Phóng to |
Công nhân khôi phục núi đất ở khu vực cửa tây thành Diên Khánh - Ảnh: DUY THANH |
“Cách đây hơn mười ngày, chúng tôi đi qua khu vực cửa tây thành Diên Khánh thì sửng sốt khi thấy đơn vị thi công dự án trùng tu, tôn tạo di tích này đào nát quả đồi đất đã tồn tại hơn 200 năm nay trên bờ thành” - ông Lương Văn Sáu, phó chủ tịch UBND huyện Diên Khánh (Khánh Hòa), kể.
Đào... nhầm
Ông Sáu nói: “Ngay lập tức huyện mời đại diện chủ đầu tư là Sở VH-TT&DL Khánh Hòa về làm việc thì họ nói đơn vị thi công đào nhầm. Tôi hỏi ông giám sát thi công có mặt trong cuộc họp hôm đó tại sao để xảy ra chuyện như vậy thì ông này ú ớ!”.
Đồi đất mà ông Lương Văn Sáu đề cập trên đây là một trong bốn núi đất được sách Đại Nam nhất thống chí nhắc đến khi viết về thành Diên Khánh: “Thành mở sáu cửa, đều có nhà lầu, bốn góc thành có núi đất”. Trong bài Thành cổ Diên Khánh trong lịch sử, tiến sĩ Nguyễn Công Bằng - cố giám đốc Bảo tàng Khánh Hòa - viết: “Mỗi góc thành đều có đắp một ụ đất cao khoảng 2m dùng để đặt súng đại bác, gọi là pháo đài góc. Đây là đặc điểm nổi bật của lối kiến trúc quân sự theo kiểu Vauban”.
Theo ông Trần Đình Dũng - trưởng phòng kế hoạch - tài chính Sở VH-TT&DL Khánh Hòa, đại diện chủ đầu tư, hiện ở cửa đông và cửa tây thành Diên Khánh còn lại hai quả đồi đất là các pháo đài ngày xưa. Ông Dũng thừa nhận: “Đơn vị thi công tường thành thấy ụ đất ở cửa tây cây cối lộn xộn nên họ đào mất khoảng 1/3 ụ đất. Chúng tôi đã phát hiện và yêu cầu họ đắp lại ngay”.
Ông Trương Đăng Tuyến, giám đốc Sở VH-TT&DL Khánh Hòa, nói: “Tôi nghĩ di tích không biến dạng gì vì ụ đất đã lỡ đào nhầm được đắp lại như cũ rồi”.
Ngày 19-11, tại khu vực vai trái của cửa tây, nhiều công nhân tập trung đắp lại phần đồi đất đã bị đào “nhầm”, song người dân địa phương cho biết quả đồi không còn nguyên vẹn như trước mà bị thu nhỏ lại vì phải “ngắt” một phần để làm đường đi trên bờ thành. Trong khi đó, nhiều người dân lớn tuổi ở phía cửa đông, cửa tiền (cửa nam) của di tích cho hay đơn vị thi công đã “gọt” bớt tường thành tồn tại hàng trăm năm nay trong quá trình trùng tu, tôn tạo.
Di tích bị ảnh hưởng nghiêm trọng
Theo hồ sơ của Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa - đơn vị quản lý di tích thành Diên Khánh, các đồi đất nơi làm pháo đài xưa kia của thành thuộc phạm vi bảo vệ 1, theo quy định của Luật di sản văn hóa là phải được bảo vệ nguyên trạng.
Tiến sĩ Lê Đình Phụng (Viện Khảo cổ học VN) cho biết: “Tôi không có điều kiện trực tiếp đến thành Diên Khánh xem xét chính xác việc đơn vị thi công “lỡ” xâm phạm di tích thế nào. Tuy nhiên, yêu cầu số một trong trùng tu một di tích, nhất là di tích cấp quốc gia, theo quy định của Luật di sản văn hóa, là phải giữ tối đa nguyên gốc”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông, nguyên phân viện trưởng Phân viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Huế, khẳng định: “Việc một pháo đài góc của thành cổ Diên Khánh bị đào rồi sau đó đắp lại thì chắc chắn di tích bị ảnh hưởng nghiêm trọng về giá trị vì không còn nguyên trạng nữa”.
Ông Thông đề nghị nên có một cuộc kiểm tra kỹ lưỡng về việc trùng tu, tái tạo thành Diên Khánh, từ đó tổ chức một hội thảo để các chuyên gia góp ý kiến phương án tối ưu nhằm tránh nguy cơ di tích này bị biến dạng.
Đợt trùng tu, tôn tạo di tích thành Diên Khánh giai đoạn 1 được thực hiện từ tháng 7-2012 và dự kiến hoàn thành vào quý 2-2013, có vốn đầu tư 20 tỉ đồng. Một lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa cho biết đơn vị lập dự án và thi công không được mời tham gia về chuyên môn khoa học khi thiết kế trùng tu, tôn tạo di tích thành Diên Khánh giai đoạn 1, dù di tích này do trung tâm quản lý. Vì vậy, vị này lo lắng việc làm hỏng di tích có thể xảy ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận