Công nhân ngành ôtô ở Mỹ là đối tượng được ông Trump nhắm đến trong quyết định điều tra tăng thuế ôtô nhập khẩu - Ảnh: REUTERS
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh cho Bộ Thương mại điều tra để xác định xem ôtô, xe tải và cả phụ tùng xe nhập khẩu vào Mỹ có đe dọa an ninh quốc gia hay không.
Kết quả cuộc điều tra này có thể dẫn tới việc Mỹ áp thuế quan mới lên đến 25% đối với ôtô nhập khẩu.
Theo số liệu của Chính phủ Mỹ, khoảng 1/4 số ôtô tiêu thụ ở nước này là xe nhập khẩu.
Nếu được đưa ra, kế hoạch đánh thuế ôtô này có thể làm leo thang căng thẳng giữa Mỹ với các đối tác thương mại và có thể khiến thị trường tài chính toàn cầu có thêm những phiên "hoảng loạn" mới.
Áp dụng điều khoản hiếm sử dụng
Phát biểu sau cuộc gặp Tổng thống Trump, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross tuyên bố mở cuộc điều tra theo Điều 232 (điều khoản rất hiếm khi được sử dụng) đối với hoạt động nhập khẩu ôtô và nếu có bằng chứng cho thấy hoạt động này đe dọa an ninh quốc gia thì đây sẽ là căn cứ pháp lý để Mỹ quyết định áp thuế nhập khẩu.
Bộ trưởng Wilbur Ross thông báo: "Có những yếu tố cho thấy suốt nhiều thập niên qua việc nhập khẩu đã làm suy yếu ngành ôtô của chúng ta. Trong 20 năm qua, thị phần nhập khẩu ôtô cá nhân đã tăng từ 32% lên 48% trong tổng số ôtô bán ra tại Mỹ".
Cần biết rằng Điều 232, thuộc Đạo luật mở rộng thương mại 1962 của Mỹ cho phép Tổng thống Mỹ quyền áp thuế quan lên những mặt hàng nhập khẩu đe dọa an ninh quốc gia Mỹ, cũng chính là điều khoản mà ông Trump đã dựa vào để áp thuế mạnh lên thép và nhôm nhập khẩu hồi tháng 3 vừa qua.
Báo Wall Street Journal đưa tin chính quyền của Tổng thống Donald Trump có thể sẽ đề xuất mức thuế nhập khẩu ô tô lên tới 25%. Giới phân tích nhận định việc Mỹ áp thuế nhập khẩu ôtô lên tới 25% sẽ là "đòn đau" với các nhà sản xuất ôtô châu Á vốn luôn coi Mỹ là thị trường chủ đạo.
Tuyên bố ngày 23-5 (giờ Mỹ) của ông Trump lập tức gặp phản ứng của các quốc gia có lượng xe ôtô lớn nhập khẩu vào Mỹ.
Ngày 24-5, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Hiroshige Seko cho rằng những mức thuế xem xét lại sẽ làm hỗn loạn thị trường toàn cầu và đi ngược với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Phát biểu trước báo giới tại Tokyo, ông Seko cho rằng sẽ thật đáng tiếc nếu biện pháp này được triển khai và đây sẽ trở thành một biện pháp hạn chế thương mại trên diện rộng.
Đây là lần hiếm hoi một chính trị gia Nhật phản ứng mạnh mẽ trước các vấn đề liên quan đồng minh thân cận Mỹ. Sản xuất ôtô là ngành công nghiệp chủ đạo tại Nhật Bản. Trong đó, ôtô chở khách chiếm tới 30% lượng hàng hóa xuất khẩu của Nhật sang thị trường Mỹ.
Tin tức về việc Mỹ mở cuộc điều tra vốn được coi là bước khởi đầu cho một quy trình nhằm tăng thuế nhập khẩu ôtô cũng ngay lập tức tác động tới tâm lý các nhà đầu tư vào ngành công nghiệp này tại Nhật Bản. Cổ phiếu của một số hãng ôtô nổi tiếng của Nhật Bản như Honda giảm 3,42%, Toyota giảm 3,20% trong khi Nissan cũng giảm 2,02%, theo hãng tin AFP.
Xe của hãng Toyota tại TP Tijuana, bang Baja California, Mexico. Xe nhập vào Mỹ đa số đến từ Mexico - Ảnh: REUTERS
Hiện tại Mỹ áp thuế ôtô nhập khẩu đối với các nước không có hiệp định Thương mại song phương là 2,5% và ở mức 25% đối với xe tải và bán tải.
Năm 2017, Mỹ đã nhập khẩu 8,3 triệu xe trị giá tổng cộng 192 tỉ USD, trong đó 2,4 triệu xe từ Mexico, 1,8 triệu từ Canada, 1,7 triệu từ Nhật, 930.000 xe từ Hàn Quốc và 500.000 từ Đức. Cũng trong năm này, Mỹ xuất khẩu 2 triệu xe với tổng trị giá 57 tỉ USD.
Trong khi đó, Trung Quốc - quốc gia gần đây đang nhắm tới Mỹ như một thị trường xuất khẩu ôtô tiềm năng, cũng khẳng định sẽ bảo vệ lợi ích của mình.
Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc, ông Cao Phong (Gao Feng) cho biết Bắc Kinh phản đối việc lạm dụng điều khoản cho phép điều tra can thiệp hoạt động thương mại vì lý do an ninh quốc gia của Mỹ.
Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thống thương mại đa phương và làm gián đoạn trật tự trao đổi thương mại quốc tế thông thường.
Theo ông, Trung Quốc sẽ giám sát chặt chẽ diễn biến vụ việc đồng thời đánh giá những ảnh hưởng có thể xảy ra để có biện pháp kịp thời bảo vệ những lợi ích chính đáng của quốc gia này.
Hiện Mexico và Canada đang đàm phán lại với Mỹ về Hiệp định Tự do mậu dịch Bắc Mỹ (NAFTA), trong đó các quy định về ôtô là một trong những vấn đề gai góc nhất của cuộc thảo luận. Trong bối cảnh như vậy, cảnh báo thuế ôtô mà ông Trump đưa ra có thể gây sức ép lên hai nước này.
Thật ra, từ khi tranh cử Tổng thống Mỹ, ông Trump liên tục đe dọa áp thuế nhập khẩu mới lên ôtô.
Những ngành công nghiệp cốt lõi như ôtô và phụ tùng ôtô có ý nghĩa sống còn với sức mạnh quốc gia của chúng ta"
Ông Trump tuyên bố vào tối 23-5
Tổng thống Donald Trump (giữa) nói chuyện với các lãnh đạo các hãng ôtô Mỹ như General Motors, lãnh đạo liên đoàn công nhân ngành ôtô United Auto Workers (UAW)... tại TP Ypsilanti, bang Michigan - Ảnh: REUTERS
Ông nhắc lại khả năng này vào hôm 11-5, với ý tưởng đánh thuế 20% đối với ôtô nhập khẩu, tại một cuộc gặp ở Nhà Trắng với lãnh đạo 10 hãng xe lớn - nguồn thạo tin cho biết. Ông Trump cũng nói xe nhập khẩu cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn chặt chẽ hơn về khí thải so với xe lắp ráp tại Mỹ, theo nguồn tin.
Giờ đây ông Trump thậm chí không quên nhắc lại rằng ông làm điều này vì người dân Mỹ theo đúng tinh thần tranh cử "Nước Mỹ trên hết".
Trong dòng Tweet viết trước khi công bố thông tin chính thức, ông Trump đã hứa "sắp có một thông tin mới cho những công nhân Mỹ tuyệt vời của ngành ôtô. Sau nhiều thập niên công việc đã bị di dời ra những nước khác, các bạn đã chờ đợi quá đủ rồi".
Tuy vậy, theo Bloomberg, Mỹ khó có thể viện cớ an ninh quốc gia để đánh thuế một mặt hàng tiêu dùng như ôtô, giống như đã áp thuế lên thép và nhôm - hai nguyên liệu được sử dụng trong các thiết bị quân sự.
Một số chuyên gia cho rằng bước đi nhanh chóng này của chính quyền ông Trump là nhằm lấy lòng giới công nhân Mỹ vốn lâu này theo đảng Dân chủ. Kỳ bầu cử giữa kỳ lại đang sắp đến vào tháng 11 tới…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận