Sân bay Toulouse của Pháp vừa bị bán gần nửa cho một tổ hợp Trung Quốc - Ảnh: Reuters |
Chính phủ đang bán từng phần nước Pháp. Khi mọi căn hộ bị bán sạch thì người ta không còn là chủ sở hữu của nó nữa |
Nghị sĩ Gilbert Collard |
Vụ bán “phân nửa” sân bay địa phương Toulouse cho một tập đoàn Trung Quốc vừa được thông báo ngày 4-12. Đúng một tuần sau đó, đại diện Chính phủ Pháp lại tuyên bố sẽ “tư nhân hóa” tiếp sân bay Lyon và Nice - hai sân bay địa phương có cỡ của Pháp.
Trong chương trình tư nhân hóa các sân bay ở Pháp, chính quyền cho biết muốn bán đi 5-10 tỉ euro cổ phần của mình trong số 110 tỉ đang nắm giữ và sẽ thực hiện việc này trong 18 tháng tới.
Bộ trưởng kinh tế Pháp Emmanuel Macron từng xác nhận với nhật báo Le Monde vào giữa tháng 11 vừa qua rằng Paris sẽ nhượng quyền các sân bay địa phương trước và một số công ty nhà nước, thậm chí còn tính khả năng bán cổ phần sở hữu tại công ty điện lực và xổ số.
Cả nước sục sôi
Điều khiến nhiều nhà chính trị và dân Pháp bực tức là các nhà đầu tư Trung Quốc vẫn được chào đón nếu họ có tiền. Trên tờ báo địa phương Le Progrès ngày 11-12, thị trưởng Lyon Gérard Collomb không giấu giếm khả năng bán cho Trung Quốc “nếu họ mở được đường bay đến Thượng Hải hoặc Bắc Kinh thì cũng có thể thương lượng được chứ”.
Theo ông, nhà đầu tư nào muốn mua quyền kiểm soát sân bay Lyon thì buộc phải trình được khả năng mở thêm các đường bay mới.
Tuy thế, người dân nói chung đều bực tức và lo sợ vì tư nhân hóa những lĩnh vực yết hầu sẽ dễ khiến bị thao túng. Chẳng hạn khi sân bay bị tư nhân hóa thì người tiêu dùng dễ bị bắt chẹt với giá dịch vụ cao lên. Câu chuyện nhượng quyền thu phí xa lộ ở Pháp vẫn còn đó.
Bộ trưởng kinh tế Pháp đã tìm cách hạ nhiệt khi trả lời phỏng vấn báo chí rằng đó không phải là chuyện tư nhân hóa mà là mở cửa gọi vốn đầu tư nhưng phía nhà nước và sở hữu địa phương vẫn giữ quyền kiểm soát quá bán (50,01%).
Sợ bị ăn cắp
Nhưng trong vụ bán sân bay Toulouse, nhiều nhà chính trị địa phương quan ngại hơn cả là chuyện bảo vệ bí mật công nghệ vì nơi đây có trụ sở của Hãng Airbus và các máy bay mới của Airbus vẫn thường được thử nghiệm tại sân bay Toulouse.
Ông Jean-Louis Chauzy, chủ tịch Hội đồng Kinh tế xã hội môi trường vùng (Ceser), nói thẳng lý do mình không đồng ý có tập đoàn Trung Quốc thò mũi vào.
Trên tờ La Dépêche du Midi, ông Chauzy phát biểu: “Theo các thông tin chúng tôi có được thì Chính phủ Trung Quốc đứng sau lưng tập đoàn bỏ tiền mua cổ phần của sân bay Toulouse. Tôi thấy điều này rất nghiêm trọng: cái bẫy giăng ra đang từ từ khép lại”.
Không ít chính khách Pháp yêu cầu chính phủ nêu ưu tiên bán cổ phần của sân bay cho đối tác châu Âu hơn là Trung Quốc. Nghị sĩ Bernard Keller cho rằng phần gọi thầu của hai đối tác Aéroports de Paris và Vinci thậm chí còn “hữu lý hơn và quan tâm đến môi trường hơn” là đối tác Trung Quốc.
Thượng nghị sĩ Pháp - bà Marie-Noëlle Lienemann - đả kích thẳng bộ trưởng kinh tế: “Macron tưởng mình đang ở Hi Lạp, nơi mà chính phủ bán mọi cảng biển cho Trung Quốc để khỏa lấp những thâm thủng ngân sách ngày càng nặng”.
Nhân dịp này, Đảng cực hữu Mặt trận quốc gia đương nhiên cũng lên tiếng mạnh mẽ. Bà chủ tịch đảng Marine Le Pen chỉ trích quyết định của chính phủ là “lỗi lầm hàng đầu đối với lợi ích của nước Pháp và lỗi này càng gây sốc hơn khi người ta biết chính phủ ưu tiên cho đối tác Trung Quốc hơn là đối tác Pháp”.
Ông Laurent Herblay, chuyên gia về kinh tế - chính trị của Pháp, bình luận: “Trung Quốc muốn lập hãng máy bay cạnh tranh với Boeing và Airbus. Họ mua sân bay Toulouse như thế là quá rõ ý đồ. Xét theo quá khứ chuyên ăn cắp công nghệ và sao chép của Trung Quốc, nước Pháp quả là điên mới dành cho họ đài quan sát thuận lợi như thế để dòm ngó Airbus”.
Rồi ông kết luận: “Chính phủ đã thật sai lầm khi bán các dịch vụ công như sân bay và càng sai lầm hơn khi bán mấy món đó cho Trung Quốc”.
Lao động Trung Quốc giành việc của Mỹ Trong hơn 10 năm, từ 2001-2013, lao động Trung Quốc đã giành được 3,2 triệu việc làm trên toàn nước Mỹ. Báo cáo của Viện Chính sách kinh tế Mỹ công bố hôm 11-12 cho thấy 3/4 trong số đó (2,4 triệu việc làm) thuộc lĩnh vực sản xuất. Cũng theo đó, tính từ thời điểm Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2001, cơ hội việc làm cũng như thu nhập của người lao động Mỹ đã bị “mòn” dần. Tình trạng lao động Mỹ cạnh tranh việc làm dữ dội với lao động Trung Quốc diễn ra tại tất cả các bang nước Mỹ và ở nhiều ngành nghề. Nhưng đáng kể nhất là hai lĩnh vực máy tính và điện tử khi 1.249.100 việc làm (39,6%) rơi vào tay lao động Trung Quốc. Các bang chịu ảnh hưởng nhiều nhất là California, Texas, Oregon, Massachusetts và Minnesota. Trong đó California đứng đầu với 560.000 việc làm bị “thất thoát”. Theo hai tác giả của báo cáo nghiên cứu Robert Scott và Will Kimball, “sự cạnh tranh với nguồn nhân lực giá rẻ ở các nước kém phát triển hơn như Trung Quốc đã làm hạ thấp mức lương người lao động trong ngành sản xuất Mỹ. Nó cũng làm giảm mức lương và quyền lợi của nguồn nhân lực tương đương chưa qua đại học trong toàn bộ nền kinh tế (Mỹ)”. Trong khoảng từ năm 2001-2013, thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Trung Quốc tăng 240,1 tỉ USD. Như vậy trung bình mỗi năm mức thâm hụt là 21,8 tỉ USD. Cũng khi ấy, việc phải chấp nhận mức lương thấp hơn đã khiến người lao động Mỹ thiệt mất 37 tỉ USD. Nghị sĩ Tim Ryan của bang Ohio (nơi mất 106.400 việc làm) nhận định: “Việc phát triển kinh tế địa phương của chúng tôi sẽ rất khó khăn khi các chính sách kinh tế vĩ mô như hoạt động giao dịch thương mại với Trung Quốc đang thật sự đặt chúng tôi vào tình thế rất bất lợi, gây thất thoát thu nhập của người lao động trong cộng đồng mình”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận