09/08/2023 09:32 GMT+7

Đang làm công nhân, nhận tin đỗ thủ khoa

Mấy hôm nay căn nhà nhỏ của Phượng đón thầy cô, bạn bè và hàng xóm đến chia vui khi hay tin cậu học trò nghèo thủ khoa khối C tỉnh Thái Nguyên.

Ngoài thời gian đi học, làm thêm, Phượng tự tay chăm mảnh vườn trồng cỏ nuôi con bò giống trong nhà - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Ngoài thời gian đi học, làm thêm, Phượng tự tay chăm mảnh vườn trồng cỏ nuôi con bò giống trong nhà - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Xin vào khu công nghiệp làm công nhân thời vụ, quần quật từ sáng đến đêm muộn, Phượng hầu như chẳng nhìn được chút ánh nắng mặt trời, cũng không ý thức được về thời gian. Thời khắc ấy bạn nhận ra chỉ có học mới có thể giúp mình thoát khỏi đời lao động thời vụ bấp bênh.

Thủ khoa đi làm công nhân thời vụ, nuôi ước mơ vào giảng đường

7h sáng, Ngô Văn Phượng (huyện Phú Bình, Thái Nguyên) trở về nhà sau gần 10 tiếng liên tục đứng làm ca đêm. Gương mặt phờ phạc vì thiếu ngủ, người mệt lả, giọng Phượng như lạc đi: "Làm công nhân thời vụ vất vả thật rồi nhưng em phải cố gắng thôi, làm lâu dần cũng thành quen, gắng gượng đến ngày nhận lương".

Mỗi chúng ta không ai chọn được nơi mình sinh ra nhưng nếu biết cố gắng "đi qua dông bão", hướng về tương lai, vững vàng đi tới mục tiêu sẽ đến với bến bờ hạnh phúc.
NGÔ VĂN PHƯỢNG

Thi xong đi làm công nhân thời vụ

18 tuổi, Ngô Văn Phượng đã có kinh nghiệm làm công nhân thời vụ tại khu công nghiệp vào dịp hè. Những ngày ôn thi tốt nghiệp, Phượng thấy có nhiều người đứng ở cổng trường phát tờ rơi tuyển dụng, cậu cũng đón lấy một tờ rồi cất kỹ càng. Vừa hoàn thành kỳ thi, Phượng gọi ngay cho số hotline ghi trên tờ rơi tuyển dụng và được hẹn đến "nhà thời vụ".

"Ban đầu mình cũng sợ bị lừa, nhưng vẫn đánh bạo rủ đứa em họ đi cùng. Đến thì thấy "nhà thời vụ" gần cổng khu công nghiệp nên cũng yên tâm phần nào. Sau đó, hai anh em được nhận vào làm việc luôn", Phượng kể.

Gương mặt trầm buồn, hiếm lắm người khác mới thấy Phượng cười. Công việc thời vụ bạn đang làm với thu nhập mỗi ngày chừng 200.000 đồng, nếu tăng ca sẽ được nhiều hơn. Những ngày tập tành vào đời công nhân, tan ca về đến nhà, đôi chân Phượng run rẩy vì gần như phải đứng liên tục trong dây chuyền sản xuất.

Tuần ca ngày, tuần ca đêm, giấc ngủ cũng khó trọn vẹn, cứ nghỉ ngày nào mất tiền công ngày đó. Chỉ sau buổi đầu tiên, đứa em họ không trụ được đã xin nghỉ, còn Phượng vẫn trụ vững đến hôm nay. Đi làm vất vả, khó nhọc khiến chàng trai nhà nghèo càng thấm thía giá trị của lao động, quý đồng tiền hơn.

Cũng vì gia cảnh quá khó khăn mà hồi đầu năm lớp 12, Phượng từng chông chênh trước ngã rẽ cuộc đời. "Mình nên bước tiếp hay dừng lại?", câu hỏi ấy khiến Phượng nhiều đêm day dứt không ngủ được. Nhưng nghĩ kỹ, Phượng càng quyết tâm phải đến trường vì chỉ như thế mới mong có công việc ổn định, phụ giúp gia đình.

Hơn hai tuần thấy cháu ngoại đi sớm về khuya, bà ngoại Nguyễn Thị Thái (85 tuổi) rất lo cho sức khỏe của Phượng. Bao nhiêu đêm Phượng đi làm là bấy nhiêu đêm bà không ngủ được. Từ nhà đến khu công nghiệp gần chục cây số, dù dặn cháu cứ đi thong thả vì xe cộ ngoài đường rất nguy hiểm nhưng lòng bà nào yên. 

"Tôi có nói hay đừng làm nữa nhưng cháu động viên ngược lại bà đừng lo, cháu lớn rồi sẽ biết tự chăm sóc mình", bà Thái kể.

Bà ngoại Phượng lo không ngủ được vì chưa biết lấy tiền đâu cho cháu đi học - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Bà ngoại Phượng lo không ngủ được vì chưa biết lấy tiền đâu cho cháu đi học - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Vừa mừng vừa lo khi đỗ thủ khoa

Với 29 điểm (văn 9 - sử 10 - địa 10), là thủ khoa khối C tỉnh Thái Nguyên, nhưng Phượng thật thà nói không bất ngờ lắm vì thi xong, xem đáp án chính thức thấy gần như trùng khớp hết.

Ngồi trên chiếc giường cũ kỹ kê ở gian ngoài, mỗi lần có ai đến thăm, bà ngoại Phượng lại đưa tay quệt nước mắt. Bà mừng với kết quả của cháu nhưng thật tình: "Tôi lo lắm, đêm hôm không ngủ được vì lấy tiền đâu cho cháu đi học".

Phượng sinh ra đã không nhận được tình thương của bố, mẹ bị di chứng chất độc da cam vốn không được minh mẫn. Bà ngoại dồn hết tình yêu thương, bảo bọc đứa cháu tội nghiệp từ khi mới lọt lòng. Khi còn sức khỏe và làm lụng được, bà Thái nuôi con bò, con heo trong nhà. Nhưng heo rớt giá, nhà giờ chỉ nuôi mỗi con bò giống. Nếu Phượng sắp tới đi học mà mắt bà kém dần, lưng ngày mỗi còng, lấy ai lo cho cháu cả chặng đường dài?

Ngồi trong góc nhà, bà Ngô Thị Hoa (49 tuổi, mẹ của Phượng) lén nhìn con trai rồi tủm tỉm cười một mình. Dù không được tỉnh táo như người khác nhưng người mẹ ấy quả quyết phải cho con đi học. "Thương chứ, không có tiền thì vay nợ. Mình sẽ bán heo, làm ruộng để trả nợ", bà Hoa nói.

Dụi đôi mắt trũng sâu sau ca làm đêm dài, Phượng nói đừng lo lắng nhiều vì bản thân đã lớn, đã có thể thay bà, thay mẹ gánh vác mọi chuyện. Chính gia cảnh như thế đã thúc bạn nỗ lực suốt 12 năm đến trường. Không đi học thêm, tranh thủ vừa học vừa làm nên ngay từ nhỏ bạn đã tự ý thức học hành, tận dùng tài liệu học tập, học hỏi thêm từ thầy cô, bạn bè.

Phượng đã đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội). Anh chàng cũng đã tính phương án vay Ngân hàng Chính sách xã hội để trang trải học phí năm đầu tiên khi trúng tuyển. Rồi khi lên thủ đô sẽ tìm chỗ làm thêm để tự trang trải cuộc sống. Còn trước mắt, cứ cố thêm được ngày nào làm công nhân thời vụ đỡ ngày đó để có ít tiền trang trải sinh hoạt phí.

Phượng chững chạc hơn bạn bè đồng trang lứa. Đã có lúc Phượng chạnh lòng vì không có gia đình trọn vẹn. Nhưng có là gì khi Phượng còn ngoại, còn mẹ luôn ở bên, yêu thương và chở che. Chính điều ấy đã dìu Phượng đi qua những khúc ngoặt của cuộc đời, hun đúc trong bạn trái tim nhân hậu, biết yêu thương người xung quanh.

Đăng ký học bổng Tiếp sức đến trường 2023

Có bốn nội dung cần cung cấp khi truy cập vào đường dẫn đăng ký học bổng Tiếp sức đến trường 2023. Ứng viên cần điền chính xác, cung cấp hình ảnh căn cước công dân, quá trình học tập, điểm trung bình lúc học THPT, điểm thi ba môn xét tuyển đại học, cao đẳng ở phần Thông tin cá nhân.

Phần Thông tin về gia đình, các bạn chia sẻ cụ thể hoàn cảnh gia đình, nêu lý do ứng tuyển học bổng. Sau đó, ở phần Bạn hãy giới thiệu về bản thân mình, xin vui lòng nói về nỗ lực của bản thân trong quá trình học tập. Cuối cùng phần Đáp đền tiếp nối, chúng tôi muốn lắng nghe chia sẻ của các bạn về dự định tương lai.

Báo Tuổi Trẻ nhận hồ sơ đến hết ngày 10-10-2023. Đăng ký học bổng TẠI ĐÂY.

Bạn đọc ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ: 113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể Tỉnh/Thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ: Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM; Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM với Swift code BFTVVNVX007.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể Tỉnh/Thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.

Các bạn đăng ký học bổng Tiếp sức đến trường 2023 TẠI ĐÂY

Các bạn đăng ký học bổng Tiếp sức đến trường 2023 TẠI ĐÂY

Chuyện kể của 20 năm Tiếp sức đến trườngChuyện kể của 20 năm Tiếp sức đến trường

20 năm Tiếp sức đến trường, chúng tôi bắt đầu chương trình mới mà lòng không thôi ngạc nhiên. Ngần ấy thời gian đã đi qua, cả một thế hệ đã đi tới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên