03/04/2018 16:58 GMT+7

Đâu mới thực sự là di sản?

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Trong vòng 2 năm tới, 500.000 bảng Anh (khoảng 18 tỉ đồng) sẽ được Hội đồng Anh tài trợ để bảo tồn di sản nhạc và phim của Việt Nam.

Thông tin đó được đưa ra trong buổi họp báo ra mắt dự án Heritage of Future Past (Di sản kết nối) của Hội đồng Anh hôm 1-4.

Về bảo tồn, các nhà nghiên cứu thành thật chia sẻ chính họ cũng khó khăn để nhận biết đâu là di sản thật sự để không bảo tồn… nhầm.

Đâu mới thực sự là di sản? - Ảnh 1.

Phần trình diễn của dàn nhạc dân tộc bản địa Seaphony trong đêm ra mắt dự án Di sản kết nối - Ảnh: T.Điểu

Di sản không nhất thiết phải là những báu vật trong bảo tàng mà có thể là những thứ gần gũi và có giá trị với đời sống hôm nay

Giám đốc Hội đồng Anh Danny Whitehead

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ "Tại sao lại chọn phim - thứ mà Việt Nam không có bề dày sáng tạo - để tài trợ bảo tồn trong dự án lần này", giám đốc Hội đồng Anh Danny Whitehead đưa ra một số lý do, trong đó có một lý do đáng suy ngẫm: "Di sản không nhất thiết phải là những thứ có lịch sử cả trăm năm. Di sản không nhất thiết phải là những báu vật trong bảo tàng mà có thể là những thứ gần gũi và có giá trị với đời sống hôm nay và chúng vẫn cần được quan tâm bảo tồn".

Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Bùi Hoài Sơn - viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam - bày tỏ đồng tình với quan điểm của giám đốc Hội đồng Anh Việt Nam cho rằng bảo tồn di sản là phải làm sao đưa được di sản vào cuộc sống đương đại, đặc biệt là phải đưa được di sản vào đời sống của những người trẻ chứ không phải "cất" di sản trong bảo tàng hay trong những cuốn sách giáo khoa.

Ông Sơn cho rằng bảo vệ di sản đang là vấn đề nóng hiện nay và câu hỏi quan trọng mà những người làm việc với di sản đang phải đối mặt đó là: "Di sản cho ai?", "Di sản để làm gì?". Theo ông, bảo tồn di sản là phải làm sao mang lại lợi ích nhiều hơn cho những người đang sở hữu di sản.

Nhưng dưới góc độ của người trực tiếp làm việc với di sản, nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Bùi Trọng Hiền lập tức "phản pháo" hai câu hỏi trên. Ông Bùi Trọng Hiền khẳng định câu hỏi khó nhất chính là "Đâu mới thực sự là di sản?".

Ví như trong lĩnh vực bảo tồn âm nhạc dân gian, ông phân tích, âm nhạc dân gian nằm trong trí nhớ của nghệ nhân, gắn bó trực tiếp với người thực hành nó chứ không được ghi chép lại trong sách vở.

Do đó, sau một thời gian dài, những di sản âm nhạc dân gian bị loại bỏ khỏi đời sống xã hội bởi quan niệm nó là di sản của chế độ phong kiến. Thế nên việc phục hồi những di sản này gặp phải rất nhiều vấn đề, bởi rất khó tìm được câu trả lời cho câu hỏi: "Trong những gì còn lại, đâu là di sản thực sự, nó có còn nguyên bản không?".

"Nhiều cái mà xã hội lầm tưởng là cổ truyền thực chất chỉ là những biến thái. Đâu là giới hạn để được coi là di sản?" - nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền nói. Ông khẳng định người làm bảo tồn di sản hiện nay cần phải thấy rõ hướng đi, "nếu không chúng ta sẽ lạc hướng".

Dự án ra mắt với đêm biểu diễn vào ngày 1-4 tại Nhà hát lớn Hà Nội, giới thiệu một sáng tác kết hợp âm nhạc, opera và video dựa trên vở tuồng cổ Hồ Nguyệt Cô hóa cáo của nhạc sĩ Kim Ngọc và Hòa nhạc tháng tư của dàn nhạc dân tộc bản địa Seaphony do nghệ sĩ Nguyễn Nhất Lý làm đạo diễn âm nhạc.

Nhà di sản thành đã thành "Nhà... phá sản" Nhà di sản thành đã thành 'Nhà... phá sản'

TTO - Khu nhà tập gym mới dựng lên án ngữ trước ngôi nhà vườn từng được gắn bảng tên 'Nhà di sản' (ở 117 Lê Thánh Tôn, TP Huế) vừa được chính quyền cho phép tiếp tục xây dựng và đưa vào sử dụng.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên