16/08/2021 09:06 GMT+7

Dân cư có chịu 'di biến động' không?

DUYÊN TRƯỜNG
DUYÊN TRƯỜNG

TTO - Trước khi có thông tin một số chốt kiểm soát giao thông tại TP.HCM chiều 15-8 tạm dừng khai báo di chuyển nội địa (di biến động dân cư) gây ùn ứ, từ ngữ "di biến động dân cư" được nhiều người quan tâm, bình luận.

Dân cư có chịu di biến động không? - Ảnh 1.

Minh họa: DAD

Một số người vốn "ăn nói có trách nhiệm" đã... "thận trọng" thắc mắc: liệu dùng cụm từ "di biến động" có được không?

Tiếng Việt có một số lượng rất lớn từ hai tiếng (song âm), cả danh từ (cha mẹ, gia đình, xe máy, nhạc cụ...), tính từ (sáng chói, đẹp đẽ, lạnh lùng, mặn nồng...) cho đến động từ (chạy nhảy, ăn nằm, hoạt động, thực hiện...).

Có thống kê cho biết: từ hai tiếng có số lượng đến 75%, từ đơn âm chiếm 24%, từ ba tiếng trở lên có khoảng 1%.

Để tạo ra những khái niệm bao quát hơn, dân ta có kiểu nói gộp từ các từ hai tiếng.

Kiểu 1: từ toán lý hóa đến Hà Sơn Bình và... Cao Xà Lá!

Tiếng ta có thể rút gọn nhiều từ hai tiếng lại. Chẳng hạn như: môn sinh (sinh học), trường y (y khoa), cụ lý (lý trưởng), cậu tú (tú tài), hồng Lạng (Lạng Sơn), tương Bần (Bần Yên Nhân), nước Ý (Ý Đại Lợi), đội tuyển xứ Bồ (Bồ Đào Nha), con cò cái vạc cái nông (bồ nông), lão ấy vậy mà trình (trình độ) lắm đấy...

Sau khi rút gọn, dân ta có thể ghép chúng lại bằng cách nói gộp theo công thức ABC, thậm chí ABCD: học thêm toán lý hóa, luyện thi văn sử địa, ghi danh nông lâm súc, hoạt động văn thể mỹ, mô hình vườn ao chuồng, nhà nước công nông binh, toàn thể nam phụ lão ấu...

Kiểu nói gộp này đã được sử dụng làm địa danh hành chính. Từng có các tỉnh "Hà Sơn Bình" (gồm ba tỉnh cũ là: Hà Đông, Sơn Tây và Hòa Bình), "Hà Nam Ninh" (Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình), "Thanh Nghệ Tĩnh" (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh), "Bình Trị Thiên" (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên).

Sách Miệng thế gian (Nghiêm Minh, NXB Thanh Niên, 2013) có chép lại mấy kiểu nói năng dân gian đã thành "điển tích": Cao Xà Lá (về một khu công nghiệp ở Hà Nội, gồm ba nhà máy Cao su Sao Vàng, Xà phòng Hà Nội và Thuốc lá Thăng Long), lý sáng chỉ (về ba khoa trong nhạc viện gồm lý luận, sáng tác và chỉ huy dàn nhạc) hay công hợp xí (về ba loại hình công ty, hợp tác xã, và xí nghiệp)... Dĩ nhiên, cũng chỉ là để đùa vui!

Kiểu 2: Trật tự...lòng lề đường

Lại có một kiểu kết hợp khác.

Giả sử ta có hai từ hai tiếng dưới dạng AX và BX, liền có thể được gộp lại thành cụm từ dạng ABX (nông nghiệp + lâm nghiệp = nông lâm nghiệp), thậm chí ABCX (hải quân + lục quân + không quân = hải lục không quân).

Kiểu nói và viết này không hiểu vì sao thường xuất hiện trong các văn bản hành chính, trong các nghị quyết chỉ thị, trong hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội ở nước ta: bắt giữ tù hàng binh/ quân nhân đào bỏ ngũ/ trật tự lòng lề đường/ đội ngũ y bác sĩ/ liên sở nội ngoại vụ/ cơ cấu công nông nghiệp/ tình hình xuất nhập khẩu/ đổi mới trang thiết bị/ nhanh chóng sơ cấp cứu/ kịp thời sơ tổng kết/ tăng cường lãnh chỉ đạo...

Phải chăng vì lý do khái quát hóa, nhằm bảo đảm có thể bao quát hết mọi khả năng, mọi tình huống, mọi trường hợp, mọi đối tượng trong thực tế muôn hình vạn trạng của cuộc sống nên cơ quan quản lý cần một cách nói gộp để tránh bỏ sót những ngoại lệ đáng tiếc? Chẳng hạn, khi chúng ta nói "y bác sĩ", nghĩa là gồm luôn cả bác sĩ, y sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, hộ lý, nữ hộ sinh...

Thời gian qua, các nhà báo vẫn sử dụng cách nói gộp này thường xuyên cả trên báo in, phát thanh và truyền hình... Công chức vẫn sử dụng cách nói gộp này trong hội họp, báo cáo...

Trong tiếng Việt, để tạo nên một từ ngữ mới, chỉ có hai con đường.

Hoặc là bằng phương thức "đồng chủ tịch", tức các yếu tố được gộp ngang bằng nhau về tư cách từ pháp, bắt tay nhau tạo ra một "cơ cấu" mới, kiểu như "anh chị em", "Cao Bắc Lạng", "Phúc Lộc Thọ"... Đó chính là kiểu 1.

Hoặc là, theo quan hệ "chủ tớ", các yếu tố được gộp là các cấu trúc chính - phụ, trong đó có một yếu tố đóng vai trò chính, quyết định tất cả, kiểu như "bi hài kịch", "âm dương lịch", "hải lục không quân", "nông lâm ngư nghiệp"... Đó chính là kiểu 2.

Có thể hiện nay có người nghe chưa quen tai, nhưng cụm từ "di biến động" chính là cách nói gộp của hai từ: di động + biến động (kiểu 2). Nghĩa của từng từ này cũng rất rõ ràng, không cần giải thích gì thêm. Cũng có người đề nghị: chỉ cần nói "di chuyển nội địa" như trong mẫu khai báo là được rồi, ai cũng hiểu!

Xem ra, dân cư cần có thêm thời gian để chấp nhận... di biến động!

Di biến động - hiện tượng nói gộp trong tiếng Việt Di biến động - hiện tượng nói gộp trong tiếng Việt

TTO - Gần đây, một từ ngữ được sử dụng trong một số văn bản hành chính và trên báo chí là thuật ngữ 'di biến động' gây xôn xao vì nghe có vẻ lạ lẫm.

DUYÊN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên