29/09/2016 17:26 GMT+7

Dân giàu Hà Nội đang rộ mốt đi xe đạp

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Tại hội thảo “Khuyến khích mô hình xe đạp công cộng tại Hà Nội”, được Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội phối hợp tổ chức ngày 28-9, nhiều ý kiến cho rằng đi xe đạp là ý tưởng tốt.

Bí thư Thành ủy Hội An nêu gương đi làm bằng xe đạp - Ảnh: H.D.
Bí thư Thành ủy Hội An nêu gương đi làm bằng xe đạp - Ảnh: H.D.

Hiện nay, nhiều nước châu Âu đang quay về đi xe đạp. Tuy nhiên, với điều kiện hạ tầng giao thông Việt Nam, vẫn còn những lo ngại mất an toàn cho người đi xe đạp.

Theo ông Khuất Việt Hùng - phó chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, đã có các nghiên cứu tính toán khoảng 40 - 45% số chuyến đi tại các đô thị hoàn toàn có thể đi xe đạp ở cự ly 4km.

“Bản thân tôi vẫn đi xe đạp đi làm” - ông Hùng cho biết và nói thêm những năm 1990 Việt Nam là thiên đường của xe đạp, nhưng thách thức lớn nhất để phục hưng xe đạp ở Hà Nội và các đô thị đó chính là xe máy. Bởi vì xe máy tiện dụng, tiếp cận rất cao, đi được nhanh và xa hơn xe đạp. Bên cạnh đó, có vẻ nhiều người xem sở hữu, đi ôtô như biểu tượng của sự thịnh vượng.

Trong khi đó, ở Hà Nội, theo ông Hùng, xe đạp hình như đang rộ lên như mốt mới trong giới có thu nhập cao khi dùng xe đạp cho hoạt động thể thao, giải trí. Thế nhưng, làm thế nào để xe đạp trở thành phương tiện đi lại trong những chuyến đi làm và chuyến đi bình thường của người dân còn phải kỳ vọng vào sự quan tâm của các bộ ngành, chính quyền địa phương.

Tuy nhiên TS Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông đô thị - cho rằng khuyến khích đi xe đạp là ý tưởng tốt nhưng điều kiện hạ tầng dành cho xe đạp hết sức khó khăn.

Các nước Hà Lan, Nhật Bản dành làn đường riêng cho xe đạp nhưng ở Hà Nội xe đạp đi lẫn xe máy tốc độ cao nên rất dễ xảy ra tai nạn. Những năm 1980, Hà Nội có 1,5 triệu xe đạp nhưng bây giờ đặt xe đạp là phương tiện chống ô nhiễm, phương tiện thể thao đối với người Việt Nam có quá sớm không khi xe máy vẫn chiếm ưu thế hơn về tốc độ, khả năng chở hàng hóa?

Ông Thủy cho rằng xe đạp khó cạnh tranh nên chỉ xem là phương tiện phụ trợ để kết nối với giao thông công cộng chứ không phải thay thế xe máy.

Ông Vũ Hồng Trường - chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội - cho rằng đi xe đạp ở Hà Nội là nguy hiểm nhất.

“Nên quan niệm xe đạp là gia vị của giao thông công cộng chứ không thể quay lại như thời điểm những năm 1980-1990. Hiện nay không có phương tiện nào đi lại gặp nhiều nguy hiểm như xe đạp tại Hà Nội vì không có đường để đi. Nên nghiên cứu phát triển, sử dụng xe đạp ở vị trí nào, khung giờ nào cho phù hợp. Chúng tôi có quan điểm dành vị trí ở ga đầu, ga cuối đường sắt đô thị để hỗ trợ xe đạp” - ông Trường cho biết.

Giảm xe cá nhân để đi bộ và xe đạp

Ông Khuất Việt Hùng cho biết năm 2013, Bộ GTVT trình Chính phủ đề án thực hiện các giải pháp phát triển hợp lý các phương thức vận tải tại các thành phố lớn. Sau đó, Thủ tướng đã có văn bản số 148/TTg-KTN chỉ đạo các thành phố với trọng tâm là nâng cao năng lực chất lượng vận tải hành khách công cộng gắn với quản lý sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân.

Trong nghiên cứu phương tiện cá nhân thì có mục tiêu giảm xe cơ giới cá nhân nhưng khuyến khích phương thức giao thông phi cơ giới là đi bộ và xe đạp.

Ồng Hùng cho rằng với một người thì trong một tuần hay một ngày có rất nhiều loại chuyến đi như đi làm, đi chơi, đi với mục đích giải trí, thể thao có thể dùng xe đạp. Những người làm văn phòng, công việc ổn định tại nhà xưởng liên tục tám tiếng rồi về mà có những chuyến đi không quá dài, quãng đường đi mà xe đạp không phải đi chung với các xe khác có vận tốc lớn thì có thể dùng xe đạp để đi làm.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên