Phố Lý Quốc Sư, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội - Ảnh: NHẬT NAM
Tuổi Trẻ Online đã có cuộc trao đổi với nhà báo - nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến về vấn đề này.
* Thưa ông, trong số những tuyến phố mới ở Hà Nội có phố Trịnh Văn Bô, ông có quan điểm như thế nào khi thành phố Hà Nội chính thức đặt tên phố để ghi nhớ công lao của nhà tư sản này?
- Một người được lấy tên để đặt tên phố là một dấu ấn, một sự ghi nhận, ghi nhớ công ơn của người đó với thành phố, với đất nước. Con phố mang tên ông bà Trịnh Văn Bô tôi nghĩ phải được đặt tên từ lâu. Tuy nhiên, đến bây giờ mới đặt cũng là một hành động kịp thời của thành phố Hà Nội.
Nhà báo - nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến
* Theo ông vì sao việc đặt tên phố Trịnh Văn Bô lại có những khúc mắc?
- Đây là do quan điểm, định kiến có từ lâu mà đến bây giờ mới mạnh dạn xóa bỏ. Tôi nhớ người đầu tiên đặt tên phố ở Hà Nội bằng chữ Việt là ông Trần Văn Lai - thị trưởng của Hà Nội (dưới thời chính quyền Pháp).
Sau đó, Chủ tịch đầu tiên của thành phố Hà Nội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa là ông Trần Duy Hưng cũng đã đặt tên phố Hà Nội lấy theo tên của những danh nhân văn hóa và anh hùng dân tộc. Trong đó có cả những nhà tư sản. Ví dụ như phố Bạch Thái Bưởi.
Sau năm 1954, quan điểm đặt tên phố khác đi dẫn đến việc đặt tên phố cũng khác đi. Thời bấy giờ, tất cả những gì liên quan đến thực dân, phong kiến đều bị xóa bỏ. Phố Bạch Thái Bưởi bị xóa, phố mang tên người phi công đầu tiên của Việt Nam đã từng tham gia Thế chiến thứ I là Đỗ Hữu Vị cũng bị xóa.
Những con phố liên quan đến triều đại phong kiến cũng bị xóa, ví dụ như phố Gia Long. Thay vào đó là hàng loạt những cái tên mới.
Tiêu chí để đặt tên phố mới vẫn là anh hùng chống ngoại xâm, danh nhân văn hóa và người có công lao, đóng góp cho Hà Nội. Thế nhưng phần mang tên những người tham gia cách mạng nhiều hơn.
Ngày ấy ở Hà Nội chưa nhiều phố nên chính quyền cũng phải lựa chọn những cái tên tiêu biểu để đặt tên phố. Sau này phố nhiều hơn, quỹ tên phố phải rộng ra để đáp ứng với các phố mới ra đời.
Phố Đinh Liệt - Ảnh: NHẬT NAM
Hà Nội lại rất cẩn trọng, bất cứ một vấn đề gì cũng đưa ra bàn bạc kỹ, rồi HĐND thành phố lấy ý kiến… Việc đó rất đúng, nhưng tôi cho rằng quá nhiều người tham gia mà trong đó có những người vẫn còn những định kiến cũ lại không đồng tình với việc đặt tên phố.
Mặt khác, cách làm ở đâu đó tôi vẫn có cảm giác như làm "cho qua". Ví dụ con phố Trịnh Văn Bô chẳng hạn. Trước đây đã mấy lần đề xuất đặt tên phố. Tuy nhiên, chính quyền dự định đặt tên ông cho một con phố nhỏ lại ngoằn nghèo… không tương xứng với sự ghi nhận của công lao gia đình ông.
Tôi không biết phía gia đình với chính quyền thành phố có những khúc mắc gì, nhưng gia đình ông Trịnh Văn Bô đã xin rút, không đồng ý để tên ông với một con phố ngoằn nghèo trước đây.
Con phố hiện nay mang tên Trịnh Văn Bô tôi thấy đẹp, xứng đáng với những đóng góp của ông. Tuy không nằm ở trung tâm nhưng nó rộng rãi, thẳng thắn và là một con phố lớn, được quy hoạch rất đẹp.
Ngõ Trung Yên, Q.Hoàn Kiếm - Ảnh: NHẬT NAM
* Quan điểm đặt tên phố ngày nay đã cởi mở và đúng đắn hơn, theo ông việc này đã làm trọn vẹn sự ghi nhận, biết ơn của thế hệ sau đối với những người có công chưa?
- Tôi thấy chưa đủ và còn nhiều thiếu sót. Ông bà Trịnh Văn Bô và nhiều người khác trong giai đoạn trước năm 1945 và nhất là thời kỳ 1945-1946, công lao của họ vô cùng lớn. Theo tôi được biết, nhiều lần Hà Nội đặt tên phố nhưng không có ý định đặt tên ông bà Trịnh Văn Bô vì định kiến.
Nhiều người coi tư sản là giai cấp bóc lột. Có những người từng xách cả vali tiền của nhà mình đi theo Bác Hồ sang hội nghị Phông ten - La Brô là ông Đỗ Đình Thiện mãi sau này mới được đặt tên.
Rồi ông Nguyễn Sơn Hà, cũng là một tư sản yêu nước, và đã có tên phố ở Hải Phòng. Ông Ngô Tử Hạ - nhà tư sản, là mạnh thường quân của nhiều chí sĩ yêu nước… rất nhiều người khác nữa là tư sản nhưng yêu nước và cống hiến cho đất nước chưa được đặt tên phố ở Hà Nội.
Tên phố là một dấu ấn cho sự nhớ ơn những người có công lao đóng góp nhưng khi đánh giá lại công lao của họ, chúng ta nên nhớ "một miếng khi đói bằng một gói khi no". Những đóng góp của họ ở thời kỳ mà chính quyền của chúng ta rơi vào tình thế "ngàn cân treo sợi tóc" như thời kỳ năm 1945 là vô cùng quý giá.
Vì thế, không chỉ có vợ chồng ông bà Trịnh Văn Bô mà còn nhiều cái tên khác nữa như Nguyễn Sơn Hà, Ngô Tử Hạ… nên được đặt tên ở Hà Nội.
Phố Trần Nhật Duật, Hà Nội - Ảnh: NHẬT NAM
Ngoài ra, còn nhiều người khác nữa không phải tư sản nhưng họ đã đấu tranh và hy sinh vì Hà Nội, vì đất nước cũng cần được đặt tên phố.
Tôi lấy ví dụ như ông Nguyễn Lâm - con trai ông Nguyễn Tri Phương. Khi Tổng đốc Nguyễn Tri Phương đứng ra chống quân Pháp chiếm đánh chiếm thành Hà Nội lần thứ nhất năm 1873, lúc Nguyễn Lâm từ trong Nam ra thăm cha ở thành Hà Nội đúng lúc quân Pháp tấn công.
Ông cùng cha kiên cường chỉ huy binh sĩ cầm gươm đánh giặc ở thành Hà Nội. Trận đấy, Nguyễn Lâm tử trận. Trước năm 1945, Hà Nội đã có tên phố Nguyễn Lâm, sau năm 1954 bị xóa đi. Đó thực sự là một điều đáng tiếc.
Một người nữa tôi cho là xứng đáng là ông Đỗ Đăng Lâm. Khi Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ 2 năm 1882, ông Đỗ Đăng Lâm là một viên cai đội ở huyện Thọ Xương. Đỗ Đăng Lâm đã dẫn binh sĩ của mình vào thành Hà Nội cùng với ông Hoàng Diệu để giữ thành Hà Nội và đã anh dũng hi sinh.
Trong khi đó, có những người công lao không nhiều nhưng lại được đặt tên những con phố rất đẹp. Ví dụ như phố Ấu Triệu. Bà tên thật là Phan Thị Đàn, là một cộng sự của Phan Chu Trinh trong phong trào Đông Du.
Theo quan điểm của tôi, công lao của bà không lớn hơn những người như Đỗ Đăng Lâm, hay con trai của ông Nguyễn Tri Phương là Nguyễn Lâm. Con phố Ấu Triệu có thể đặt tên gốc của làng ấy ngày trước đó là làng Tiên Thị thì có ý nghĩa biết bao nhiêu?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận