23/03/2016 09:37 GMT+7

Dân khẳng định từng có khung sắt bảo vệ chân cầu Ghềnh

H.MI - A.LỘC - Đ.TRONG
H.MI - A.LỘC - Đ.TRONG

TTO - Theo nhiều người dân, ngành đường sắt nói cầu Ghềnh chưa từng có trụ chống va bảo vệ cầu là không đúng sự thật.

Cầu Ghềnh 112 tuổi bắc qua sông Đồng Nai bị sà lan đâm sập trưa 20-3 làm gián đoạn tuyến đường sắt Sài Gòn - Biên Hòa - Ảnh: Xuân An
Cầu Ghềnh bắc qua sông Đồng Nai bị sà lan đâm sập trưa 20-3 - Ảnh: Xuân An

Ông Nguyễn Văn Sỹ (thường gọi Tư Sỹ, 60 tuổi, xã Hiệp Hòa) nhà ở gần cầu Ghềnh vừa bị sập nói: “Trước khi cây cầu này tu bổ lần gần nhất cách đây khoảng 10 năm, các mố cầu vẫn còn những thanh sắt dày đặc đóng xung quanh".

"Trên các thanh sắt đó có thêm các thanh ngang được hàn dính chặt, tạo thành vòng khung xung quanh móng. Dưới mặt nước, ngoài các thanh sắt còn giăng thêm lưới B40 bao quanh mố cầu".

"Khi ra sông câu cá, tôi thường chèo xuồng, cột vào các thanh sắt đó. Trên mặt nước còn có các phao nổi, nhưng lâu dần trôi dạt mất, riêng các khung sắt xung quanh mố cầu vẫn còn nguyên vẹn dù tàu bè qua lại có va chạm vào”.

Ông Sỹ cho biết cầu Rạch Cát (cầu Ghềnh 2) hiện nay còn giữ những khung sắt xung quanh giống như hiện trạng cầu Ghềnh trước kia.

“Không chỉ riêng tôi, những người cùng thời đều nhiều lần ra những cọc sắt đó cột ghe xuồng, câu cá, nhảy sông tắm. Không hiểu vì sao đợt trùng tu vừa rồi, lần lượt các thanh sắt này bị nhổ lên".

"Đầu tiên là nhổ ở các mố cầu Ghềnh, sau đó các sà lan công trình chuyển qua cầu Rạch Cát nhổ tiếp nhưng không biết lý do nào mà họ dừng lại, nên hiện nay bên cầu đó vẫn còn các thanh sắt bảo vệ mố” - ông Sỹ nói.

Nói thêm về các thanh sắt dưới mố cầu Ghềnh, ông Trần Quang Toại - nguyên phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Đồng Nai - kể:

“Năm 1977, tôi bắt đầu nhận công tác tại Biên Hòa. Thời đó ngày nào tôi cũng đi làm việc bằng xe đạp qua cây cầu. Tôi nhớ như in dưới chân cầu có rất nhiều thanh sắt xung quanh các mố, nhưng không biết tự bao giờ đã không còn”.

Ông Trần Thanh Thu (ngụ P.Bửu Hòa, TP Biên Hòa) - người từng bảo vệ cầu Ghềnh - nói: “Cầu Ghềnh từng có khung sắt bảo vệ nhưng bị người tháo đi đâu đó. Ai nói chân cầu không có khung sắt bảo vệ là nói sai sự thật”.

Liên quan vấn đề này, lãnh đạo Sở GTVT Đồng Nai cho biết sẽ tìm hiểu kỹ và chính thức trả lời trong hôm nay (23-3).

Ngày 22-3, tại khu vực cầu Ghềnh, công việc cứu hộ, cứu nạn vắng hơn. Một số người tham gia công việc ở khu vực này cho hay vẫn đang chờ phương án trục vớt nên một số lực lượng đã rút đi.

Tại hiện trường, nhóm kỹ sư của Công ty cổ phần Thiết kế kỹ thuật cảng biển (Bộ GTVT) đang tiếp tục đưa máy dò quét chướng ngại vật ở khu vực cầu Ghềnh bị sập trên sông Đồng Nai.

Kỹ sư Nguyễn Tấn Sơn, tổ trưởng nhóm khảo sát, cho biết đây là ngày thứ hai tổ chức việc dùng máy dò chướng ngại vật, thu thập hình ảnh.

Hiện toàn nhóm có 11 người, chia làm hai nhóm để lấy thêm nhiều góc ảnh nhằm phân tích các chướng ngại vật đang nằm dưới chân cầu Ghềnh.

Theo kỹ sư Sơn, nước chảy xiết quanh chân cầu nên nhóm gặp khó khăn. Dùng ghe lớn sẽ gặp chướng ngại vật, còn dùng ghe nhỏ không cẩn thận sẽ nguy hiểm khi nước chảy xiết.

“Trong hôm nay chúng tôi sẽ hoàn tất công việc dò xét chướng ngại vật, báo cáo hình ảnh cho cơ quan chuyên môn để Bộ GTVT tính toán các phương án trục vớt” - kỹ sư Sơn cho hay.

H.MI - A.LỘC - Đ.TRONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên