14/11/2017 12:30 GMT+7

Đánh giá cẩn thận việc tăng thuế ở TP.HCM

LÊ THANH
LÊ THANH

TTO - TP.HCM phải cam kết là đã tính toán kỹ chứ không được cái ngắn hạn lại mất dài hạn - bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Đánh giá cẩn thận việc tăng thuế ở TP.HCM - Ảnh 1.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên họp tổ sáng 4-11 - Ảnh: L.THANH

Tại phiên thảo luận tổ về dự thảo nghị quyết về thí điểm cơ chế tài chính đặc thù cho TP.HCM sáng 14-11, bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: "Tinh thần là những vấn đề lâu nay thuộc thẩm quyền của Thủ tướng thì sẽ giao cho TP.HCM để đảm bảo công việc được triển khai nhanh hơn và phù hợp hơn". 

Đó là 5 vấn đề lớn mà TP.HCM được quyền tự quyết: đầu tư; xây dựng; đất đai; tài chính; ngân sách; tổ chức bộ máy thuộc.

Ông Dũng nói thêm: Cơ chế tài chính đặc thù cho TP.HCM phải phù hợp với Hiến pháp các luật hiện hành, song để có những cái vượt khung của luật hiện hành thì mới coi là đặc thù và nổi trội. 

Nói về đóng góp của TP.HCM thời gian qua, theo bộ trưởng Tài chính, thu ngân sách năm 1996 của TP bằng 31,4% của cả nước, đến năm 2006 còn 23,8% và 2016 còn 27,8%. Tuy tốc độ tăng trưởng của TP.HCM cao gấp rưỡi cả nước nhưng tốc độ thu ngân sách và tỉ trọng trong tổng thu ngân sách lại tụt.

Bên cạnh đó, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Tp giai đoạn 2011-2015 cũng giảm 32% so với giai đoạn 2006-2010.

Bộ trưởng nói TP.HCM là đầu tàu kinh tế, trung tâm kinh tế trọng điểm phía Nam, nên Bộ Chính trị kết luận là thí điểm cho TP.HCM làm với một số đặc thù nằm trong tổng thể chung của cả nước, kết hợp hài hòa giữa cái chung và cái riêng.

"Tinh thần là thành phố vì cả nước và cả nước vì thành phố", ông Đinh Tiến Dũng nói.

Cơ chế đặc thù cho TP.HCM: Đầu tàu không thể chậm Cơ chế đặc thù cho TP.HCM: Đầu tàu không thể chậm

TTO - Thảo luận chính sách phát triển TP.HCM, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng tăng nhiều loại thuế có thể làm giảm tính cạnh tranh.

Tăng thuế, phí phù hợp với mức sống của dân

Tại phiên thảo luận tổ, đa phần đại biểu Quốc hội tán thành có các cơ chế đặc thù để TP.HCM phát triển xứng tầm, đóng góp chung cho cả nước.

Đại biểu Lê Hồng Tịnh (Đồng Nai) đề nghị tạo cho TP.HCM một cơ chế thật thông thoáng, trao nhiều quyền hơn, phân cấp mạnh hơn cho TP. Đại biểu Đồng Nai cũng đồng tình để TP.HCM áp dụng cơ chế thu thuế tài sản.

"Tuy nhiên cần tính toán thận trọng mức thu, phương pháp thu, nếu không sau khi ban hành nghị quyết thì thị trường bất động sản khu vực TP.HCM sẽ có nguy cơ sụt. Thuế nhà thì chỉ nên đánh đối với nhà bỏ hoang, mục đích đánh thuế là nhằm đưa bất động sản vào sử dụng", ông Tịnh nói. 

Đại biểu Đàng thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) thì có chút lo ngại về việc cho phép TP.HCM áp dụng một số sắc thuế vượt khung. Bà Hương đề nghị tăng phí, thuế cần bảm bảo phù hợp với mức sống của người dân.

"Riêng với việc TP được để lại một số nguồn thu từ cổ phần hóa, bán tài sản trên đất…, TP cần ưu tiên sử dụng cho giáo dục, y tế, khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường", đại biểu Ninh Thuận góp ý.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trao đổi lại với các đại biểu là sẽ có đánh giá tác động đầy đủ về việc tăng thuế, khẳng định không tăng hết mà chỉ những sắc thuế có tính khả thi như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường.

"Không có chuyện tăng thuế thu nhập doanh nghiệp. Dự báo thuế tài sản có thể được xem xét áp dụng. Còn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia, thuốc lá thì có thể đánh mạnh được", ông Dũng nói.

"Đương nhiên, khi làm các sắc thuế cụ thể, kể cả thuế tài sản, hay kể cả một số sắc thuế có thể sẽ tăng vượt khung thì TP.HCM phải có các đề án rất cụ thể, đánh giá tác động nhiều mặt, trình Chính phủ nghiên cứu để báo cáo Quốc hội. TP.HCM phải cam kết là đã tính toán kỹ chứ không được cái ngắn hạn lại mất dài hạn, nên Quốc hội yên tâm.

Đánh giá cẩn thận việc tăng thuế ở TP.HCM - Ảnh 3.

LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên