Các người đẹp trong phim Mỹ nhân Sài thành - Ảnh: ĐPCC
Vai Hồng Trà tôi hóa thân có cuộc đời trải dài từ khi trẻ đến khi già 70 tuổi. Nhân vật Hồng Trà là hình mẫu hoàn hảo: mạnh mẽ, tốt bụng và là người đã đưa hàng Việt Nam đến với người dùng Việt Nam
Diễn viên KHÁNH MY (vai người đẹp Hồng Trà)
Mỹ nhân Sài thành của đạo diễn Lê Cung Bắc sẽ lên sóng VTV1 từ ngày 7-5.
Mỹ nhân Sài thành dài 49 tập, do Đinh Thiên Phúc viết kịch bản, kể về ba người đẹp Thanh Trà, Bạch Trà, Hồng Trà. Cả ba tham gia cuộc thi Người đẹp xứ Nam Kỳ và đều đoạt giải.
Bạch Trà giác ngộ cách mạng từ sớm, sau khi đoạt giải hoa khôi tiếp tục trà trộn tại Phòng nhì để tiếp cận thông tin mật của chính phủ và quân đội Pháp.
Hồng Trà giỏi kinh doanh và dành nhiều thời gian giúp đỡ người nghèo, Thanh Trà đoạt giải á khôi 2, bị gã Lý Tắc - nhà tài trợ cuộc thi - tìm cách hãm hại vì không chịu trở thành nhân tình của hắn ta...
Ngân Khánh và Lý Hùng trong phim Mỹ nhân Sài thành
Trong không gian yên tĩnh ở Tịnh Tam Cốc (tên ông gọi cho nơi làm việc tại nhà riêng), đạo diễn Lê Cung Bắc chia sẻ câu chuyện xung quanh bộ phim, về chuyện nghề.
"Khi biết tin phim được phát sóng tôi rất mừng. Chỉ tiếc một số diễn viên trong phim như Nguyễn Hậu, Thành Lũy đã không đợi được. Lúc còn sống, Nguyễn Hậu hay gọi điện hỏi thăm tôi về phim..." - giọng ông chùng hẳn xuống.
Lúc quay Mỹ nhân Sài thành có đủ thứ lo lắng, tôi sụt 4kg, thỉnh thoảng vào bệnh viện truyền nước cho khỏe rồi lại ra phim trường.
Đạo diễn Lê Cung Bắc
Sài Gòn xưa được tái hiện ở miền Tây
* Thưa ông, sau bốn năm sản xuất, Mỹ nhân Sài thành mới được phát sóng. Liệu phim có đủ "nóng" để khán giả theo dõi?
- Mỹ nhân Sài thành là phim xưa, không phải câu chuyện thời sự. Nhưng yếu tố làm nên vẻ hấp dẫn của phim là sự kịch tính.
Câu chuyện xoay quanh ba người đẹp Sài Gòn - Thanh Trà, Hồng Trà và Bạch Trà vào những năm 1950. Thông qua cuộc đời của họ, bộ phim chuyển tải câu chuyện lòng yêu nước. Dù ở hoàn cảnh nào, mỗi người đều hướng về Tổ quốc.
Tái hiện lại đường phố Sài Gòn trong phim Mỹ nhân Sài thành
* Việc tái hiện Sài Gòn những năm 1950 hẳn không đơn giản?
- Đúng vậy, rất khó khăn. Để tái hiện cảnh đường phố nơi chiều chiều có người ngồi ngoài bancông đánh cờ tướng, trên con đường vừa có cả xe bò, ôtô, xe ngựa... là bài toán khó.
Chọn được những con đường phù hợp xong, việc giữ hiện trường để quay cũng không đơn giản. Chúng tôi đã chọn Sa Đéc (Đồng Tháp), Gò Công (Tiền Giang) để ghi hình đại cảnh Sài Gòn. Khi quay cái gì cũng né: né nhà cao tầng, né ăngten, dây điện...
* Phim phải thay vai nhân vật Thanh Trà ở tập 20. Việc thay vai có ảnh hưởng nhiều đến phim không, thưa ông?
- Ban đầu vai Thanh Trà do một hoa hậu đảm nhận, nhưng sau những lùm xùm của cô ấy nên đoàn phim phải thay diễn viên. Dĩ nhiên việc quay lại rất vất vả vì tốn thời gian, tiền bạc nhưng theo tôi, việc thay Ngân Khánh có cái hay. Hoa hậu xinh đẹp nhưng về khả năng diễn xuất thì Ngân Khánh diễn tốt hơn.
Cả Ngân Khánh, Khánh My, Dương Mỹ Linh vào vai ba người đẹp đều hết lòng với vai diễn. Một bộ phim truyền hình đề tài xã hội chỉ quay khoảng 2, 3 tháng nhưng Mỹ nhân Sài thành quay đến bảy tháng. Cả đoàn phim vì thế đều vất vả. Phim xưa không thể quay nhanh được.
Cảnh trong phim Mỹ nhân Sài thành
Phim truyền hình xuống dốc, tại đâu?
* Phim truyền hình Việt đang gặp nhiều khó khăn. Làm nghề hơn 50 năm, ông nghĩ gì về điều này?
- Có nhiều lý do, nhìn ở góc độ khách quan, phim truyền hình bị cạnh tranh khốc liệt bởi game show. Rồi khi khán giả xem phim ít, rating thấp kéo theo quảng cáo ít, nhà sản xuất lại không có tiền làm phim.
Nhưng quan trọng hơn là kịch bản phim chưa có gì mới lạ. Theo tôi, một bộ phim cần ba yếu tố: kịch tính, sáng tạo, chất văn học. Phần lớn phim truyền hình hiện chưa đáp ứng được ba yếu tố này.
Phim Việt cũng chưa thật sự phản chiếu vấn đề xã hội nóng bỏng, chưa chạm tâm thức người xem. Một nhà biên kịch nổi tiếng của Pháp từng nói trên màn ảnh cứ hai phút có sự kiện mới mới thu hút khán giả. Còn ở phim Việt có cảnh dài 5 phút mà không có gì lạ, cứ nói tới nói lui, bối cảnh chỉ có một, hỏi sao khán giả không chán!
Một cảnh Mỹ nhân Sài thành
* Đây có phải là lỗi ở biên kịch, thưa ông?
- Tôi không đồng ý quan điểm này. Tôi nghĩ tuy các bạn biên kịch của Việt Nam không phải ai cũng đủ trải nghiệm sống, nhưng điều quan trọng hơn để có một bộ phim hay là nhà sản xuất phải có tầm.
Tôi thấy giờ các nhà sản xuất chú trọng đến diễn viên nhiều hơn. Họ thường chọn diễn viên "hot" vào phim để thu hút khán giả. Tôi nghĩ chúng ta cần nhìn vấn đề ở nhiều góc độ để giải quyết triệt để hơn.
Đạo diễn Lê Cung Bắc - Ảnh: H.LÊ
Ở tuổi 72, Lê Cung Bắc có 20 năm làm nghề diễn viên và hơn 30 năm đạo diễn. Hiện ông vẫn hợp tác với các hãng phim, kênh truyền hình trong vai trò cố vấn góp ý từ kịch bản đến thành phẩm phim, làm biên tập kịch bản phim... "Tôi dùng nghệ thuật như cách lập ngôn của mình" - đạo diễn Lê Cung Bắc chia sẻ. Và nhân sinh quan của ông qua các phim ông làm thường hướng tới cái đẹp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận