15/03/2019 18:07 GMT+7

Dân nhận 70% tiền nhưng không bàn giao mặt bằng, vì sao?

MAI HOA
MAI HOA

TTO - Chủ tịch UBND quận 2 Nguyễn Phước Hưng chỉ rõ thực tế khó khăn này trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân, thực hiện các dự án tại TP.HCM.

Dân nhận 70% tiền nhưng không bàn giao mặt bằng, vì sao? - Ảnh 1.

Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang trao bằng khen cho các tập thể thực hiện tốt công tác giải ngân năm 2018 - Ảnh: Đ.L

Tại hội nghị triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2019 diễn ra chiều 15-3, nhiều ý kiến nêu những hạn chế trong công tác giải phóng mặt bằng ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện dự án, tiến độ giải ngân.

Ông Nguyễn Phước Hưng - chủ tịch UBND quận 2 - nói thêm thực tế thời gian thẩm định giá đất T1, T2 quá lâu, người dân đồng ý giá T1, đến khi có giá T2 thì người dân lại không đồng ý nữa vì giá đã thay đổi.

Bên cạnh đó là việc giá quá chênh lệch với giá thị trường nên có trường hợp dân đã nhận 70% tiền bồi thường nhưng không bàn giao mặt bằng…

Những năm qua, giao thông luôn là lĩnh vực được ưu tiên bố trí vốn ngân sách. Năm 2018, vốn đầu tư công của TP được bố trí nhiều nhất là cho chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông với 8.202 tỉ đồng, chiếm 23,9%.

Theo ông Trần Quang Lâm - phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM - một trong những khó khăn lớn nhất trong thực hiện các dự án giao thông là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, với chi phí thường chiếm trên 50% tổng mức đầu tư dự án.

Sở GTVT kiến nghị, nếu đa số người dân bị ảnh hưởng bởi dự án đồng thuận chính sách bồi thường, TP nên cho tạm ứng vốn nhanh đối với các dự án đã có quyết định thu hồi đất. Thậm chí có thể xem xét tạm ứng cho các hộ dân khi đa số đồng ý giá T1.

Ngoài ra, sở cũng kiến nghị TP cho phép được tạm ứng chi trả bồi thường để người dân sớm bàn giao mặt bằng, tương tự dự án tuyến đường sắt đô thị số 2, dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến biến đổi khí hậu (dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng).

Dân nhận 70% tiền nhưng không bàn giao mặt bằng, vì sao? - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Đ.L

Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cam kết TP sẽ luôn đồng hành với chủ đầu tư, tiếp tục phân cấp ủy quyền mạnh mẽ hơn nữa, để đến 31-7 các dự án giải ngân trên 50%, đến cuối năm giải ngân được trên 90%.

Năm 2018, tỉ lệ giải ngân vốn ngân sách TP đạt 92%, cao hơn trung bình cả nước. Trong khi đó, việc giải ngân các nguồn vốn từ ngân sách trung ương, vốn ODA vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ có tỉ lệ giải ngân thấp, có loại chỉ hơn 2%.

"Trong số các nguyên nhân giải ngân chậm, không thể phủ nhận nguyên nhân ở trình độ quản lý, việc tiêu thụ sử dụng vốn như thế nào cho hiệu quả", ông Phong nói.

"Giá bồi thường đất nông nghiệp rất thấp so với giá chuyển nhượng thực tế"

Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Nguyễn Văn Hồng cho biết giai đoạn 2018-2020, TP dự kiến triển khai 512 dự án, với hơn 46.000 trường hợp bị ảnh hưởng, tổng diện tích đất thu hồi gần 41 triệu m2. Trong đó nhiều nhất là Cần Giờ, Bình Chánh với 59 dự án.

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên - môi trường, giá bồi thường đất nông nghiệp rất thấp so với giá chuyển nhượng thực tế nên việc bồi thường, giải tỏa đất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Giá đất ở chưa sát với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường.

Ngoài ra, đất lấn chiếm ven kênh rạch, đất giao sai thẩm quyền, đất nông trường… đã bị hộ dân chiếm dụng sử dụng ổn định lâu dài khó giải tỏa di dời, vì đơn giá hỗ trợ rất thấp, hộ dân không đủ tái lập nơi ở mới, chi phí đã đầu tư sản xuất nên không chấp hành di dời

MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên