành trái phiếu... thì trả nợ như thế nào, các nghĩa vụ khác ra sao để tránh dư luận cho rằng cứ ký rồi sau này con cháu trả nợ” - bà Nguyệt nói.
Phải triệt tiêu quan điểm “tận thu trong nhiệm kỳ”
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) nhận xét các quy định về giám sát cộng đồng trong dự thảo luật còn rất mơ hồ, chung chung, dễ dẫn đến việc giám sát chỉ mang tính hình thức. Ông Đồng cho rằng cần có quy định về cơ chế xử lý sau khi có kết quả thanh tra giám sát về đầu tư công phát hiện vi phạm. Còn đại biểu Phạm Văn Cường (Lào Cai) đề nghị nhất định phải tạo cơ chế cho giám sát cộng đồng. “Muốn giám sát phải làm thế nào? Khi cộng đồng phát hiện sai phạm thì báo với cấp nào?” - ông Cường đặt vấn đề. Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cũng đề cập sự cần thiết phải có cơ chế giám sát cộng đồng. Ông Tám nói: “Dự thảo đã liệt kê khá chi tiết các nội dung giám sát, nhưng cơ chế nào để cộng đồng giám sát được những việc đó phải được quy định thì giám sát mới khả thi và đạt kết quả”.
Làm thế nào giải quyết triệt để quan điểm “tận thu trong nhiệm kỳ” cũng được các đại biểu mổ xẻ. Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) yêu cầu phải làm rõ mối liên hệ giữa đầu tư công và tái cơ cấu nền kinh tế, nếu không sẽ khó đạt được mục tiêu. Ông Nhân phản ảnh một thực trạng là chưa có dự án nào từ trước đến nay khi trình mà tự kết luận là “không hiệu quả”, nhưng thực tế triển khai dự án thì hoàn toàn khác. Từ phân tích đó, ông Nhân đặt vấn đề làm thế nào để chế định rõ ràng mối quan hệ giữa mục tiêu xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với cơ sở việc đưa ra các tiêu chí để thẩm định chương trình, kế hoạch đầu tư một cách chính xác, khách quan nhằm khắc phục hiện tượng dự án luôn khả thi.
“Rất cần thiết quy định chi tiết minh bạch việc phân bổ nguồn lực đầu tư giữa các vùng miền, giữa kế hoạch trung hạn, dài hạn với kế hoạch bố trí vốn hằng năm. Chỉ khi nào minh bạch được nội dung này mới hạn chế tối đa sự chi phối của nhóm lợi ích và triệt tiêu quan điểm tận thu trong nhiệm kỳ” - đại biểu Nhân thẳng thắn.
* Cùng ngày, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa. Các đại biểu cho rằng luật cần nghiên cứu bổ sung các quy định bao quát hết tất cả lĩnh vực trong phạm vi của đường thủy nội địa, xem xét cho tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành như Luật hàng hải, Luật xây dựng... Đề nghị bổ sung hành vi cấm đối với việc giao tàu bè cho người không đủ điều kiện và giấy phép hành nghề. Bổ sung các hành vi gây nguy hại cho giao thông đường thủy nội địa vào các hành vi cấm. Về điều kiện hoạt động của các phương tiện giao thông vận tải trên đường thủy nội địa, hoạt động đăng ký, đăng kiểm, đại biểu đề nghị bổ sung các quy định cho rõ ràng về việc đăng ký, đăng kiểm, thủ tục đăng ký phải thông thoáng, phân cấp hợp lý để các phương tiện được đăng ký và quản lý tốt. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận