15/01/2010 05:24 GMT+7

Đằng sau chiến dịch "đầu độc dư luận" - Kỳ cuối: Mối quan hệ nguy hiểm

N.T. ĐA tổng hợp
N.T. ĐA tổng hợp

TT - Báo L’Humanité mổ xẻ vấn đề văcxin cúm A/H1N1 ở nước Pháp qua bài “Chính phủ và các hãng bào chế: mối quan hệ nguy hiểm”. Trong xã luận ngày 6-1-2010, L’Humanité viết: “Cứ lần theo những sợi chỉ đến cây kim trong vụ tiêm phòng cúm A/H1N1, sự phản biện đối với các cơ quan công quyền vào thời dịch bệnh... tất sẽ trở thành một tố cáo rộng rãi về sự thông đồng giữa các hãng bào chế dược và những người cầm quyền...”.

Kỳ 1: Đằng sau chiến dịch "đầu độc dư luận" Kỳ 2: Nạn nhân của cú lừa “đại dịch”

zTlsw8sg.jpgPhóng to

Nghị sĩ Pháp Bernard Debré tố cáo sự thiếu thận trọng của chính quyền khi dự trữ quá nhiều văcxin cúm A/H1N1 - Ảnh: AP

“Bí mật quốc gia”

Trên báo L’Evénement du Jeudi, tháng 10-2009, bà Bộ trưởng y tế Roselyne Bachelot đã khẳng định: “Không hề có kẻ nào làm tay sai cho các hãng bào chế dược”. Thế nhưng, một trong số chuyên viên mà bà thường xuyên tham khảo ý kiến về dịch cúm là ông Bruno Lina thì lại chẳng xa lạ với công nghiệp dược phẩm.

Vị giáo sư này là trưởng phòng thí nghiệm vi trùng học thuộc Trung tâm Bệnh viện đại học (CHU) ở Lyon, giám đốc đơn vị dịch cúm của Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS), cũng là chủ tịch của GEIC (Nhóm giám định và truyền thông về dịch cúm).

GEIC là một hiệp hội quy tụ ba hãng công nghiệp bào chế văcxin chống cúm A/H1N1 (Sanofi, Novartis, GSK) và nhận 100% tài trợ của các hãng dược phẩm này!

Cuối tháng 10-2009, khi muốn có bản sao nội dung các hợp đồng được ký với bốn hãng bào chế dược được chọn là Sanofi-Aventis của Pháp, GSK của Anh, Novartis của Thụy Sĩ và Baxter của Mỹ, nhật báo Le Point đã bị từ chối thẳng thừng. Lý do đưa ra là nhân danh việc “bảo vệ những lợi ích thiết yếu của nhà nước”.

Thủ tục để đọc được những tài liệu này rất nhiêu khê: Ủy ban tiếp cận các văn kiện hành chính (CADA) ra lệnh trao các hợp đồng này thì Cơ quan chuẩn bị và trả lời các sự việc y tế khẩn cấp (Eprus) mới cho báo chí tiếp cận tài liệu.

Từ các tài liệu, người ta phát hiện các yếu tố quan trọng nhất liên quan đến thể thức thanh toán đã bị che giấu. Trong khi đó, các hãng bào chế dược lại được các điều khoản rất có lợi.

Theo đó, nhà nước đứng ra bảo đảm cho nhà sản xuất thuốc “chống lại mọi hậu quả có thể xảy ra sau này, trong khuôn khổ các chiến dịch tiêm phòng văcxin”. Nói cách khác, nhà nước sẽ là cái khiên được đưa ra đỡ đòn và lo toan mọi việc bồi thường cho nạn nhân.

Cuối tháng 10-2009, trả lời chất vấn của các nghị sĩ quốc hội, bà bộ trưởng y tế đảm bảo: “Giá văcxin cúm A/H1N1 đã được thương lượng không còn gì đúng đắn hơn nữa” nhưng không đưa ra những con số chính xác vì “bí mật quốc gia”.

Thế nhưng, những tài liệu nhỏ giọt do Eprus cung cấp cũng đủ cho phép thiết lập giá mua mỗi liều văcxin: với GSK là 7 euro trừ thuế, với Sanofi là 6,25 euro trừ thuế, với Novartis là 9,34 euro trừ thuế, còn với Baxter là 10 euro trừ thuế.

Thượng nghị sĩ François Autain thuộc cánh tả nhận xét: giá như thế là “cao hơn nhiều so với giá văcxin ngừa cúm mùa vốn chỉ 5,29-6,79 euro một liều”.

Trong khi đó, ở Anh, chính phủ đã mua được văcxin ngừa cúm A/H1N1 với giá là 5 bảng một liều, bằng giá với văcxin ngừa cúm mùa.

Chính phủ chậm 4 tháng, hãng dược có tiền tỉ

Tháng 7-2009, Jean-Claude Manuguerra, giám đốc Viện Can thiệp sinh học khẩn cấp thuộc Viện Pasteur, đã biện minh cho lượng văcxin nhiều hơn dân số như sau: “Phác đồ bắt buộc là tiêm phòng hai liều mỗi người, cách nhau ba tuần”.

Giáo sư Marc Gentilini đã thú nhận ông hết sức xấu hổ trước những gì chính phủ huy động để đối phó với dịch cúm A/H1N1 so với các nước khác trên thế giới. Cũng trong mùa hè 2009, các chuyên gia đã lên tiếng về sự nghi ngờ của họ với việc sử dụng hai liều văcxin.

Tháng 9, Chris Viehbacher, tổng giám đốc Hãng Sanofi, còn tuyên bố: “Tại châu Âu cũng như tại Mỹ, chính quyền có lẽ chỉ nên chọn giải pháp một liều thôi”. Tháng 11, Cơ quan dược phẩm châu Âu khẳng định chỉ một liều là đủ.

Nhưng chỉ đến tháng 1-2010, bà Roselyne Bachelot mới quyết định hủy hợp đồng 50 triệu liều văcxin. Chính phủ đã phải mất hơn bốn tháng mới có phản ứng.

Báo chí nghi ngờ: phải chăng chính phủ sợ làm ngược ý các hãng dược phẩm? Theo nhật báo kinh tế Les Echos, trong quý 4-2009, cúm A/H1N1 đã đem lại cho Hãng GSK 1,6 tỉ euro doanh thu bổ sung, cho Hãng Sanofi 500 triệu euro và Hãng Novartis 400-700 triệu euro.

Một minh họa khác cho sự “hào phóng” công quỹ của chính phủ đối với các hãng bào chế dược: mua hai triệu mặt nạ cũng như đặt mua lượng thuốc đề kháng virus (nhất là hai loại thuốc Tamiflu và Relenza).

Với 33 triệu liều, nước Pháp sẽ nắm giữ 1/3 các kho lưu trữ toàn cầu. Trong khi đó, trái với những gì chính phủ đã nói, việc chỉ định sử dụng thuốc Tamiflu trong trường hợp dịch cúm A/H1N1 là chưa hề có sự thống nhất giữa các chuyên gia y tế.

Ngày 5-1 vừa qua, trong một tuyên bố, hội đồng các bác sĩ đa khoa và hội y học tổng quát khẳng định họ không đề nghị sử dụng Tamiflu, đồng thời đưa ra “những dữ liệu cho thấy có rất nhiều tác dụng không mong muốn” từ loại thuốc này.

Còn Roche, hãng sản xuất thuốc Tamiflu, đã có doanh thu 2,7 tỉ euro năm 2009!

Diễn biến “đại dịch” cúm A/H1N1

- Đầu tháng 3-2009, khoảng 60% người dân thị trấn La Gloria ở Veracruz, Mexico, bị ốm do một căn bệnh lạ. Đến ngày 17-3, những ca đầu tiên được xác định là do cúm A/H1N1 có nguồn gốc từ heo gây ra.

- Ngày 12-4-2009, chính quyền Mexico thông báo trận dịch cho Tổ chức Y tế liên Mỹ, là văn phòng khu vực của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Một phụ nữ 38 tuổi chết ở thành phố San Luis Potosi.

- Ngày 24-4-2009, WHO đưa ra thông báo bùng phát dịch đầu tiên, khẳng định “virus cúm heo A/H1N1 trước đó chưa từng thấy ở người hoặc heo”. Tổng giám đốc WHO Margaret Chan xác định mức báo động dịch ở giai đoạn 3.

- Ngày 25-4-2009, lần đầu tiên Ủy ban khẩn cấp của WHO họp. Tổng giám đốc WHO chính thức công bố “một trường hợp y tế khẩn cấp gây quan ngại ở tầm quốc tế”.

- Ngày 27-4-2009, Ủy ban khẩn cấp tiếp tục họp. Tổng giám đốc WHO tuyên bố mức báo động dịch lên giai đoạn 4 (virus lây từ người sang người, dẫn đến các ổ dịch ở cấp độ cộng đồng).

- Ngày 29-4-2009, chín nước công bố 148 trường hợp nhiễm cúm A/H1N1. WHO nâng mức báo động lên giai đoạn 5 (virus lây từ người sang người, lan sang ít nhất hai nước).

- Ngày 11-6-2009, WHO nâng mức báo động dịch lên giai đoạn 6 (đại dịch toàn cầu đang diễn ra).

- Ngày 27-12-2009, WHO thông báo ít nhất 12.220 người trên toàn thế giới chết do cúm A/H1N1. Tuy nhiên, cũng chính WHO ước tính cúm mùa thông thường cướp đi sinh mạng của 250.000-300.000 người trên toàn thế giới mỗi năm.

------------------------------

Khởi đăng hồ sơ: Những bí ẩn trong đời một “Việt Minh”

Câu chuyện cảm động từ nước Nga: những bí mật của cuộc đời một người Nga từng là “Việt Minh” trong chiến tranh Việt Nam. Đó là hành trình tự tìm tòi chân lý, là sự thức tỉnh của những giá trị hòa bình và lòng thương yêu con người. Phóng viên Tuổi Trẻ đã trò chuyện cùng con gái ông tại Matxcơva...

N.T. ĐA tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên