Các cô nuôi dạy trẻ thật trẻ trung so tài năng khiếu tại cuộc thi “Người ươm mầm” - Ảnh: Q.L.
Trải nghiệm ấy còn khá mới mẻ với các cô nuôi dạy trẻ đến từ 113 trường mầm non ngoài công lập trên địa bàn TP.HCM tại cuộc thi Người ươm mầm vừa kết thúc.
Cửa ải đầu tiên phải bước qua là khối kiến thức tổng hợp trong bài thi 50 câu hỏi mà có cô thú thật chỉ biết được chừng một nửa đáp án. Rồi bài thi sáng tạo đồ dùng dạy học cho trẻ mầm non từ vật liệu tái chế sao cho vừa sinh động, vừa hấp dẫn, mang tính giáo dục cao và đặc biệt chỉ có... 60 phút để hoàn thành sản phẩm cũng là phần thi không dễ chút nào.
Nhưng điều làm ban giám khảo cân đo nhiều nhất, khổ tâm nhất chính là clip một tiết lên lớp của các cô. TS Nguyễn Ngọc Quỳnh Giao (trưởng khoa giáo dục mầm non Trường ĐH Sài Gòn) đánh giá đó không chỉ là nỗ lực của từng cá nhân mà chính là tâm huyết của tập thể sư phạm nhà trường đằng sau thành phẩm ấy.
"Clip nào cũng công phu và đầy sức thuyết phục, làm khó ban giám khảo. Và tôi thấy rõ tình yêu nghề, sự lao động nghiêm túc của từng cô cùng nhà trường khi đến với cuộc thi này" - TS Quỳnh Giao nhận xét.
Không nghiêm túc sao được khi sân chơi cho các cô còn quá thiếu, cơ hội giao lưu giữa các đồng nghiệp chưa có con nhưng đã chọn làm mẹ hàng chục đứa trẻ ấy gần như đếm trên đầu ngón tay.
Các bà mẹ trẻ ấy không đến dự thi trong tâm thế một thí sinh, mà đến bằng thao thức nói với mọi người về cái nghề cao quý họ đã chọn.
Nếu xem giáo dục là ưu tiên hàng đầu, việc chọn lựa giáo viên mầm non phải làm thật kỹ vì đó là những ngày đầu tiên con trẻ chập chững làm quen môi trường học đường với dấu ấn đầu đời khó phai mờ.
Có lẽ không quá khi gửi một lời khen cho nỗ lực của Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên (Thành đoàn TP.HCM) vì đã kiến tạo sân chơi này. Con số minh chứng rõ nhất là nếu lần đầu chỉ có hơn 200 cô giáo dự thi thì ở lần thứ hai tổ chức năm nay, con số 389 cô giáo dự thi chỉ là số chốt sổ, ban tổ chức cho biết phải ngậm ngùi hẹn hơn 60 cô giáo khác ở lần thi sau do các trường gửi hồ sơ trễ.
Thật chia sẻ khi nghe tên mình được xướng lên ở vị trí cao nhất, cô giáo Hoàng Thị Thu Nguyệt (Trường mầm non Bé Yêu, huyện Bình Chánh) bật khóc ngon lành.
"Ngay lúc đó, mình nghĩ đến tập thể nhà trường, đến các đồng nghiệp của mình và nhất là nhớ lại quãng thời gian 9 năm theo nghề đến nay. Mình không hình dung hết vất vả lúc chọn nghề, càng không nghĩ một ngày lại được vinh danh với chính công việc ấy, nhưng càng làm càng yêu và gắn bó với các con" - cô Thu Nguyệt bộc bạch.
Còn TS Nguyễn Ngọc Quỳnh Giao lý giải theo góc nhìn của mình, rằng mỗi cô đặt bút đăng ký dự thi đã cho thấy sự can đảm, cách các cô xử lý tình huống đặt ra trong cuộc thi chứng minh rõ tình yêu nghề của họ. "Mong mỗi cô giữ mãi tình yêu này, xứng đáng trở thành người ươm mầm" - bà Giao nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận