Một nhà hàng tại quận Thủ Đức (TP.HCM) tổ chức dịch vụ đưa khách uống rượu bia về nhà - Ảnh: LÊ PHAN
Trong khi đó, theo phản ảnh của một số chủ quán nhậu và nhà hàng, lượng khách có giảm hoặc có tiệc nhiều khách dùng nước suối, nước ngọt.
Dịch vụ mới: có xe đưa về
Tại một nhà hàng ở Q.Thủ Đức (TP.HCM) chủ nhà hàng đã cho treo thông báo về dịch vụ mới. Nội dung tấm bảng có ghi: "Chúng tôi có đội ngũ nhân viên đưa bạn về tận nhà... Bạn hãy an tâm vui chơi cùng gia đình và bạn bè... Sự an tâm của bạn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi". Các tấm bảng được gắn lên đã thu hút được sự chú ý và thích thú của nhiều người đến quán.
"Khách hàng đến với nhà hàng chúng tôi thời gian gần đây có sự chuyển biến, đa phần họ đi xe ôm hoặc taxi, chứ không đi xe cá nhân như trước. Khi khách hàng vào quán sẽ được nhân viên quán tư vấn về dịch vụ đưa về tận nhà nếu đã uống bia rượu.
Chúng tôi có nhân viên biết lái ôtô để đưa xe của khách về, đồng thời nhà hàng cũng có một số xe máy và một ôtô để đưa khách say về nhà, hoàn toàn miễn phí. Khi quá tải thì chúng tôi sẽ liên hệ với các đối tác hoặc đặt xe ôm, taxi đưa khách về, chi phí khách sẽ chịu" - anh Phát, quản lý nhà hàng này, cho biết.
Tại một số nhà hàng, quán nhậu khác ở Q.Thủ Đức, đa số chủ và quản lý tại đây đều cho hay có biết về nghị định 100 vừa ban hành. Tuy quán chưa triển khai dịch vụ đưa khách đã uống rượu bia về nhà nhưng nếu khách có nhu cầu gửi lại xe hoặc đặt xe ôm, taxi các quán vẫn hỗ trợ.
Tình hình "bớt nhậu" cũng diễn ra ở TP Cần Thơ. Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, những ngày gần đây lượng khách tại các quán ăn ở trung tâm TP Cần Thơ giảm đáng kể. Để giữ khách, nhiều quán ăn đã đưa ra dịch vụ giữ xe kết hợp với đưa khách về nhà miễn phí.
Ông Đỗ Hữu Lợi - chủ quán ăn gia đình Sáu Đời 5 (Q.Ninh Kiều) - cho biết quán có khuôn viên rộng nên nhận giữ xe máy và ôtô cho khách có nhu cầu gửi lại qua đêm. Nếu khách gửi lại xe, quán bố trí nhân viên đưa khách về hoặc đưa cả khách cùng xe về nhà hoàn toàn miễn phí.
Còn bà Đặng Thái Hiền - chủ quán ở Q.Ninh Kiều (Cần Thơ) - cho biết ngoài việc đưa khách về nhà bằng xe máy, quán vừa tuyển thêm 2 tài xế ôtô để đưa cả khách và xe về nhà.
"Quán cũng tính đến chuyện liên kết với các hãng taxi và tài xế chạy xe ôm đưa khách về nhà miễn phí. Chi phí có tăng nhưng giữ được lượng khách, ổn định doanh thu là tốt rồi" - bà Hiền nói.
Xe máy thưa thớt bên ngoài một nhà hàng trên đường 3 Tháng 2, Q.Hải Châu (Đà Nẵng) tối 6-1 - Ảnh: T.LỰC
Khách nhậu giảm thấy rõ
Theo anh Đ.T.H. - quản lý quán nhậu lớn trên đường Phạm Văn Đồng (Q.Gò Vấp, TP.HCM), mấy ngày nay lượng khách của quán giảm hẳn. Có những bàn tiệc khách đặt chỉ dùng nước ngọt hay nước suối.
"Tôi nghĩ đó là tình trạng chung của tất cả các quán nhậu, nhà hàng trên cả nước chứ không riêng gì quán của tôi. Lúc trước rất hiếm thấy các bàn tiệc sinh nhật, liên hoan ở quán mà không có bia, nhưng vài bữa nay có những bàn tiệc chỉ dùng nước ngọt hoặc nước suối" - anh H. chia sẻ.
Tuy nhiên, anh H. cho biết thêm sau khi có nghị định mới, vẫn có tình trạng khách nhậu xong tự lái xe về. "Bây giờ tôi đã quán triệt cho nhân viên là sau khi tính tiền, nói cho khách biết ở quán có chỗ gửi lại xe và quán sẽ hỗ trợ gọi xe ôm, taxi đưa về. Nhiều khách vẫn tự chạy xe về dù quán có khuyên ngăn nhưng đây là sự lựa chọn của khách, quán cũng bó tay" - anh H. nói.
Tại Đà Nẵng, anh Nguyễn Trương Tài (37 tuổi) - chủ một nhà hàng hải sản lớn trên đường 3 Tháng 2, Q.Hải Châu - cho biết hoạt động kinh doanh ảnh hưởng rất nhiều, đặc biệt trong thời gian đầu áp dụng mức xử phạt mới.
Theo anh Tài, trong những ngày ra quân xử phạt theo nghị định mới lượng khách đến quán giảm đáng kể. Đặc biệt lượng khách đi ôtô ngày thường rất đông, xe đậu kín cả một đoạn đường nhưng nay hầu hết hạn chế lái xe, chuyển sang đi taxi, xe ôm đến quán. Sau tuần đầu tiên áp dụng mức phạt mới, lượng bia rượu nhà hàng bán ra giảm 20-30%.
Theo anh Tài, đã là quy định thì phải chấp hành. Tuy nhiên nhu cầu ăn uống, tiếp khách của người dân thì không thể bỏ được. Do đó, khách hàng sẽ điều chỉnh phương thức đi lại hợp lý để tránh bị phạt. Anh Tài cho biết nếu tuần tới lượng khách tiếp tục giảm thì nhà hàng sẽ tính tới phương án thuê lái xe đưa khách và phương tiện về tận nhà.
Tại các nhà hàng tiệc cưới cũng ghi nhận sự sụt giảm số lượng rượu bia tiêu thụ. Chị T.T.N. - quản lý một nhà hàng tiệc cưới có tiếng trên đường 2 Tháng 9, Q.Hải Châu - cho biết dù lượng bia rượu có giảm trong các đám tiệc gần đây nhưng nhiều cặp đôi khi ký hợp đồng đặt tiệc vẫn chọn bia làm đồ uống trong tiệc chiêu đãi.
An Giang: có 2 tuần tuyên truyền nhắc nhở
Chiều 6-1, thiếu tướng Bùi Bé Tư - giám đốc Công an tỉnh An Giang - cho biết trong tuần vừa qua, các lực lượng nhắc nhở những trường hợp có nồng độ cồn thấp nhưng từ ngày 13-1 sẽ bắt đầu xử lý nghiêm theo quy định.
Sở dĩ chưa phạt nghiêm là do người dân An Giang còn khó khăn, cần tuyên truyền, nhắc nhở để người dân nâng cao nhận thức trước khi tiến hành xử lý. Lãnh đạo Công an tỉnh An Giang cũng cho biết từ ngày 1-1 đến nay trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra trường hợp tai nạn giao thông nào liên quan đến rượu bia.
Trong khi đó, anh Khoa - chủ nhà hàng Khoa Trí - cho biết nhà hàng của anh thường có lượng khách đông đúc ở khu vực P.Bình Khánh, TP Long Xuyên nhưng đa số khách ăn là chủ yếu.
"Khách nhậu rất ít nhưng từ khi Luật phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực thì lượng khách có giảm. Sắp tới tụi tui sẽ chuyển nhà hàng này thành nơi đãi đám cưới luôn" - anh Khoa nói.
BỬU ĐẤU
Thực khách uống bia trong tiệc cưới ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai - Ảnh: QUANG ĐỊNH
* Bỏ GPLX đang bị tạm giữ để thi GPLX mới được không?
Bên cạnh hình thức phạt tiền, nghị định 100 còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) trong thời gian nhất định với nhiều lỗi vi phạm.
Theo luật sư Trần Bá Học (Đoàn luật sư TP.HCM), nếu bị tước GPLX trong vòng 24 tháng, tức là người này không được quyền lái loại xe tương tự trong vòng 24 tháng. Do vậy, khi chưa hết thời hạn bị phạt, người đó không được học, thi và cấp GPLX mới. Theo một cảnh sát giao thông (CSGT) tại TP.HCM, hiện nay Bộ GTVT và Bộ Công an đã liên thông dữ liệu. Khi xử phạt vi phạm giao thông, cơ quan chức năng sẽ cập nhật lên hệ thống nên một người vi phạm ở TP.HCM, bị xử phạt tước GPLX, người này không thể "lách luật" bằng cách đến tỉnh, thành phố khác để thi GPLX mới.
Trước đây có nhiều tài xế báo mất GPLX để xin cấp lại GPLX nhiều lần dẫn đến một người có nhiều GPLX, khi bị cơ quan chức năng tạm giữ GPLX này thì còn GPLX khác. Tuy nhiên, sắp tới hạn chế này sẽ được cơ quan chức năng khắc phục.
* Cho mượn xe, không khéo chủ xe gặp rắc rối
Không chỉ người uống rượu bia phải chịu trách nhiệm, nhiều chủ xe cũng gặp nhiều phiền toái khi cho mượn xe. Theo luật sư Trần Văn Thanh (Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), nếu người mượn xe uống rượu bia gây tai nạn thì người này phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình, chủ xe phải liên đới bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật dân sự.
Theo Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, người bị xử phạt phải đến đội CSGT đã lập biên bản vi phạm để nhận quyết định xử phạt. Sau đó người này phải nộp tiền phạt tại kho bạc nhà nước, sau đó phòng CSGT mới ra quyết định trả lại phương tiện. Do đó dù không có quy định cụ thể nhưng nếu người vi phạm bỏ trốn mà chủ xe muốn nhận lại phương tiện buộc phải đóng phạt thay. Sau đó, các bên có thể thỏa thuận hoặc khởi kiện ra tòa.
* Lực lượng nào được dừng xe kiểm tra?
Theo điều 74 của nghị định 100, ngoài lực lượng CSGT, cảnh sát trật tự, cảnh sát phản ứng nhanh, cảnh sát cơ động, cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có liên quan đến trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt có thẩm quyền xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm quy định trong nghị định.
Riêng hành vi vi phạm nồng độ cồn, các lực lượng cảnh sát nói trên đều có thẩm quyền xử phạt hành chính đối với vi phạm nồng độ cồn từ mức thấp nhất đến mức cao nhất kể từ người điều khiển xe đạp đến xe máy, ôtô.
T.MAI - T.PHÙNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận