Phóng to |
Đường xuống phà Cần Thơ (phía Vĩnh Long) bây giờ vắng tanh - Ảnh: P.Nguyên |
Quán cơm của bà Lâm Thị Phúc ở ngay khu vực đường dẫn vào bến phà phía Cần Thơ vắng tanh. Bà Phúc cho biết lượng khách chỉ còn khoảng 1/5 so với trước, trong khi cả gia đình sáu người của bà sống dựa vào quán cơm này. Bà nói: “Từ ngày xây cầu Cần Thơ đến nay, gia đình tôi chưa nghe chính quyền thông báo gì việc giải tỏa bến phà này, nên giờ hoang mang không biết làm nghề gì thay thế”.
Chưa biết chuyển nghề gì
Chuyển đến nghiệp đoàn xe ôm khác Phía bờ Cần Thơ, ông Nguyễn Tấn Triều - chủ tịch UBND phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ - cho biết: “Những người bị ảnh hưởng ở đây chủ yếu là lực lượng xe ôm ở nghiệp đoàn xe ôm 1 và 2. Trước mắt, sau khi phà ngưng hoạt động, phường bố trí cho những anh em này về các nghiệp đoàn xe ôm khác để tiếp tục hành nghề”. Bà Nguyễn Ngọc Sương, giám đốc Sở LĐ-TB&XH Cần Thơ, cho biết thêm do cấm hàng rong trên bến phà nên lâu nay số người mua bán hàng rong ở phía Cần Thơ rất ít và sở chưa nhận được đề nghị hỗ trợ nào từ họ. Nếu họ có yêu cầu về việc học nghề, chuyển đổi nghề thì sở sẵn sàng tiếp nhận. |
Quán nước của ông Nguyễn Văn Be nằm ngay đường dẫn bến hạ lưu bờ Cái Vồn. Ông cho biết gia đình mấy đời bán nước giải khát tại bến phà này từ lúc phà Cần Thơ còn là chiếc phà gỗ kéo bằng dây. Giờ đây khi phà nghỉ chạy, ông chẳng có vốn để chuyển nghề khác, cũng không thấy chính quyền đến xem xét hỗ trợ cho dân nghèo khu vực này. Bây giờ mở cửa vẫn bán cho dân địa phương nhưng khách mua lèo tèo.
Theo thống kê của chính quyền, có 205 hộ kinh doanh của hai khóm 5 và 6 thuộc thị trấn Cái Vồn (huyện Bình Minh), hơn 400 người bán hàng rong ở đầu bến Cái Vồn và trên phà bị ảnh hưởng khi phà ngừng hoạt động.
Bộ chưa hồi âm
Bà Phan Thị Kiều Oanh, phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Bình Minh, cho biết: “Trước đây đã có 24 hộ được hỗ trợ vay vốn làm ăn, tuy nhiên số vốn vay của mỗi hộ cũng hạn chế, chủ yếu hỗ trợ họ tìm việc khác vì có chủ trương cấm bán hàng rong trên phà, chứ không đề cập việc phà ngưng hoạt động”.
Một cuộc khảo sát của chính quyền mới đây cho thấy đa số người dân khu vực bến phà có nguyện vọng vay vốn để tiếp tục buôn bán ở những nơi thích hợp, một số khác muốn chăn nuôi, đẩy xe đi bán dạo... Hộ đề nghị mức vay ít nhất là vài triệu, nhiều nhất 100 triệu đồng. Tuy vậy, hiện nay họ chưa nhận được hỗ trợ gì đáng kể cho việc chuyển đổi, người dân mua bán hàng rong ở bến phà lại chuyển sang buôn bán tạm bợ dọc hai bên đường dẫn cầu Cần Thơ phục vụ người tham quan cầu.
Ông Trương Thanh Phao, phó chủ tịch UBND thị trấn Cái Vồn, cho biết trước mắt lãnh đạo thị trấn đưa ra ba phương pháp hỗ trợ. Đối với các hộ có nhu cầu việc làm, chính quyền liên hệ với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Đối với các hộ có nhu cầu vay vốn để chuyển đổi ngành nghề, chính quyền liên hệ với Ngân hàng Chính sách xã hội và đối với những hộ có nhu cầu học nghề, UBND thị trấn kết hợp với trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm của huyện giúp họ. Ông Phao thừa nhận cho tới gần ngày khánh thành cầu mới nhận được chỉ đạo từ trên đi nắm số hộ bị ảnh hưởng khi phà ngưng hoạt động và tâm tư, nguyện vọng của họ.
Do không có khả năng giải quyết hỗ trợ ngay, nên ngày 13-4 UBND tỉnh Vĩnh Long đã có công văn đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận xem xét, hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án lâu dài hoặc hỗ trợ vốn cho các hộ dân buôn bán mưu sinh ở khu vực phà Cần Thơ có điều kiện chuyển đổi nghề, có việc làm để ổn định cuộc sống. Chiều 10-5, ông Trần Văn Thành, người phát ngôn của UBND tỉnh Vĩnh Long, cho biết tới thời điểm này UBND tỉnh chưa nhận được phản hồi nào của Bộ Giao thông vận tải, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận về đề nghị trên của địa phương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận