28/03/2009 13:39 GMT+7

Đạo diễn Tường Phương: Làm phim là để chia sẻ

Theo HƯƠNG NHU - Người Lao Động
Theo HƯƠNG NHU - Người Lao Động

Vẫn với phong cách làm phim kỹ lưỡng đến mức “tự làm khổ mình”, Câu chuyện pháp đình (phát trên HTV9 lúc 18g từ chủ nhật đến thứ ba kể từ ngày 31-3) của Tường Phương mang đến cho người xem một sự lựa chọn khác giữa một “rừng” phim truyền hình hiện nay.

S3eRfyY9.jpgPhóng to
Đạo diễn Tường Phương (trái) đang chỉ đạo diễn xuất cho diễn viên phim Câu chuyện pháp đình - ảnh do nhân vật cung cấp

* Nhiều năm rồi mới thấy anh có một tác phẩm mới, cơ duyên đưa anh đến với Câu chuyện pháp đình như thế nào? Anh tâm đắc gì ở kịch bản này và muốn gửi gắm điều gì qua bộ phim?

Tuy làm ít phim nhưng hầu hết phim của đạo diễn Tường Phương đều gặt hái thành công về chuyên môn. Bộ phim nhựa Lời thề đoạt giải khuyến khích của Hội Điện ảnh VN, Dưới cờ đại nghĩa đoạt giải Cánh diều vàng năm 2007 thể loại phim truyền hình dài tập, Câu chuyện pháp đình đoạt giải bạc tại Liên hoan phim Truyền hình toàn quốc lần thứ 28.

Đạo diễn Tường Phương cho biết các giải thưởng đến với mình chỉ như một duyên may: “Khi làm phim tôi chỉ nghĩ đến vấn đề cần ấp ủ, chuyển tải lên phim chứ không hề nghĩ đến giải thưởng”.

- Đạo diễn Tường Phương: Không phải đợi đến khi nhận được kịch bản Câu chuyện pháp đình tôi mới chú ý đến đề tài này mà từ lâu tôi vẫn thường theo dõi những bài viết về các phiên tòa trên các báo, đọc nhiều sách nói về các vụ án. Trong suy nghĩ của tôi, tòa án là giềng mối bảo đảm sự công bằng xã hội nhưng đằng sau mỗi phiên tòa là rất nhiều số phận khác nhau. Và đằng sau mỗi số phận con người như thế, ẩn chứa vô số vấn đề trong xã hội, chẳng hạn nạn bạo hành trong gia đình, ma túy...

Trong phần 1- Hơi ấm bàn tay - thông qua câu chuyện của chàng trai Trọng Nhân bị kết án tử hình vì tội giết người, tôi muốn nói với người xem một điều rằng quan hệ đời sống rất phức tạp, nếu như mỗi người trong chúng ta bớt đi sự thờ ơ và biết quan tâm đến nhau một chút, chìa chút “hơi ấm bàn tay” ra thì mọi việc sẽ trở nên tốt đẹp hơn.

Hay như thông qua câu chuyện của hai anh em Nghĩa-Hiếu trong phần 2 Giấc mơ thiên đường: người em kết liễu cuộc đời của người anh ruột nghiện ngập bằng bốn nhát dao oan nghiệt, tôi muốn nói đến sự nỗ lực tuyệt vọng, sự đau khổ cùng cực của những con người, vô tình hay hữu ý, khi đã sa chân vào con đường ma túy.

* Câu chuyện pháp đình có nhiều chi tiết liên quan đến ngành tòa án và công việc của nhà báo, hai lĩnh vực không dễ “nhằn” cho một người làm nghề đạo diễn như anh, vì làm không khéo sẽ bị người trong ngành phản ứng. Anh đã làm thế nào để tiếp cận và tìm ra cách thể hiện sao cho ít sai sót nhất?

- Khó khăn đầu tiên của đạo diễn như tôi là... sự dốt nát. Làm phim là để chia sẻ với người khác những vấn đề đặt ra trong cuộc sống. Mà cuộc sống thì bao la nên sự giới hạn của kiến thức, sự hiểu biết về con người trong những lĩnh vực hoạt động khác nhau luôn là một thách thức lớn. Nhưng vẫn có điều may, đó là sự trải lòng. Sự trải lòng (gián tiếp - đọc, trực tiếp - nói chuyện, trao đổi...) của những con người đẫm mình trong mỗi môi trường sống khác nhau đã giúp cho tôi tiếp cận được nhiều hơn, giảm bớt được phần nào sự thiếu hiểu biết khi lao vào tìm hiểu một lĩnh vực mới mẻ nào đó của cuộc sống. Nhưng tôi chỉ có thể vượt qua được cái ngưỡng bớt dốt. Sự am tường thì còn xa lắm.

* Hết Lời thề, Đất khách rồi Dưới cờ đại nghĩa và bây giờ là Câu chuyện pháp đình, sao anh toàn chọn những đề tài khô khan, gai góc?

- Vì cuộc sống có bao giờ chỉ là sự bằng phẳng, mượt mà! Và chung quanh ta đâu chỉ là những cuộc đời hoàn hảo. Nếu phim tôi và chúng tôi (tôi muốn nhắc tới hai người bạn: Vinh Hương, Phương Nam - đã cùng chung sức với nhau) có đem tới được cho người xem một chút ấm lòng của tình cảm sẻ chia thì sự khô khan, gai góc của đề tài chỉ là một phương tiện để phim có thể đi vào tận góc khuất sâu thẳm của từng số phận nhân vật mà thôi.

* Bộ đôi Tường Phương - Phương Nam lâu nay vẫn sát cánh bên nhau, nhưng lần này trong Câu chuyện pháp đình chỉ có anh đứng tên đạo diễn, vì sao vậy?

- Chúng tôi là bạn thân và vẫn sát cánh bên nhau, chia sẻ với nhau tất cả, từ những dự định manh nha ban đầu cho tới khi bộ phim được hình thành. Chỉ có điều, hiện nay kế hoạch của hãng đang cần nhiều đạo diễn để gánh vác công việc nên mỗi người chúng tôi đều có phim riêng. Phim của Phương Nam là Cầu trường không yên tĩnh (6 tập) sẽ chiếu liền sau phim tôi.

* Thời nay phim truyền hình đang bùng nổ, đạo diễn làm phim có thể hái ra tiền, nhưng anh có vẻ như đứng ngoài cuộc chơi này, sao anh không tranh thủ kiếm tiền như người khác?

- Tôi cũng đang mưu sinh đó chứ, nhưng mỗi người có nhu cầu khác nhau. Mỗi người có một cách suy nghĩ về nghề, có một cách hạnh phúc với nghề. Sự đa dạng luôn làm phong phú cuộc sống và tôi thích sự đa dạng.

* Đạo diễn nào cũng mơ ước được làm phim nhựa, còn anh từ sau Lời thề thì im hơi lặng tiếng hẳn khỏi mảng này, bao giờ anh định trở lại?

- Tôi không quan trọng lắm chuyện làm phim nhựa, truyền hình hay video, vấn đề là có tìm được kịch bản tốt hay không. Hiện cũng đang có vài kịch bản ưng ý nhưng như tôi đã nói, làm phim còn phải tùy vào thiên thời, địa lợi, nhân hòa.

Tường Phương - Phương Nam: cuộc đồng hành gần 30 nămKý sự pháp đình lên phimBình tâm nhìn nhà báo...

Theo HƯƠNG NHU - Người Lao Động
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên