22/01/2019 15:50 GMT+7

Đau cổ

Nguồn: Cổng thông tin Y học Cộng đồng
Nguồn: Cổng thông tin Y học Cộng đồng

Vì cổ ít được bảo vệ hơn so với phần còn lại của cột sống nên cổ dễ bị chấn thương và tổn thương gây triệu chứng đau, hạn chế chuyển động.

Đau cổ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: steemit.com

Cổ (cột sống cổ) được tạo thành bởi các xương sống bắt đầu ở đáy sọ và kết thúc tại phần trên ngực/lưng. Các đốt xương sống cùng với các dây chằng (giống như một bản cao su dày) và các cơ tạo ổn định cho cột sống. Các cơ giúp tạo sự nâng đỡ và chuyển động. Cổ nâng đỡ trọng lượng của đầu và có tầm vận động đáng kể. Tuy nhiên, vì nó ít được bảo vệ hơn so với phần còn lại của cột sống nên cổ dễ bị chấn thương và tổn thương gây triệu chứng đau, hạn chế chuyển động. Đối với nhiều người, đau cổ chỉ là một tình trạng tạm thời và sẽ mất đi theo thời gian. Nhưng đối với một số người khác thì đau cổ cần được chẩn đoán và điều trị để làm giảm các triệu chứng.

Nguyên nhân

Đau cổ có thể do các bất thường tại các mô mềm (bắp cơ, dây chằng và dây thần kinh) cũng như tại xương và đĩa đệm của cột sống. Nguyên nhân phổ biến nhất của đau cổ là bất thường mô mềm do chấn thương (như bong gân) hoặc mỏi cổ do sử dụng cổ trong thời gian dài và rách cơ. Trong những trường hợp hiếm hơn, nhiễm trùng hoặc khối u có thể gây ra đau cổ. Ở một số người, các vấn đề ở cổ có thể gây đau ở phía trên lưng, vai, hoặc cánh tay.

Thoái hóa đĩa đệm cột sống cổ (thoái hóa đốt sống)

Đĩa đệm hoạt động như một chất hấp thụ chấn động giữa các xương sống ở cổ. Trong thoái hóa đĩa đệm cột sống cổ (thường xảy ra ở những người trên 40 tuổi), nhân đĩa đệm (còn gọi là nhân nhầy) bị thoái hóa và khoảng cách giữa các đốt sống bị thu hẹp. Do chiều cao đĩa đệm thấp đi, áp lực gia tăng lên ở các khớp của cột sống gây tổn thương và thoái hóa đốt sống. Một khi mép ngoài của đĩa đệm suy yếu, đĩa đệm cột sống cổ có thể nhô ra ngoài và đè nén lên các rễ hoặc rễ thần kinh cột sống. Tình trạng này được gọi là thoát vị đĩa đệm cột sống cổ.

Chấn thương

Vì cổ hoạt động linh hoạt và nâng đỡ phần đầu nên vùng cổ rất dễ bị tổn thương. Tai nạn giao thông, các môn thể thao va chạm và té ngã có thể dẫn đến chấn thương cột sống cổ. Thường xuyên sử dụng dây đai an toàn trong xe hơi có thể giúp ngăn ngừa hoặc giảm thiểu chấn thương cột sống cổ. Một cú đụng từ phía sau xe có thể gây ngửa cổ quá mức và/hoặc cúi cổ quá giới hạn bình thường. Các chấn thương cổ phổ biến thường liên quan đến các mô mềm là cơ bắp và dây chằng. Chấn thương cổ nghiêm trọng kèm theo gãy xương hoặc trật khớp đốt sống cổ có thể làm tổn thương tủy sống và gây liệt các chi.

Khi nào bạn nên gặp bác sĩ?

Nếu bạn thấy người bị đau cổ nghiêm trọng xảy ra sau một chấn thương (tai nạn xe cộ, tai nạn lặn, hoặc té ngã), sơ cứu ban đầu bao gồm việc cố định cột sống cổ bệnh nhân để tránh nguy cơ tổn thương thêm tủy sống, nguy cơ liệt các chi. Chăm sóc y tế cần được tìm kiếm và thực hiện ngay lập tức.

Chăm sóc y tế cũng phải được thực hiện ngay khi một chấn thương gây đau cổ lan xuống tay và chân.

Đau hoặc tê ở tay hoặc chân gây ra sự suy yếu/liệt tay hoặc chân mà không kèm đau cổ nhiều cũng cần được khám và đánh giá.

Ngay cả khi không liên quan đến chấn thương, bạn cũng nên gặp bác sĩ nếu thấy đau cổ:

- Liên tục và dai dẳng;

- Nghiêm trọng;

- Kèm theo đau lan xuống cánh tay hoặc chân;

- Kèm theo đau đầu, tê, cảm giác kiến bò hay châm chích, yếu cơ tay hoặc cơ chân.

Nhiều bệnh nhân đau cổ đi khám bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình để chẩn đoán, điều trị và giúp ngăn ngừa các vấn đề liên quan đến các cơ bắp, xương khớp, dây chằng và gân. Mặc dù một số bác sĩ chấn thương chỉnh hình chỉ thường chữa trị các bộ phận cụ thể (ví dụ bác sĩ chuyên về khớp gối, bác sĩ chuyên về cột sống), phần lớn họ có thể điều trị tốt các bệnh tật cũng như chấn thương khác nhau bao gồm đau cổ.


Nguồn: Cổng thông tin Y học Cộng đồng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên