14/09/2024 06:43 GMT+7

Đàn ông Trung Quốc và xu hướng từ bỏ 'cái tôi' để ở rể

Quyết định từ bỏ "cái tôi" của người đàn ông trong hôn nhân truyền thống, họ chọn cách ở rể.

Ngày nay, nhiều người đàn ông Trung Quốc thích ở rể vì nhiều lý do - Ảnh: Sohu

Chân dung những chàng ở rể thời nay

Tại Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc), văn phòng hôn nhân của ông Lý Kế Diên (69 tuổi) là địa chỉ quen thuộc của những người đàn ông muốn tìm kiếm cơ hội đi ở rể. Hằng năm, có tới hàng trăm nam giới tìm đến đây, phần lớn là người nơi khác đến, xuất thân từ các thị trấn nhỏ. Trong số đó không ít người có bằng thạc sĩ, tiến sĩ, thậm chí là người có thu nhập lên tới 500.000 NDT (hơn 1,7 tỉ đồng)/năm.

Họ là những người trẻ đang dần thay đổi quan niệm về hôn nhân. Họ không muốn trở thành "nô lệ" của những khoản vay mua nhà, mong muốn có một chỗ dựa vững chắc trong bối cảnh làn sóng sa thải diễn ra khắp nơi.

Hàng năm, có tới hàng trăm nam giới tìm đến một văn phòng mai mối ở rể - Ảnh: Sohu

Hơn nữa, việc ở rể mang đến cho họ nhiều lợi ích thiết thực: Được chia một căn hộ khoảng 70m2, được tặng xe hơi, con cái có người giúp việc chăm sóc, lương được giữ lại...

Chính những điều kiện hấp dẫn này đã thu hút ngày càng nhiều người tìm đến đăng ký. Để đảm bảo tỉ lệ thành công, ông Lý Kế Diên cũng đặt ra những tiêu chuẩn lựa chọn khắt khe đối với các ứng viên nam.

Ở rể: Lối thoát cho những gánh nặng cơm áo gạo tiền?

Trong nhiều năm qua, ông Lý Kế Diên đã giúp hơn 1.000 người đàn ông ở rể.

Văn phòng của ông Lý Kế Diên tiếp nhận rất nhiều hồ sơ đăng ký ở rể - Ảnh: Sohu

Theo thông lệ, sau khi ở rể, nam giới có thể được chia một căn nhà khoảng 70m2 hoặc nhận 2,1 triệu NDT (hơn 7 tỉ đồng). Lý do là bởi vì người dân địa phương sau khi giải tỏa đất đai thường được chia căn hộ hoặc được bồi thường tiền. Tuy nhiên, điều kiện là con cái sau này phải mang họ mẹ, nam giới phải gánh vác trách nhiệm nuôi dạy con cái, nếu ly hôn thì con cái sẽ thuộc về nữ giới.

Nhiều thanh niên sắp tốt nghiệp hoặc mới ra trường tìm đến ông Lý Kế Diên. Có một nam sinh viên (22 tuổi) từng chủ động liên hệ với ông Lý, nói rằng gia đình ở nông thôn, trên anh còn một người anh trai.

Cách đây vài năm, khi anh trai kết hôn, bố mẹ đã phải vay nợ rất nhiều để lo nhà cửa, sính lễ. Anh không muốn bố mẹ tiếp tục vất vả nên muốn ở rể, vừa có thể giải quyết việc hôn nhân đại sự một cách nhẹ nhàng hơn ngay khi vừa tốt nghiệp.

Trong 5 năm trở lại đây, số người muốn ở rể ngày càng tăng. Ông Lý Kế Diên cho biết: Vào thời kỳ mới mở cửa, những người muốn ở rể thường có trình độ học vấn không cao, cao nhất là bằng trung cấp. Ngày nay, số người có trình độ học vấn cao ngày càng nhiều, trong đó không ít người có bằng thạc sĩ, tiến sĩ.

Trước đây, những người đàn ông đến ở rể chủ yếu là người ngoại tỉnh, có hộ khẩu nông thôn. Còn bây giờ, tỉ lệ người có hộ khẩu thành thị và nông thôn là ngang nhau.

Muốn ở rể, tiêu chuẩn lựa chọn không hề đơn giản

Tuy nhiên, ở rể không phải là chuyện dễ dàng. Từ khi tóc còn đen nhánh đến khi tóc đã bạc trắng, ông Lý Kế Diên đã rèn luyện cho mình một đôi mắt tinh tường.

Ngay ở cửa ra vào văn phòng, ông đã dùng bút kẻ một thước đo chiều cao. Ông giải thích: "Tiêu chuẩn chiều cao tối thiểu đối với người ở rể là 1m70. Nếu là bác sĩ, công chức nhà nước, thu nhập tốt, ngoại hình ưa nhìn thì có thể giảm xuống 2cm".

Hình ảnh khách hàng tới làm việc tại văn phòng mai mối hôn nhân của ông Lý Kế Diên - Ảnh: Sohu

Sau khi đã khai báo xong thông tin cơ bản, ông Lý Kế Diên sẽ lấy ra một tập tài liệu yêu cầu họ xem xét kỹ lưỡng. Nếu không đáp ứng được điều kiện nào thì có thể tự động ra về.

Điều kiện đầu tiên là điểm tín dụng. Ứng viên nam phải mở ứng dụng Alipay cho ông Lý Kế Diên xem điểm Sesame. 560 điểm là đạt yêu cầu cơ bản, 600 điểm là tốt, trên 700 điểm là rất tốt.

Tiếp theo là phải có công việc ổn định, thu nhập hàng năm ít nhất 120.000 NDT (hơn 400 triệu đồng). Những người làm trong cơ quan nhà nước là được chào đón nhất vì công việc ổn định, không quá bận rộn, có thể chăm lo cho gia đình tốt hơn.

Nếu công việc bình thường, trình độ học vấn không cao thì ông Lý Kế Diên yêu cầu ứng viên nam ít nhất phải có một kỹ năng nào đó.

Ngoài ra, còn phải chú ý đến một số chi tiết nhỏ nhặt khác, ví dụ như trên người có hình xăm dài quá 3cm là không được, tướng mạo hung dữ quá cũng không được.

Sau khi đã vượt qua được vòng đầu tiên, ứng viên có thể về nhà chuẩn bị hồ sơ bao gồm: bản photo chứng minh thư, bản photo sổ hộ khẩu (chứng minh chưa kết hôn), bằng tốt nghiệp, giấy khám sức khỏe (để sàng lọc xem có mắc bệnh di truyền hay không)...

Ở rể - không phải một bước lên trời

Người đến đăng ký ngày càng đông, việc lựa chọn cũng trở nên khó khăn hơn vì lý do và động cơ của mỗi người đều khác nhau.

Có người đề nghị sau khi ở rể có thể được nghỉ việc ở nhà làm chồng nội trợ, hoặc được cho thêm một căn nhà để bố mẹ ruột đến ở cùng. Những yêu cầu này đều bị nhà gái từ chối.

Ông Lý Kế Diên hy vọng cả hai bên nam nữ đều có thể xác lập được những giá trị và quan niệm đúng đắn về tình yêu và hôn nhân. Ông nói: "Chúng tôi không hoan nghênh những người muốn tìm "bạch phú mỹ" (cô gái giàu có, xinh đẹp), cũng không hoan nghênh những người muốn tìm "cao phú soái" (chàng trai cao ráo, giàu có, đẹp trai).

Tìm chồng, điều quan trọng nhất là phẩm chất và trách nhiệm. Nếu anh ở rể chỉ vì muốn sống hưởng thụ, dựa dẫm vào nhà vợ thì chắc chắn sẽ không thành công!".

Những trường hợp thành công

Nếu việc mai mối thành công, tiến tới hôn nhân thì mọi thủ tục sẽ được đảo ngược lại. Gia đình nhà gái thường sẽ đưa ra một khoản tiền sính lễ, thường là 288.000 NDT (gần 1 tỉ đồng). Ông Lý Kế Diên sẽ nói trước với nhà trai là chỉ nhận 20.000 - 30.000 NDT (hơn 60 triệu - gần 100 triệu đồng). Số tiền còn lại phải trả lại cho nhà gái, như vậy nhà trai cũng không cần phải lo sắm sửa của hồi môn.

Vì phần lớn những người đàn ông ở rể đều không phải là người Hàng Châu nên đến ngày cưới, các nghi lễ cũng sẽ được đảo ngược. Chú rể thường mặc vest, trang điểm, ngồi trong khách sạn chờ xe hoa nhà gái đến đón, đồng thời thường sẽ không mời họ hàng ở quê lên dự đám cưới. Có những người chỉ gọi điện thoại báo cho bố mẹ ở quê biết là mình đã kết hôn. Bố mẹ họ chỉ biết con cái đã có gia đình ở thành phố lớn, còn những chuyện khác, họ cũng không muốn tìm hiểu thêm.

Ông Lý Kế Diên kể lại, có lần ông được mời dự đám cưới, được sắp xếp ngồi ở một góc khuất vì mọi người nhìn thấy ông là biết ngay chú rể có thể là do văn phòng mai mối giới thiệu, từ đó sẽ có nhiều lời bàn tán. Ông cười khổ: "Mọi người như thể đã buông bỏ được sĩ diện, nhưng cũng có vẻ như vẫn chưa hoàn toàn buông bỏ được".

Trước đây, cũng có một chàng trai ở rể thành công đã quay lại cảm ơn ông. Anh này vì gia đình khó khăn nên đã quyết định ở rể. Anh nói mình đã gặp được một gia đình tốt. Không lâu sau khi ở rể, vì bố mẹ vợ đã lớn tuổi, công ty của gia đình cần người quản lý nên đã giao lại cho anh. Từ một chàng nhân viên, anh bỗng chốc trở thành quản lý cấp cao. Tuy nhiên, đây không phải là câu chuyện "chuột sa chĩnh gạo" vì bản thân anh là người có bằng tiến sĩ, trước đây cũng đã có kinh nghiệm quản lý.

Đàn ông Trung Quốc ở rể để thoát cơm áo gạo tiền - Ảnh 7.Người trẻ lười kết hôn: Xu hướng nhất thời hay hiện tượng đáng báo động?

Nhiều người trẻ tìm thấy ở thú cưng nguồn cảm xúc tích cực. Nhưng ở góc độ khác thì việc người trẻ lười kết hôn, lấy việc nuôi thú cưng làm niềm vui là hiện tượng báo động cho bài toán dân số.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên