Dân chủ trong trường học: nhìn từ các cuộc họp

TÙNG SƠN
TÙNG SƠN

TTO - Hiện trong nhà trường, trường nào cũng có khẩu hiệu về công khai và dân chủ. Thế nhưng, trong các cuộc họp, khi kết thúc ai cũng nhất trí dù trong lòng còn bộn bề nghĩ suy…

Vậy mà chẳng ai nói gì. Vì sao vậy?

Muốn được lãnh đạo ưu ái!

Đó là tâm lý chung. Đi làm, ai mà chẳng muốn được sự quý mến của các cấp lãnh đạo. Chẳng ai muốn mình là người mà tập thể nhìn vào bằng con mắt khác thường. Nếu lãnh đạo ưu ái, mọi công việc đều thuận lợi.

Nghề dạy học không chỉ đơn giản là giảng bài trên lớp cho học sinh hiểu, mà ngày nay còn kèm theo biết bao công việc liên quan. Đánh giá giáo viên hằng năm cũng vậy. Đó là sự đánh giá trên nhiều phương diện chứ không phải cứ học sinh làm bài tốt, thi được điểm cao là giáo viên được đánh giá tốt. Nói xa một chút, kể cả việc phấn đấu đi lên, nếu không có sự “dìu dắt” của lãnh đạo thì dù có tài giỏi đến đâu cũng vẫn cứ đợi đấy.

Trong nhà trường, mỗi vị trí công tác lại có những quyền lợi khác nhau. Ai được lãnh đạo quý, công việc sẽ đỡ vất vả, được phân công dạy lớp mà phụ huynh có điều kiện, quan tâm con cái. Ngược lại, sẽ chủ nhiệm lớp toàn những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn đủ bề...

Mà muốn được lãnh đạo ưu ái, điều đầu tiên là phải biết “ngồi im”.

Giáo viên trẻ đã biết câu “khôn nhà dại chợ”

Không ít thầy cô trẻ ngay từ lúc mới ra trường, khi đi làm, cha mẹ đã dặn: “Ai nói gì kệ người ta con nhé!”. Cái tư duy “khôn nhà dại chợ” đã bùng cháy ngay trong trái tim của không ít giáo sinh mới chập chững vào nghề.

Khi con mình được phân công về trường nào dạy, thường là cha mẹ đã phải đánh tiếng với hiệu trưởng: “Nhờ cô hết sức giúp đỡ cháu”. Giả sử cháu nào ngang bướng dám phát biểu trái chiều thì lập tức hiệu trưởng phản hồi về cha mẹ: “Tôi muốn giúp nó mà nó thật không biết điều”. Chắc rằng khi cô giáo trẻ về đến nhà sẽ nghe đủ những gì cha mẹ trách cứ. Vậy là mai đến trường, cô sẽ ngồi im ghi chép.

Còn một điều nữa có lẽ khổ hơn, đó là các thầy cô trẻ đã không dám nói trong cuộc họp rồi nhưng cũng chẳng dám phàn nàn gì ở những lúc giải lao, ngồi chơi. Vì nếu lỡ lời, đến tai hiệu trưởng thì phiền toái lắm.

Giáo viên già đơn độc trên bàn họp

Mới đầu, cũng có một vài cô có ý kiến phản hồi. Đáng lẽ ra cô A lên tiếng, cô B tiếp theo, rồi cô C ủng hộ hoặc phân tích đầu đuôi. Nhưng trong cuộc họp không diễn ra như thế. Cô A lên tiếng xong chẳng ai nói gì. Thậm chí chỉ cần vài tiếng nói theo “đúng rồi” cũng không nốt. Thành ra cô A lạc lõng giữa tập thể.

Ra về, cô A trách. Mấy cô trẻ bảo: “Cô B, cô C kỳ cựu thế còn lặng im, chúng cháu tuổi gì?”. Cô B và cô C tặc lưỡi, trước cũng nói rồi, vẫn thế thôi. Giờ các cô chán rồi”. Có lẽ ở đâu cũng thế. Các cô giáo có tuổi trước đây cũng đã phát biểu và thẳng thắn một thời. Nhưng tinh thần đấu tranh của các cô lần lượt bị bẻ gãy. Giờ đây, các cô đơn độc trên bàn họp nên dần dần các cô cũng lặng im. Vậy là chỉ còn “hiệu trưởng chủ” chứ không còn “dân chủ” nữa.

Trẻ muốn yên thân, già lo nghỉ trong êm ấm

Có thể hơi bi quan nhưng ở nhiều trường, tinh thần dân chủ và đấu tranh trong dân chủ trường học ngày càng suy yếu. Như trên đã nói. Trẻ thì lo bị trù úm, gây khó trong công tác. Ngoài ra, trẻ còn phải sống sao cho tròn trịa để còn được vào biên chế, công tác lâu dài.

Còn già thì sao? Còn mấy năm cuối đời công tác. Các cô bảo nói là nói cho lớp trẻ, các cô sắp chia tay rồi cần gì đâu. Nhưng bọn trẻ lại để lớp già lạc lõng giữa nghị trường, một lời phối hợp đấu tranh không có. Vậy thì còn nói làm gì nữa.

Như vậy là việc phát biểu xây dựng, tinh thần phê và tự phê trong các nhà trường đã hết.

Không lẽ cứ để mất dân chủ kéo dài?

Cuối năm, trên bản tự kiểm điểm bình thi đua hoặc bản kiểm điểm của đảng viên, thầy cô nào cũng viết dòng chữ “tinh thần đấu tranh phê bình còn hạn chế” vào mục khuyết điểm của bản thân.

Đúng là tinh thần đấu tranh đã hết. Tại sao chúng ta lại im lặng ngồi nghe và ghi lại những khoản thu dài sai luật để rồi xuống lớp thu những món tiền vô lý? Tại sao chúng ta dung túng và gián tiếp ủng hộ những công ty kỹ năng sống, tiếng Anh vào dạy thuê cho học sinh với giá cả đắt đỏ?

Quyền lợi của tập thể bị xâm phạm và quyền lợi của chính bản thân cũng bị xâm phạm. Sao các thầy cô lại lặng im?

TÙNG SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên