27/10/2005 08:02 GMT+7

Đấu giá tại Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản: Có móc ngoặc?

PHÚC HUY
PHÚC HUY

TT - Sáng 26-10, tại Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản (thuộc Sở Tư pháp TP.HCM), các khách hàng phản ứng khá căng thẳng với cán bộ điều hành phiên đấu giá.

IZ5gJaZV.jpgPhóng to
Bà Nguyễn Tuyết Lê (đứng - bên phải), một trong hai cán bộ điều hành phiên đấu giá, giải thích với khách hàng sau khi bị phản ứng - Ảnh: P.P.H.

Tài sản đấu giá là nhà xưởng địa chỉ 163 Trần Hưng Đạo, phường 10, quận 5, TP.HCM. Diện tích khuôn viên 1.790m2 do Công ty Bao bì Sài Gòn (thuộc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn) ủy quyền, giá bán khởi điểm 18.836.200.000 đồng.

Hai cán bộ điều hành phiên đấu giá là ông Vũ Kim Hiệp và bà Nguyễn Tuyết Lê, cũng là hai phó giám đốc trung tâm.

Tham dự phiên đấu giá có 14 khách hàng, trong đó có 13 cá nhân và một đơn vị là Công ty TNHH Gaap. Phát giá lần thứ nhất, bà Võ Thị Phỉ, người đầu tiên trong bản danh sách, đưa giá 18,92 tỉ đồng. Bốn lần phát giá sau đó, các khách hàng tiếp theo đưa ra mức giá chênh nhau 20 triệu đồng. Đến lần phát giá thứ sáu, khách hàng Hoàng Minh Triển đưa ra giá 19 tỉ.

Sang lần thứ bảy, Công ty TNHH Gaap đột ngột đưa giá lên 32,16 tỉ đồng, khiến mọi người ngạc nhiên, không ai dám bỏ giá cao hơn nữa. Nhưng khi ông Vũ Kim Hiệp công bố công ty trúng giá thì đơn vị này cho rằng đã tính toán lộn và xin rút (!).

Theo qui định, khi đăng ký đấu giá, mỗi khách hàng phải nộp số tiền bằng 1% giá trị tài sản, tương đương 190 triệu đồng. Nội qui đấu giá tài sản qui định: “Trong trường hợp người điều hành cuộc bán đấu giá công bố người mua được tài sản đấu giá mà người này từ chối mua thì tài sản được bán cho người trả giá liền kề, nếu giá liền kề ít nhất bằng với giá khởi điểm”. Như vậy, tài sản đấu giá đương nhiên thuộc về khách hàng Hoàng Minh Triển với giá tham gia là 19 tỉ đồng.

Nhiều khách hàng không đồng tình cách làm này và cho rằng phiên đấu giá có sự thông đồng, móc ngoặc giữa khách hàng với người điều hành đấu giá. Ngay khi Công ty TNHH Gaap bỏ cuộc, khách hàng yêu cầu tổ chức đấu giá lại, nhưng đề nghị này không được xem xét.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hoàng Huy (giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản) cho biết:

- Phản ứng của khách hàng là có cơ sở. Tôi cũng đồng cảm với khách hàng là trong phiên đấu giá còn có cái gì đó “lượng sượng”. Bản thân tôi cũng cảm thấy bất ngờ về chuyện này. Đó là kẽ hở của qui định mà chúng tôi cần rút kinh nghiệm trong thời gian tới. Khách hàng tham gia trả một phát “phủ đầu”, sau đó không tham gia, chấp nhận mất số tiền cọc để được cái lợi khác lớn hơn.

* Các khách hàng đề nghị nên tổ chức đấu giá lại nhằm thể hiện sự công bằng, tránh tình trạng tài sản nhà nước bị thất thoát...

- Chúng tôi ghi nhận các ý kiến của khách hàng và tường trình về phiên đấu giá này trong hôm nay (26-10) để gửi Sở Tư pháp xin ý kiến. Đề xuất như thế nào bây giờ chúng tôi chưa thể trả lời ngay được. Việc quyết như thế nào Sở Tư pháp mới có thẩm quyền. Thậm chí nếu trục trặc có thể xin ý kiến từ Bộ Tư pháp.

PHÚC HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên