Phóng to |
Ông Nguyễn Anh Liên - chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong VN - cho rằng: “Vai trò lãnh đạo của Đảng phải đi đôi với việc chịu trách nhiệm của Đảng trước nhân dân, đồng thời phải nói rõ nhân dân có quyền và có vai trò gì đối với Đảng. Đảng lãnh đạo thì đường lối, chủ trương của Đảng phải được nhân dân phản biện xem có hợp lòng dân không? Đảng lãnh đạo thì tổ chức Đảng, đảng viên phải chịu sự giám sát của nhân dân. Đảng lãnh đạo thì nhân dân phải có quyền chất vấn cả tổng bí thư, Bộ Chính trị liên quan đến những vấn đề của đất nước”.
Cần luật hóa
GS.TS Nguyễn Lân Dũng - phó chủ tịch Hội Liên lạc với người VN ở nước ngoài - đặt vấn đề: “Tôi cho rằng hoàn cảnh nước ta khác với nhiều nước vì chúng ta chỉ có duy nhất một đảng lãnh đạo, Đảng do Hồ Chủ tịch sáng lập và trải qua tám thập kỷ lãnh đạo nhân dân. Điều 4 đã được bổ sung nội dung “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”, cùng với quy định “mọi tổ chức Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”, nếu làm được như vậy thì nhân dân sẽ thấy sự tồn tại và sự lãnh đạo của Đảng không có vấn đề gì. Nhưng tôi lại lo rằng đã ghi vào Hiến pháp mà không thực hiện được thì lại vi hiến, mà vi hiến là rất nặng. Trong quá trình hoạt động, chắc gì mọi quyết định của Đảng đều đúng, và trong số hơn 3 triệu đảng viên thì đã có một bộ phận không nhỏ suy thoái, biến chất”.
PGS.TS Trần Văn Tá - chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề VN - góp ý: “Tôi tán thành các nội dung được bổ sung trong dự thảo. Nhưng vấn đề đặt ra là cơ chế và cách thức giám sát của nhân dân đối với Đảng như thế nào? Cơ chế và cách thức để Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân ra sao? Những nội dung này phải được luật hóa, tức là phải ban hành luật về hoạt động của Đảng hoặc luật về sự lãnh đạo của Đảng, nếu không quy định trong Hiến pháp sẽ trở thành khẩu hiệu, hình thức mà không được thực thi trong cuộc sống”.
Đồng tình, GS Nguyễn Quang Thái - tổng thư ký Hội Khoa học kinh tế VN - phân tích: “Có luật riêng về hoạt động của Đảng thì sẽ quy định được nghĩa vụ, trách nhiệm của Đảng trước dân tộc. Như Tổng bí thư nói là một bộ phận không nhỏ suy thoái, biến chất, tức là Đảng đang có vấn đề đấy chứ. Có một đạo luật về hoạt động của Đảng để giám sát, kiểm soát thì sẽ giảm cái bộ phận không nhỏ ấy đi”.
Nhân dân phúc quyết
Nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình với quan điểm Hiến pháp phải do nhân dân phúc quyết bởi đây là quyền đã được thừa nhận rộng rãi trên thế giới. “Dứt khoát quyền phúc quyết phải thuộc về nhân dân, không thể để Quốc hội quyết định vấn đề này như dự thảo” - GS Thái kiến nghị.
Về cơ chế bảo hiến, tất cả ý kiến phát biểu tại hội nghị đều không đồng tình với dự thảo là hội đồng bảo hiến chỉ có chức năng tư vấn. “Không nên lập hội đồng bảo hiến để khuyên nhủ ai cả, phải lập tòa án hiến pháp để phán xét các trường hợp vi hiến” - TS Tạ Minh Lý, chủ tịch Hội Bảo trợ pháp lý cho người nghèo, kiến nghị. GS.TS Trần Quỵ - chủ tịch Hội Y dược học VN - nói thêm: “Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ... mà không thực hiện đúng Hiến pháp thì phải có một cơ quan đứng ra phán xét. Cơ quan này phải độc lập chứ không phải là cơ quan tư vấn có chức năng như một ủy ban của Quốc hội”.
Lắng nghe nhân dân để chắt lọc tinh hoa trí tuệ Sáng 27-2, Chủ tịch Quốc hội - Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 Nguyễn Sinh Hùng đã nhấn mạnh như vậy tại buổi làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội về công tác tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. “Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân cũng nhằm thể hiện sự trân trọng, lắng nghe tất cả ý kiến của nhân dân, chắt lọc, tổng hợp tinh hoa trí tuệ và ý chí của người dân. Từ đó thu thập, tổ chức thảo luận ở hội đồng nhân dân các cấp và ở Quốc hội” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định. Tại buổi làm việc, ông Đinh Thế Huynh - trưởng Ban Tuyên giáo trung ương - lưu ý TP Hà Nội cần tổ chức lấy ý kiến thêm tại các khu công nghiệp, tổng hợp ý kiến của công nhân, người lao động đang sinh sống và làm việc trên địa bàn. * Sáng cùng ngày, Sở Tư pháp TP.HCM đã tổ chức hội nghị các cán bộ, công chức sở để lấy ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Về các trường hợp thu hồi đất quy định tại điều 58 dự thảo Hiến pháp, nhiều ý kiến cho rằng Hiến pháp chỉ nên quy định Nhà nước thu hồi đất có bồi thường trong các trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh chứ không nên mở rộng thêm “hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội”. Theo các đại biểu, việc mở rộng các trường hợp thu hồi đất (vì mục đích kinh tế - xã hội) dễ dẫn đến tình trạng trường hợp nào cũng có thể bị thu hồi đất. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận