25/05/2019 08:00 GMT+7

Đào tạo Y khoa song ngữ - Cơ hội để làm việc tại Hoa Kỳ

T.D.V
T.D.V

Gặp gỡ bác sĩ, giáo sư Thạch Nguyễn (quyền hiệu trưởng ĐH Tân Tạo) vào buổi chiều tại TP.HCM, ông cho biết vừa trò chuyện với sinh viên Y khoa sắp ra trường về nơi chốn làm việc.

Đào tạo Y khoa song ngữ - Cơ hội để làm việc tại Hoa Kỳ - Ảnh 1.

Dr Talarico (Hoa Kỳ) hướng dẫn sinh viên TTU thực hành trên não bộ tại BV Đa khoa Tân Tạo

Đa số chọn làm trong nước, bảy SV sẽ đến Mỹ thi lấy bằng hành nghề, số còn lại chưa có nơi chốn được giáo sư đích thân kết nối công việc.

Dùng uy tín và mối quan hệ lâu năm trên thế giới, GS. Thạch Nguyễn (ban chấp hành Hội Tim mạch Can thiệp Hoa Kỳ, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Tim mạch bệnh viện Methodist, Hoa Kỳ) đã 9 lần đưa SV thực tập tại Hoa Kỳ, Hàn Quốc. Đi để học hỏi, trở về thay đổi bản thân, để chăm sóc cho đồng bào tốt hơn.

* Điều gì làm nên tiêu chuẩn Hoa Kỳ trong chương trình đào tạo của khoa Y, ĐH Tân Tạo?

Tiêu chuẩn Hoa Kỳ được thể hiện qua ba thành tố. Thứ nhất là chương trình dạy học đạt tiêu chuẩn của bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đồng thời hoàn thiện bằng các tiêu chuẩn hay từ chương trình Mỹ. Phương châm của khoa Y nói riêng, trường Tân Tạo nói chung là không được quyền thua trường Hoa Kỳ, phải hoàn thiện mình để đủ sức cạnh tranh quốc tế. Thứ hai, SV khoa Y Tân Tạo được thực tập miễn phí tại Hoa Kỳ. Trong ba năm qua, nhà trường đã tổ chức 9 đợt để SV vào bệnh viện Mỹ trải nghiệm môi trường thực tế tại Hobart IN, Houston TX, Baltimore MA. Thành tố cuối cùng là khả năng SV thực hành nghề y cùng Trí tuệ nhân tạo (AI). Đây là điều khó với tất cả chúng ta, nhưng rất thú vị, tôi muốn thách thức các SV và khẳng định việc này Việt Nam có thể làm được.

Đào tạo Y khoa song ngữ - Cơ hội để làm việc tại Hoa Kỳ - Ảnh 2.

Chuyên gia huấn luyện cấp cứu ban đầu đến từ Phần Lan đang “huấn luyện kỹ năng đặt nội khí quản” cho sinh viên y khoa TTU

Đào tạo Y khoa song ngữ - Cơ hội để làm việc tại Hoa Kỳ - Ảnh 3.

SV khoa Y làm việc với bạn học người Mỹ - Ảnh: NVCC

* Vậy còn y đức đậm màu sắc Á Đông mà nhà trường hướng đến?

Ai vào ngành y đều biết đến lời thề Hypocrat, nhưng nhìn lại, chúng ta đã có sẵn nền y đức truyền thống đáng trân trọng. Việc mượn hình ảnh Hải Thượng Lãn Ông để nhắc nhớ học trò về việc phục vụ bệnh nhân. Đi xa tận Mỹ suy cho cùng là để xem cách bác sĩ hành xử, quý trọng bệnh nhân, gia đình họ như thế nào. Rồi tự mình thay đổi. Dĩ nhiên, môi trường Việt - Mỹ khác nhau nhưng cứ than vãn hoài cũng vô nghĩa. Phải thay đổi cách làm việc của mình mới mong xã hội dần thay đổi theo.

* Theo ông, giữa chương trình đào tạo ngành Y ở Hoa Kỳ và Việt Nam có gì khác nhau?

Về cơ bản, sách y khoa ở đâu cũng học vậy. Nhưng tỉ lệ thầy - trò trong lớp ảnh hưởng đến quá trình "cầm tay chỉ việc". Số lượng đào tạo vừa phải cho phép SV quan sát, phụ bác sĩ trên ca mổ thật (tại một số bệnh viện trường liên kết). Thực hành khi còn là SV sẽ giúp các bạn thành thục khi ra trường. Nhưng điều quan trọng nhất là chương trình Mỹ đào tạo SV cách giao tiếp, giải thích cho bệnh nhân về kiến thức y học, làm sao phòng ngừa bệnh trong tương lai. Bác sĩ có tài và đức phải là người biết sử dụng hệ thống để đỡ tiền cho bệnh nhân.

* Được biết, ông đích thân đi "xin việc" cho SV?

Xin việc theo nghĩa tích cực là kết nối với bệnh viện, để họ biết đến SV ĐH Tân Tạo có đầy đủ tố chất của bác sĩ lâm sàng, tiếng Anh và phẩm chất năng động, tự tin. Xin thì xin nhưng nếu các em không đủ tiêu chuẩn, bệnh viện vẫn từ chối như thường. Đây cũng là một tiêu chuẩn Mỹ là đảm bảo SV ra trường có chỗ làm.

Đào tạo Y khoa song ngữ - Cơ hội để làm việc tại Hoa Kỳ - Ảnh 4.

Tại Mỹ, lớp học được chia thành nhóm nhỏ để sinh viên học cách làm việc cùng nhau - Ảnh: NVCC

* Giáo sư có cho rằng học sinh học lực giỏi mới đủ năng lực vào ngành y?

Ở Mỹ, không phải chỉ học sinh giỏi mới vô trường Y. Học giỏi ở trung học chỉ là một phần nhỏ trong sự thành công của đời người. Phẩm chất năng động, sáng tạo còn quan trọng hơn. Cứ nghĩ xem, SV giỏi, tốt nghiệp giỏi là chuyện đương nhiên. SV học trung bình, tốt nghiệp hành nghề giỏi thì công lao của ngôi trường đó lớn lắm! Ngược lại, SV giỏi mà tốt nghiệp dở, làm việc kém thì nhà trường phải chịu trách nhiệm lớn với xã hội.

Trong kỳ tuyển sinh 2018, khoa Y ĐH Tân Tạo có 1/3 tân SV đã có bằng cử nhân, 10% có bằng trung học ở Mỹ. Tôi cho rằng, học giỏi, học trung bình, giàu, nghèo đều phải có cơ hội công bằng để học tập và tiến lên.

T.D.V
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: y khoa ĐH Tân Tạo