02/04/2018 18:44 GMT+7

Nhà di sản đã thành 'Nhà... phá sản'

MINH TỰ
MINH TỰ

TTO - Khu nhà tập gym mới dựng lên án ngữ trước ngôi nhà vườn từng được gắn bảng tên 'Nhà di sản' (ở 117 Lê Thánh Tôn, TP Huế) vừa được chính quyền cho phép tiếp tục xây dựng và đưa vào sử dụng.

Nhà di sản đã thành Nhà... phá sản - Ảnh 1.

Khu nhà tập gym chiếm toàn bộ khu vườn phía trước “Nhà di sản” được “điều chỉnh” bằng cách hạ độ cao thấp hơn... 5 tấc - Ảnh: MINH AN

Đây là công trình xây dựng mà năm tháng trước từng được phản ánh trong bài "Nhà di sản ở Huế đang... phá sản".

Trước đó, khi báo chí phản ánh vụ việc UBND phường Thuận Lộc cho thuê khu nhà vườn để xây dựng khu nhà tập gym, UBND TP Huế đã đề nghị UBND phường Thuận Lộc cho tạm dừng thi công để kiểm tra và xử lý. 

Trong báo cáo gửi UBND tỉnh theo yêu cầu, ngôi nhà vườn này một lần nữa được UBND TP Huế đánh giá là "có giá trị về kiến trúc truyền thống và đã được các đối tác của Pháp trước đây quan tâm đầu tư tu bổ, giữ gìn; nên ngôi nhà cần được giữ gìn và khai thác hợp lý, trân trọng và cần được ứng xử như một công trình có giá trị truyền thống cao". 

Vì vậy, dư luận quá bất ngờ khi kết cục của sự điều chỉnh theo tinh thần "trân trọng" là vẫn cho tồn tại khu nhà tập gym, với một vài điều chỉnh "cho có điều chỉnh".

Cụ thể, khu nhà gym này đã được hạ bớt chiều cao... 5 tấc (từ 9,5m còn 9m), tháo dỡ phần nhà vệ sinh mới xây bên cạnh nhà rường, trồng thêm cây xanh và phóng to hàng chữ "Trung tâm thể dục thể thao phường Thuận Lộc".

Ai cũng biết, kiến trúc nhà vườn Huế gồm hai thành phần chính: ngôi nhà rường và khu vườn hoa lá bao quanh ngôi nhà. Bây giờ toàn bộ khu vườn phía trước và kể cả cổng ngõ, bể nước, bình phong không còn nữa, thì ngôi nhà sót lại còn giá trị gì?

Qua nhiều lần trao đổi, chúng tôi cảm nhận rằng lãnh đạo TP Huế đã nhìn thấy cách ứng xử này là bất nhất, cả về mặt văn hóa lẫn ngoại giao, nhưng có vẻ như việc tháo dỡ ngôi nhà gym "đã lỡ dựng lên" vẫn khó hơn. 

Trong khi chính quyền tỉnh và TP Huế đang nỗ lực thực hiện cuộc bảo tồn nhà vườn bằng một quỹ bảo tồn trị giá hàng chục tỉ đồng, thì ngôi nhà vườn đặc sắc này lại bị phá bỏ. 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng đây cũng là hành vi không đẹp về mặt đối ngoại văn hóa, vì đó là một công trình mà nước Pháp đã tài trợ cho Huế. 

Nếu một ngày sắp đến, chẳng hạn dịp Festival Huế vào cuối tháng 4 này, đại diện nước Pháp và Cộng đồng đô thị Lille sang Huế, đề nghị cho họ đến thăm "Nhà di sản", thì chính quyền tỉnh và TP Huế sẽ trả lời thế nào với bạn đây?

Trong thời điểm mà nhà vườn Huế - một giá trị đặc sắc của kiến trúc truyền thống Việt - bị hư hại quá nhiều, Cộng đồng đô thị Lille của Pháp tài trợ 300.000 franc để trùng tu ngôi nhà của cụ Trương Như Cương - quan đại thần của triều Nguyễn. Từ năm 2000, ngôi nhà trở thành "Nhà di sản" - điểm tham quan nhà vườn Huế của nhiều du khách, nhất là khách Pháp.

Cần đánh giá toàn bộ di sản lịch sử thời chúa Nguyễn Cần đánh giá toàn bộ di sản lịch sử thời chúa Nguyễn

TTO - Đó là kiến nghị của giới sử học Việt Nam tại hội thảo Trung Bộ và Nam Bộ thời chúa Nguyễn diễn ra tại Huế ngày 5-10 do Hội khoa học lịch sử Thừa Thiên Huế tổ chức.

MINH TỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên