Ông Sơn trong phim "Về nhà đi con" là một trong những người đàn ông Việt hiếm hoi trên màn ảnh nhỏ để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả.
Phim ảnh là một kênh cực kì quan trọng tác động đến nhận thức của con người. Tôi nghĩ rằng ngoài việc phản ánh hiện thực cuộc sống, phim ảnh cần tạo ra những nhân vật khiến khán giả cảm thấy muốn học hỏi theo.
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng
Hình ảnh người đàn Việt Nam trên phim truyền hình hiện nay được xây dựng với đầy rẫy thói hư tật xấu: gia trưởng, bạo lực, ngoại tình, nhu nhược…
Phim Việt vẫn có nhân vật nam tốt, tuy nhiên, chúng ta đang rất thiếu những hình mẫu nam nhân khiến khán giả yêu mến và muốn học hỏi theo. Vì sao lại như vậy?
Khán giả thích phim "giật tóc móc mắt"?
Hầu hết các biên kịch mà Tuổi Trẻ Online đặt câu hỏi đều khẳng định phim truyền hình đề tài gia đình đang chiếm ưu thế. Ở đó mối quan hệ mẹ chồng và nàng dâu; chồng, vợ và người thứ ba rất phổ biến vì dễ tạo được kịch tính cho phim.
Với đề tài gia đình, khi chọn nhân vật nữ là trung tâm, thì đàn ông khó có thể tránh vai "ác" gây sóng gió cho cuộc đời nhân vật nữ.
Các đoạn trích để "viral" phim bây giờ chủ yếu là tình huống "giật tóc móc mắt" giữa mẹ chồng và nàng dâu, vợ và chồng. Các clip này view rất cao cho thấy khán giả thực sự quan tâm.
Cảnh Thái đánh bồ trong phim "Hoa hồng trên ngực trái" được cắt ra để truyền thông trên mạng xã hội trước tập phim phát sóng.
"Cũng khó có thể đổ lỗi cho nhà sản xuất phim, vì có cầu, ắt có cung. Cung và cầu tác động qua lại. Nhà sản xuất cần rating, họ tạo ra những nhân vật nam bạo lực hay nhu nhược nhằm thỏa mãn nhu cầu của chính người xem.
Người xem, một mặt muốn bài trừ cái xấu, nhưng một mặt lại tò mò với cái xấu", biên kịch Hà Anh Thu (tác giả kịch bản phim truyền hình Cuộc chiến hoa hồng, Bí mật Eva) cho biết.
Một người làm việc trong lĩnh vực sản xuất phim lâu năm ở phía Nam nhận định phim Việt đang bắt chước các phim của Thái Lan, Philippines đẩy cái ác lên tận cùng để tạo bi kịch nhằm gây chú ý.
"Tôi hơi lo ngại về chuẩn người đàn ông đích thực do phim truyền hình Việt tạo ra hiện nay có thể khiến những cô gái đánh giá cao người đàn ông ở quyền lực, tiền bạc, vẻ bề ngoài, hơn là con người thật sự của anh ta", người này nói.
Viết về người tốt ai xem?
Những biên kịchTuổi Trẻ Online phỏng vấn cho biết, khi bí đề tài, khi không thể làm được gì hay, thông thường các nhà làm phim sẽ cho nhân vật giật tóc móc mắt để gây ấn tượng với người xem.
Phim Hàn có xây dựng nhân vật đàn ông xấu nhưng thông điệp của phim rất hướng thiện. Còn phim Việt có xu hướng chọn góc xấu xí của người đàn ông và đẩy lên thành tính cách điển hình, phổ biến.
Khi cách sáng tác đó đã trở thành thói quen, nhà sản xuất chỉ quan tâm tới những kịch bản như trên thì những kịch bản viết về con người trong sáng, thiện lương, ít cao trào khó lòng được các nhà sản xuất quan tâm.
Hình ảnh "những người đàn ông lý tưởng cho chị em lựa chọn", từ trên xuống: Thái (Hoa hồng trên ngực trái), Thanh (Sống chung với mẹ chồng)...
cùng với Khải (Về nhà đi con) và Cường (Bán chồng) - Ảnh chụp màn hình.
Kịch bản toàn người tốt lấy đâu ra mâu thuẫn, thậm chí còn bị hồ nghi "làm gì còn ai tốt như thế trên đời". Khi xã hội có xu hướng tin vào cái xấu hơn là tin vào cái tốt đẹp, thì đôi khi cái tốt đẹp lại thành ra giả tạo. Một trong những lý do tôi ngừng viết kịch bản hai năm qua vì đã quá chán viết ra những nhân vật xấu xa, cãi vã, đánh chửi nhau suốt ngày. Truyền hình bây giờ rất thiếu những bộ phim nhân văn như 12A và 4H ngày xưa...
Biên kịch Hà Anh Thu
Phim truyền hình đang phản ánh trung thực xã hội
Có một điều thú vị là hiện nay phần lớn các biên kịch phim truyền hình đều là nữ. Những biên kịch nữ Tuổi Trẻ Online phỏng vấn đều cho rằng, quan sát xã hội hiện tại họ thấy nữ giới đang tiến bộ hơn hẳn nam giới.
Tuổi Trẻ Online đem vấn đề này trao đổi tới tiến sĩ Khuất Thu Hồng - viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội. Tiến sĩ Hồng cho biết hình ảnh người đàn ông Việt trên phim truyền hình rất đúng với kết quả nghiên cứu về nam giới và nam tính ở Việt Nam do bà thực hiện.
Chính những người đàn ông được khảo sát đều thừa nhận đàn ông Việt ngoài ưu điểm: đề cao sự nghiệp, có chí tiến thủ, có trách nhiệm với gia đình… thì lại có nhược điểm: gia trưởng, sĩ diện, thích nhậu nhẹt bù khú, giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, thích ăn to nói lớn…
Trong nhiều năm thực hiện bình đẳng giới tôi thấy chúng ta có xu hướng đầu tư phát triển cho phụ nữ nhiều hơn. Nam giới dù đang có rất nhiều lợi thế, nhưng lại bị tụt hậu so với phụ nữ. Những hành vi bạo lực hay nhu nhược của nam giới là phản ứng cho thấy từ trong tiềm thức nam giới cảm thấy mình bị tụt hậu so với phụ nữ", Tiến sĩ Khuất Thu Hồng.
Các biên kịch ở Bắc cho Tuổi Trẻ Online biết một sự thật ngày nay do điều kiện sản xuất phim, nhiều biên kịch không có điều kiện (hay lười?) đi thực tế nên chỉ loanh quay với mấy đề tài mẹ chồng nàng dâu, ngoại tình và tự cho rằng đó là đề tài ăn khách. Ngay cả nhà sản xuất cũng nghĩ như thế.
Một biên kịch ở phía Bắc đã bày tỏ tâm tư: "Việc các phim chạy theo những tình huống giật tóc móc mắt nhằm thỏa mãn thị hiếu của khán giả theo tôi là một hiện tượng cần xem xét.
Không thể phủ nhận ngày nay làm phim phải bám sát thị hiếu của khán giả, tuy nhiên nhà sản xuất không nên chỉ chạy theo thị hiếu mà phải góp phần định hướng thị hiếu; không chỉ đặt mục tiêu giải trí mà cao hơn phải là tác động thay đổi xã hội.
Những người chọn nghề biên kịch thì phải có ý thức bồi đắp nền tảng văn hóa sống, hiểu vai trò người sáng tạo và phải ý thức được trách nhiệm xã hội. Rất tiếc không phải nhà sản xuất nào cũng ủng hộ cách nghĩ này của biên kịch".
Phim Hàn lại tràn ngập soái ca khiến khán giả không khỏi so sánh với phim Việt
Trong khi hình ảnh nam giới trên phim Việt đang thiếu tích cực như trên thì sức hút của các bộ phim truyền hình Hàn Quốc lại có một phần quan trọng đến từ nhân vật nam chính dưới hình tượng soái ca hoàn hảo từ ngoại hình đến tính cách, dễ dàng chinh phục trái tim chị em phụ nữ.
Có thể là một Bi Rain làm mưa làm gió với hình ảnh anh chàng siêu sao có mối tình ngọt ngào với cô nàng Lọ Lem Song Hye Kyo trong Ngôi nhà hạnh phúc.
Hay Goo Jun Pyo phim Vườn sao băng điển trai, gia thế hiển hách. Tuy tính cách có đôi lúc hơi trẻ con nhưng một khi đã yêu, anh lại vô cùng ấm áp, tình cảm, luôn bên cạnh bảo vệ cho nữ chính Geum Jan Di.
Do Min Joon (Kim Soo Hyun) của Vì sao đưa anh tới là đại diện cho mẫu người yêu hoàn hảo mà các cô gái tìm kiếm khi không chỉ đẹp trai, giàu có, là giáo sư một trường đại học danh tiếng mà anh còn có sức mạnh siêu nhiên và luôn xuất hiện kịp thời để giải cứu bạn gái khỏi hiểm nguy.
Đó mới chỉ là số ít những ví dụ về soái ca trên màn ảnh Hàn. Dù mỗi người một tính cách, một tài năng, một hoàn cảnh xuất thân khác nhau nhưng điểm chung giữa họ vẫn là trái tim ấm áp, cử chỉ nhẹ nhàng mà họ dành cho người yêu khiến phái nữ phải bồi hồi xao xuyến.
Các phim như trên thiết lập vị thế cho phim truyền hình Hàn Quốc với khái niệm "soái ca", ám chỉ những người đàn ông đẹp trai, lịch thiệp, giỏi giang, luôn chung thủy với một cô gái duy nhất được hình thành.
Không chỉ đối với idol Kpop mà trong phim ảnh, hình tượng người đàn ông cũng phải được xây dựng sao cho có trách nhiệm đối với xã hội, phải truyền đi những thông điệp tích cực, giúp thế hệ trẻ xây dựng nhân cách tốt và hoài bão lớn lao.
Vì thế mẫu nam chính trên màn ảnh Hàn thường đẹp cả ngoại hình lẫn tính cách. Nếu có khuyết điểm cũng chỉ là những yếu tố khiến chàng trai trở nên sâu sắc hơn trong nội tâm, là nguyên nhân thúc đẩy tạo ra những bước ngoặt để hoàn hảo hơn nữa.
Bạn đọc của Tuổi Trẻ Online có ý kiến gì về vấn đề này? Xin gửi ý kiến về địa chỉ email tto@tuoitre.com.vn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận