Tin từ đạo diễn Bùi Trung Hải - con trai đạo diễn Bùi Đình Hạc - cho biết bố ông qua đời lúc 18h30 ngày 1-7 tại Bệnh viện Hữu Nghị, hưởng thọ 90 tuổi.
Bùi Đình Hạc: đại thụ của điện ảnh cách mạng
"Bộ phim cuối cùng của ông - Hà Nội 12 ngày đêm - là một thiên sử thi về 12 ngày đêm đánh B52 trên bầu trời Hà Nội. Sự ra đi của ông để lại một khoảng trống không gì bù đắp được trong nền điện ảnh nước nhà", đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ cảm xúc với Tuổi Trẻ Online khi nghe tin đạo diễn Bùi Đình Hạc qua đời.
Đạo diễn Bùi Đình Hạc sinh năm 1934 tại xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Tham gia cách mạng từ năm 1949, đến năm 1953 ông vào công tác trong ngành điện ảnh tại An toàn khu (ATK) Việt Bắc.
Sau hòa bình ở miền Bắc năm 1954, ông theo học đạo diễn phim truyện tại Trường đại học Điện ảnh toàn Liên bang Xô viết ở Matxcơva. Ông trở thành một trong những nghệ sĩ đặt những viên gạch đầu tiên cho nền điện ảnh cách mạng Việt Nam.
Theo thông tin từ gia đình, trong bộ từ điển Điện ảnh thế giới do Liên Xô xuất bản năm 1986 đã có một mục từ giới thiệu về tiểu sử và các tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Bùi Đình Hạc.
Với những thành tựu đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực sáng tác điện ảnh, năm 1984 ông đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (đợt 1), Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2007 cho bảy tác phẩm tài liệu và phim truyện.
Đó là các phim tài liệu: Nước về Bắc Hưng Hải; Anh Nguyễn Văn Trỗi sống mãi; Hồ Chí Minh - Chân dung một con người; Nguyễn Ái Quốc đến với Lênin; Đường về Tổ quốc. Phim truyện có: Nguyễn Văn Trỗi; Đường về quê mẹ.
Ngoài làm phim, ông còn là một nhà quản lý rất có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của ngành điện ảnh.
Ông từng đảm nhiệm các chức vụ: giám đốc Hãng Phim tài liệu và khoa học trung ương, cục trưởng Cục Điện ảnh, làm giám khảo phim tài liệu tại Liên hoan phim quốc tế Matxcơva (năm 1973) và tại Triều Tiên.
Người mang giải vàng quốc tế đầu tiên về cho điện ảnh Việt Nam
Trong lịch sử điện ảnh Việt Nam hiếm có đạo diễn đạt được nhiều giải thưởng danh giá như Bùi Đình Hạc.
Những bộ phim của ông đã được trao tặng ba giải nhất, một giải nhì tại các liên hoan phim lớn quốc tế, bảy giải thưởng Bông sen vàng, một giải thưởng Bông sen bạc tại các liên hoan phim Việt Nam.
Cụ thể, phim tài liệu Nước về Bắc Hưng Hải do ông biên kịch và đạo diễn khi mới 25 tuổi đã được tặng huy chương vàng tại Liên hoan phim quốc tế Matxcơva năm 1959 cho phim tài liệu hay nhất. Đây là giải vàng quốc tế đầu tiên của ngành điện ảnh Việt Nam và cũng là giải vàng quốc tế đầu tiên của nền văn học nghệ thuật nước nhà.
Phim còn được tặng giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 2 năm 1973.
Phim tài liệu Anh Nguyễn Văn Trỗi sống mãi được trao huy chương bạc tại Liên hoan phim quốc tế Matxcơva năm 1965 và giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 1 năm 1970.
Ông có chùm phim tài liệu về cuộc đời hoạt động đấu tranh giành độc lập tự do và thống nhất đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất thành công gồm: Nguyễn Ái Quốc đến với Lênin, Đường về Tổ quốc và đặc biệt bộ phim Hồ Chí Minh - Chân dung một con người.
Trong đó phim tài liệu Nguyễn Ái Quốc đến với Lênin và Đường về Tổ quốc cùng được giải Bông sen vàng đặc biệt tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 4 năm 1980.
Phim tài liệu Hồ Chí Minh - Chân dung một con người được giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 9 năm 1990, giải vàng Liên hoan phim truyền hình toàn quốc năm 1990, giải phim hay nhất năm 1990 của Bộ Văn hóa - Thông tin và Thể thao trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những ngày lễ lớn của dân tộc.
Ông còn có sự nghiệp phim truyện dày dặn. Phim Nguyễn Văn Trỗi đoạt giải Bông sen vàng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 1 năm 1970, giải thưởng của Hội Nhà báo Liên Xô tại Liên hoan phim quốc tế ở Matxcơva, năm 1967.
Phim truyện Đường về quê mẹ được hàng loạt giải thưởng trong nước và quốc tế, giải cho đạo diễn và cả diễn viên Lâm Tới, Thế Anh, Trúc Quỳnh.
Làm phim ở tuổi 68
Sau khi nghỉ hưu, ở tuổi 68, ông vẫn làm đạo diễn chính của bộ phim truyện Hà Nội 12 ngày đêm.
Phim mang về thêm cho ông giải Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 14 năm 2004, giải B của Bộ Quốc phòng.
Ngoài ra ông còn hợp tác với đạo diễn điện ảnh Liên Xô Roman Karmen làm bộ phim Việt Nam trên đường thắng lợi (năm 1954), cộng tác với đạo diễn Hà Lan Joric Ivens làm bộ phim Vĩ tuyến 17 - chiến tranh nhân dân (năm 1967).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận