04/01/2012 08:22 GMT+7

Đầu tư lãng phí ở cảng sông Phú Định

NGỌC ẨN
NGỌC ẨN

TT - Cảng Phú Định (Q.8, TP.HCM) là cảng sông có quy mô lớn nhất nước với diện tích 60ha (giai đoạn một đã đưa vào sử dụng 10ha) đang trống lốc hàng hóa. Hàng trăm tỉ đồng bỏ ra đầu tư xây dựng cảng này để trung chuyển hàng hóa từ TP.HCM về miền Tây Nam bộ và kết nối với cảng biển đang bị lãng phí.

XEcT77HZ.jpgPhóng to
Cảng Phú Định lưa thưa vài ba tàu bè cập bến vào trưa 3-1-2012 - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Đến cảng sông Phú Định vào đầu năm 2012, chúng tôi thấy cảnh quan ở đây không khác mấy so với ngày 27-9-2011 - ngày khánh thành cảng. Trên toàn bộ mặt bằng bến cảng rộng 10ha (đầu tư giai đoạn một) với 11 cầu cảng (mỗi cầu cảng dài 31m cho tàu có trọng tải 300-375 tấn cập cảng) chỉ có lèo tèo vài chiếc ghe nhỏ chở hàng hóa. Trong đó, chiếc ghe lớn nhất có trọng tải 500 tấn từ đảo Phú Quốc đang nhận hàng để chở ra đảo. Ở các cầu cảng khác chỉ có vài chiếc ghe nhỏ từ 200-300 tấn của tỉnh Cà Mau và Vĩnh Long đang đậu để đưa hàng hóa từ ghe lên xe tải.

Trên mặt bằng bến cảng được tráng nhựa và khoanh ô vuông vức làm bãi chứa hàng cũng trống trơn. Nằm cạnh bãi chứa hàng này là một nhà kho được xây dựng rất bề thế với diện tích 4.800m2 nhưng không có kiện hàng nào và không có công nhân làm việc.

Nằm cạnh 10ha đất cảng đã xây dựng, cảng Phú Định còn có một mặt bằng với diện tích 50ha đã đền bù giải tỏa xong nhưng đang bỏ hoang, cây cỏ mọc um tùm. Theo cán bộ cảng, 50ha đất này sẽ đầu tư giai đoạn hai 15ha và giai đoạn ba 35ha. Cảng đã kêu gọi các doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư xây dựng nhưng chưa có doanh nghiệp nào đầu tư. Với tổng vốn đầu tư xây dựng cảng là 398 tỉ đồng, trong đó 96% vốn ngân sách, mỗi năm cảng phải trả nợ khấu hao 7,5 tỉ đồng và trả hơn 5 tỉ đồng lãi vay.

Theo ông Trần Hòa Lan - tổng giám đốc cảng Phú Định, cảng được thiết kế và thi công năm 1999. Lúc đó, đơn vị tư vấn thiết kế căn cứ quy định luồng sông Chợ Đệm thuộc loại sông cấp 3, chỉ cho tàu dưới 500 tấn lưu thông nên thiết kế một cầu cảng 375 tấn và mười cầu cảng 300 tấn. Đến nay, các cầu cảng có trọng tải thấp này đã lạc hậu so với sự phát triển của phương tiện vận tải thủy. Hầu hết các doanh nghiệp vận tải thủy hiện nay đều đóng tàu và sà lan có trọng tải trên 1.000 tấn.

Do cầu cảng Phú Định quá nhỏ nên các doanh nghiệp cảng biển như Tân Cảng, cảng SPCT đến tìm hiểu để mở điểm tập kết hàng hóa từ cảng sông đưa ra cảng biển cũng phải “quay lưng” vì sà lan 1.000-1.500 tấn (có sức chở 50-70 container) của họ không cập cảng sông Phú Định được. Một doanh nghiệp khác dự định mở điểm tập kết hàng hóa để vận chuyển vật liệu xây dựng từ cảng Phú Định ra đảo Phú Quốc xây dựng sân bay cũng lắc đầu vì sự bất lợi của luồng sông và cầu cảng Phú Định.

Ai chịu trách nhiệm về việc đầu tư lãng phí ở cảng sông Phú Định? Ông Trần Hòa Lan cho rằng rất khó nói trách nhiệm thuộc đơn vị nào, do tư vấn thiết kế căn cứ quy định của Bộ Giao thông vận tải cho phép phương tiện thủy dưới 500 tấn lưu thông trên luồng sông Chợ Đệm để thiết kế cầu cảng có trọng tải thấp.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - chuyên gia tư vấn thiết kế đường sông, giải pháp để cảng sông Phú Định không bị lãng phí là nâng cấp luồng sông để tàu lớn cập cảng.

NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên