01/02/2015 15:20 GMT+7

Dân "làng ung thư" Đông Lỗ phải dùng “nước độc”

THẾ HÀ - LAN ANH
THẾ HÀ - LAN ANH

TT - Xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, Hà Nội có hơn 1.000 hộ gia đình, hơn 6.000 nhân khẩu, 100% phải sử dụng nước giếng khoan sinh hoạt hằng ngày.

Nhiều năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Tu vẫn phải sử dụng nguồn nước nhiễm độc - Ảnh: L.Tú
Nhiều năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Tu vẫn phải sử dụng nguồn nước nhiễm độc - Ảnh: L.Tú

Cứ ba ngày một lần, ông Đỗ Ngọc Trình - bảo vệ của Trường mầm non Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, Hà Nội - lại phải trèo lên múc lớp bùn dày vài centimet trên bề mặt của bể lọc, đồng thời xúc cát ra rửa sạch và đổ lại vào bể thì nước mới có thể chảy được. 

Theo ông Trình, công việc của ông là bảo vệ trường nhưng sức khỏe của 200 học sinh học tại trường này khiến ông lo lắng.

“Nhà trường có máy lọc nước nhưng chỉ đủ dùng cho nước ăn uống, còn các công việc khác phải lấy nước từ bể, nếu không múc bùn và rửa cát thì các cháu không có nước dùng” - ông Trình cho biết.

Xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, Hà Nội có hơn 1.000 hộ gia đình, hơn 6.000 nhân khẩu, 100% phải sử dụng nước giếng khoan sinh hoạt hằng ngày.

Người dân Đông Lỗ sống dọc theo đê sông Nhuệ, trong khi sông Nhuệ đã ô nhiễm nặng, nước giếng khoan vì thế cũng bị ảnh hưởng bởi mạch nước ngầm của sông. 

“Nhìn bằng mắt thường cũng thấy sông ô nhiễm nặng, nước đen sì, cạn kiệt, ngày nắng bốc mùi hôi thối khó chịu. Nguồn nước sông bị ô nhiễm ngấm vào đất, trong khi 100% người dân trong xã dùng nước giếng khoan để lấy nước sinh hoạt. Nước bơm thẳng từ giếng không thể dùng được, mà để lâu trên mặt nước đóng váng thành lớp màng cứng. Nhiều người dân trong xã mắc bệnh ngoài da, bệnh ung thư. Đề nghị thành phố sớm xây nhà máy lọc nước cho dân khu vực này có nước dùng” - ông Trần Văn Lâm, bí thư Đảng ủy xã Đông Lỗ, cho biết.

Tuy nhiên, theo nhiều người dân xã Đông Lỗ, đã có nhiều đoàn, cơ quan chức năng về khảo sát, nghiên cứu tại Đông Lỗ nhưng đâu vẫn hoàn đó, nước sạch vẫn chưa có mà số lượng người mắc các bệnh ngoài da, bệnh ung thư tiếp tục tăng lên. Người dân tiếp tục kêu cứu nhưng vẫn phải chờ đợi.

Một đại diện Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội cho biết khảo sát của Trung tâm nước sạch - vệ sinh môi trường thuộc sở này, nguồn nước ở các xã dọc sông Nhuệ nhiễm asen rất cao, gấp hàng trăm lần so với tỉ lệ cho phép.

Những năm qua, thành phố đã hỗ trợ bằng cách cấp miễn phí máy lọc nước cho các gia đình chính sách và khuyến cáo người dân xây bể lọc, nhưng do nước ô nhiễm quá nặng nên có lọc cũng không loại hết độc chất.

“Kế hoạch của thành phố là từ nay đến hết năm 2015 sẽ xây trạm xử lý nước ở một số vùng nông thôn, đến hết nám 2015 có 60% dân số vùng nông thôn có nước sạch dùng”- vị đại diện này cho biết.

Cuối năm ngoái, lần đầu tiên Bộ Y tế triển khai một đợt khảo sát chất lượng nước máy quy mô lớn tại Hà Nội và TP.HCM.

Kết quả khảo sát cho thấy ngay tại Hà Nội còn có nhà máy nước chứa asen hàm lượng vượt mức cho phép nhiều lần, Bộ Y tế buộc phải kiến nghị đình chỉ cấp nước để chuyển nguồn nước nguyên liệu mới.

Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng cho biết không thể giải quyết ngay vấn đề chất lượng nước do còn nhiều vùng nước nguyên liệu nhiễm bẩn, đặc biệt là ở các nơi nhiều asen. 

Đó là chưa kể các trạm cấp nước quy mô nhỏ, công nghệ vừa phải không thể xử lý hết độc chất trong nước.

Điều đó sẽ càng khó hơn cho các xã như Đông Lỗ, do trong điều kiện hiện nay chưa có dự án xây dựng trạm cấp nước công nghệ cao hoặc thay đổi nguồn nước nguyên liệu cho người dân ở đây.

THẾ HÀ - LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên