27/01/2010 04:11 GMT+7

Đảng trong Dân - kỳ 2: Giỏ cá giữa rừng

PHAM VŨ
PHAM VŨ

TT - Đã 85 tuổi, lưng còng, chân yếu nhưng bà Bảy Cầu (Lê Thị Cầu, Bình Thạnh, TP.HCM) như nhanh nhẹn hẳn, nụ cười móm mém bừng nở và từng lời nói như có thêm sức mạnh khi chúng tôi gợi hỏi về những ngày xưa.

“Cha, ngày xưa tui cũng liều với bầy con tui, không vậy thì sao mà mong độc lập” - bà vung tay, khẳng định như dao chém đá. Rồi bà lui cui lục trong mớ giấy kiếm tờ ố vàng nhất mà bà cất trong nhà như bảo vật: “Thư ông Sáu Mãng, anh tui, gửi ở Côn Đảo nè, thư bà Soi nè. Tội nghiệp, tui không tìm được anh Thuận”... Trong thoáng chốc, cả bà lẫn căn nhà nhỏ trong những con hẻm sâu như lùi về với quá khứ hơn 50 năm.

vPRFB0I0.jpgPhóng to

Bà Bảy Cầu hay lục lọi những lá thư ngày xưa bà Soi gửi cho mình, đọc rồi thỉnh thoảng cười mà rơi nước mắt - Ảnh: Gia Tiến

Kỳ 1: Vết nứt trong ngôi nhà mẹ

Giao con cho Đảng

Ngày ấy, sau hiệp định đình chiến, cô Bảy Cầu đưa mấy đứa con nheo nhóc lên Sài Gòn cùng chồng buôn bán. Cô bỏ lại sau lưng ký ức kinh khiếp về những cuộc tàn sát đẫm máu của quân Pháp với dân quân vùng Bưng Sáu Xã, Thủ Đức. Những tưởng đã có hòa bình, vợ chồng cô yên tâm với gánh hàng nuôi con, nhưng đâu ngờ cuộc kháng chiến lại cứ phải tiếp tục. Rồi một ngày ông Sáu Mãng, anh ruột cô Bảy Cầu, hoạt động trong cục binh vận, đưa đến một người phụ nữ. “Em đảm bảo an toàn cho chị ấy”, nói vậy rồi ông đi.

Người phụ nữ đó nói giọng Bắc, búi tóc sau ót, trẻ hơn cô Bảy Cầu vài tuổi. Cô Bảy thoáng ngỡ ngàng rồi nói: “Coi như cô phụ tui cơm nước, bồng con nghen”. Từ đó lâu lâu lối xóm lại nghe Bảy Cầu lớn giọng la: “Con nhỏ Bắc kỳ này, biểu làm cái này không làm, lại đi làm cái kia”, “Tắm em đi. Lớn mà cứ chiều mấy đứa nhỏ, theo nó đi miết”...

Hôm nay, bà Bảy Cầu vẫn cười ngất khi nhắc lại: “Cha, giải phóng rồi, tui mới biết bả là đại úy của K5 đó nghe, vậy mà hồi đó tui ăn hiếp bả dữ lắm, la hoài à. Vì bả người Bắc, không làm vậy dễ lộ lắm. Nhiều lúc la lớn lên, rồi hai chị em nhìn nhau cười. Tội nghiệp, bả cũng giặt đồ, tắm em bé cho tui như người giúp việc thứ thiệt...”.

Đó là bà Phạm Thị Soi, cán bộ binh vận thuộc Trung ương Cục miền Nam. Sống trong nhà bà Bảy Cầu, khi ấy được gọi là “cơ sở cây chùm ruột”, bà Soi đã có đầy đủ điều kiện hoạt động dưới vỏ bọc hợp pháp: người giúp việc. Cần đi lại, giao liên trong nội thành: gánh hàng rong khi thì trái cây, khi thì cá, thịt của bà Bảy Cầu. Cần tổ chức hội họp: bày chuyện thôi nôi, sinh nhật đám con trẻ của bà Bảy. Cần lối thoát hiểm: khu xóm lao động lúp xúp ở xã Bình Hòa, Bình Thạnh. Cần bình phong khi đi công tác: cứ việc chọn trong đám trẻ nhà bà Bảy, dẫn theo một đứa bé...

Những “đứa bé” ấy nay tóc đã hoa râm, nghe nhắc chuyện cũ chỉ cười: “Hồi đó tụi tui không biết gì, chỉ nghe má dặn đi với dì để dì khỏi bị cảnh sát thổi. Dì kêu mang cái gì, đưa cho ai thì cứ vậy mà làm thôi”. Nhiều lần chồng chờ không thấy con về, sốt ruột cằn nhằn: “Sao lại tin người, giao con vậy mất tích có ngày”, nhưng bà Bảy không thể không chọn cách tốt nhất bởi theo bà: “Cảnh sát nghĩ Việt cộng là phải ốm, đen, quấn khăn rằn, sống một mình chớ không phải phụ nữ nheo nhóc con mọn. Việc tui làm chồng cũng không biết, nhà có mạch, vách có tai mà. Lỡ ổng nhậu nhẹt, say xỉn, lộ ra thì chết hết”.

“Việc mình làm bí mật nhưng phải thật công khai, gặp lính không được giật mình. Mình không sợ nó, tự khắc nó sợ mình”. Vừa tảo tần nuôi bầy con nhỏ, vừa hồn nhiên làm cách mạng, bà tự nhiên đi qua cuộc chiến quên đi sự nguy hiểm cho chính mình và đàn con. “Không vậy làm sao mà độc lập được”, bà nhắc đi nhắc lại lời tâm niệm khắc ghi suốt cả đời.

Rồi một ngày bà Soi bị bắt trong một chuyến công tác. Không hoảng hốt, không lo lắng, bà Bảy Cầu vẫn bỏ tài liệu vào mấy cái vỏ chai, trong gói thịt heo nhét vào gánh hàng đi giao đúng hẹn cho bà bán trầu cau, ông đánh xe ngựa. Sau đó vài ngày bà tìm lên mấy trại giam Chí Hòa, Thủ Đức thăm nuôi bà Soi. “Bả hổng có khai đâu, thân nhau như chị em mà. Thương mấy đứa con tui lắm, bị đày ra Côn Đảo vẫn nhớ tụi nó hoài thôi”. Trong tổ chức lúc ấy có người phê bình, nhưng bà vẫn khăng khăng: “Chị em bị bắt thì phải đi thăm chớ”.

Giỏ cá - cuộc đời

Chiến tranh càng lúc càng ác liệt. Những đợt đàn áp trong các khu “chứa Việt cộng” càng lúc càng khốc liệt. Luật 10/59 đe dọa từng gia đình. Lần lượt từng người đến rồi đi, rồi bị bắt. Ông Sáu Mãng cũng bị bắt, bị kêu án tử và đày ra Côn Đảo, rồi hi sinh. Đứt liên lạc. Cơ sở cây chùm ruột không còn đón được cán bộ nữa, nhưng lòng bà Bảy Cầu vẫn hướng về những người cộng sản.

“Hồi đó tui đã mua được xe hơi, chở cá từ Phan Thiết về Sài Gòn bán. Cứ vài ngày tui lại đi ngang rừng miền Đông. Đi riết rồi quen với mấy đơn vị bộ đội đóng ở đó”. Từ đó, xe đi mua cá của bà Bảy chất thật nhiều nước đá, cứ đi ngang những vạt rừng là xe bà dừng lại. Dưới những cây nước đá, bông băng, thuốc tây, lương thực được khuân ra tiếp tế cho bộ đội. Đến vựa cá Phan Thiết cất hàng, bà không cho ướp cá ngay mà cứ chất đầy ngút các giỏ, mang qua trạm kiểm đếm.

Đếm, vào sổ kiểm hàng xong thì trên thùng xe những giỏ cá lại được san ra, nhét nước đá vào: “Đi ngang rừng, mấy giỏ cá dư làm quà cho bộ đội. Về trạm Long Khánh kiểm tra lại số giỏ của tui còn y, vậy là qua mặt được tụi nó chớ gì, dễ ợt” - bà Bảy Cầu cười, vẫn còn nguyên vẻ khoái trá khi nhắc lại những mánh lới nhỏ ngày ấy bà đã sử dụng để phục vụ cách mạng.

***

Trong ngôi nhà nhỏ này, ký ức của 50 năm trước còn rõ mồn một trong mắt bà. Chiến cuộc là thế, nó qua đi, chỉ còn bà ở lại với phận người một cách lặng lẽ. Sau giải phóng, những người con của bà Bảy Cầu người đi bộ đội, người vào thanh niên xung phong, rồi hơn chục năm nay một người bị u não, ba người phát bệnh tâm thần vì nhiễm chất độc da cam. Những miếng đất của ông bà, tổ tiên còn lại ở quận 9 bà bán lần hồi lo thuốc thang cho con. Cuộc sống khó khăn bà lặng im gánh chịu, thậm chí nhiều lúc khó tới mức con bà phải đi nhận cơm từ thiện của bệnh viện về ăn.

Giờ thì bà hồ hởi hơn: “Mấy đứa bị chất độc da cam được lãnh 182.000 đồng/tháng, tiền có công với cách mạng của tui nay cũng được 403.000 đồng, để dành trả tiền điện, nước, lâu lâu mua mớ cá về kho”. Bà lại lục mớ giấy tờ cũ: “Cô xem cái này đi, hay lắm. Mấy ổng về đây làm chính sách cho tui đàng hoàng. Tội nghiệp, năm 1977 bà Soi về kiếm, ôm tui khóc”...

______________

Có một ngôi nhà cũ nằm sâu trong hẻm Bình Hòa ở đường Nguyễn Văn Đậu vẫn được giữ gìn nguyên trạng mấy chục năm nay. Nơi ấy, thời chiến chủ nhân đã chở che ba nhà lãnh đạo cách mạng VN.

Kỳ tới: Ba lãnh tụ, một ngôi nhà

PHAM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên