13/03/2023 09:19 GMT+7

Đầm Dơi và cảm xúc đặc biệt cùng tư vấn tuyển sinh

Sau 12 năm, chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ trở lại với học sinh huyện Đầm Dơi, để lại cho các thành viên ban tư vấn và người tham dự những xúc cảm đặc biệt.

Đông đảo học sinh huyện Đầm Dơi hào hứng tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp sáng 12-3 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Đông đảo học sinh huyện Đầm Dơi hào hứng tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp sáng 12-3 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Năm 2011, chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ lần đầu tiên về Đầm Dơi. Là một trong những thầy cô có mặt trong chuyến đi "lịch sử" ấy, ThS Nguyễn Thái Châu, giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Tài chính - Marketing, rất đỗi bồi hồi trong ngày trở về. Những kỷ niệm của chuyến đi 12 năm trước như sống lại trong buổi tái ngộ nơi cuối trời Tổ quốc sáng 12-3. 

Cần tương tác trực tiếp

Lúc ấy, đường đi Đầm Dơi xa xôi, trắc trở. Từ TP Cà Mau, thầy cô phải lên những chuyếc xuồng nhỏ, rẽ sóng nước hơn 20 cây số mới tới điểm tư vấn ở Trường THPT Thái Thanh Hòa, Đầm Dơi.

Khuôn viên trường khi ấy rất hẹp, chỉ có hai dãy phòng học nhỏ, nhưng học sinh đã đến đông vui từ sớm, đón chờ các thầy cô. "Có điều, các em nghĩ rằng vì các thầy đều là thạc sĩ, tiến sĩ nên các em phải rất nghiêm túc. Vì vậy, bắt đầu chương trình, các em... cứng đơ. Các thầy cô phải đến giao lưu, có thầy còn hát tặng các em để không khí gần gũi, rồi mới đi vào tư vấn" - ThS Nguyễn Thái Châu nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Thật - hiệu trưởng Trường THPT Thái Thanh Hòa - tâm sự 12 năm trước khi chương trình lần đầu đến với Đầm Dơi, ông là phó hiệu trưởng. Vì là một chương trình lớn đầu tiên đến với học sinh trong vùng nên cả trường ai cũng mừng.

"Cảm xúc lần này cũng không thay đổi. Dù hiện học sinh đã có nhiều điều kiện tương tác hơn, nhưng vẫn còn rất ít chương trình quy mô lớn đến huyện. Học sinh luôn muốn được tiếp xúc với thầy cô từ các trường đại học lớn, trực tiếp chia sẻ, được giải thích thêm những lăn tăn mà đôi khi tìm hiểu thông tin Internet không có được câu trả lời" - ông Thật nói.

Học sinh huyện Đầm Dơi đặt câu hỏi cho ban tư vấn chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp sáng 12-3 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Học sinh huyện Đầm Dơi đặt câu hỏi cho ban tư vấn chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp sáng 12-3 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Bước ngoặt thay đổi cuộc đời

Nghe tin buổi tư vấn tuyển sinh được tổ chức tại quê nhà sau nhiều năm, chị Kiều Diễm - cựu học sinh Trường THPT Đầm Dơi khóa 2008-2011 - sắp xếp công việc về gặp gỡ thầy cô và những học sinh đàn em. Chị chia sẻ 12 năm trước, như nhiều học sinh trong huyện, chị rất thích trở thành giáo viên, một phần vì công việc ổn định và phù hợp học lực.

Nhưng rồi mọi chuyện thay đổi từ khoảnh khắc gặp gỡ "định mệnh" giữa chị và ban tư vấn. Ngày hôm đó, chị được TS Phạm Tấn Hạ - nay là phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - phân tích về định hướng chọn ngành, chọn nghề, cũng như khuyên chị nếu muốn "bay nhảy", hãy cứ tự tin bước vào một chân trời mới, đối mặt với những thử thách mới.

Chị cũng gặp được các phóng viên nữ của báo Tuổi Trẻ tác nghiệp tại Đầm Dơi, và lập tức ấn tượng với một công việc năng động, thú vị. Cuối cùng, quyết định được "chốt hạ" khi chị được nhà báo Bùi Thanh - ủy viên ban biên tập báo Tuổi Trẻ - gửi lời khuyên: Nếu thật sự yêu thích, đừng sợ bất cứ điều gì mà hãy cứ dấn thân, bởi chỉ có làm một nghề đúng đam mê, bạn mới có hạnh phúc mỗi ngày.

Vậy là chị chuyển từ sư phạm sang đăng ký thi vào khoa báo chí, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - một quyết định can đảm lúc đó vì ngành lấy điểm chuẩn rất cao. Tuy nhiên, được học, được làm điều mình thích, chị ngày một tự tin. Giờ đây, chị đang là giám đốc nội dung cho một trang tin và là giám đốc của doanh nghiệp chuyên về truyền thông.

Trong buổi tư vấn ngày 12-3, chị Diễm ở lại đến cuối buổi tư vấn, chia sẻ với các học sinh đàn em về kinh nghiệm chọn ngành, chọn nghề. "Mình nhớ hoài một câu mình được tư vấn và giờ muốn gửi lại đến các em. Đó là đừng nên chọn nghề chỉ bằng cách nghe người khác nói thế này, thế kia, quan trọng nhất là các em phải nghe chính bản thân mình" - chị Diễm nói.

TS Phạm Tấn Hạ chia sẻ dù thời gian đã qua, Đầm Dơi vẫn còn là một vùng đất xa xôi, còn đó nhiều thách thức. Học sinh vẫn gặp một số giới hạn về điều kiện học tập, tiếp cận thông tin. "Trong chuyến đi này, tôi muốn truyền tải đến các em một thông điệp về khát khao. Chỉ có sự khát khao về sự phát triển, tự làm giàu cho bản thân, các em mới có thể thành công trong một vùng đất còn khó khăn, từ đó cũng sẽ góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp" - TS Phạm Tấn Hạ nói.

19-3: ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại Hà Nội

Chủ nhật 19-3, ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp sẽ diễn ra tại khuôn viên ĐH Bách khoa Hà Nội. Đây là ngày hội thứ ba trong năm nay, sau ngày hội tại TP.HCM và Cần Thơ. Tại ngày hội, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) sẽ cung cấp nhiều thông tin mới nhất về tuyển sinh, xét tuyển. Ngày hội cũng thu hút hơn 240 gian tư vấn từ các trường đại học lớn trên cả nước, sẽ giải đáp mọi thắc mắc về chọn ngành, chọn nghề cho thí sinh.

Không để học sinh vùng sâu, vùng xa thiệt thòi

ThS Nguyễn Thành Nam - Trung tâm tư vấn tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Tài chính - Marketing - cho biết suốt hơn 10 năm qua, ông và các đồng nghiệp đồng hành cùng chương trình tư vấn của báo Tuổi Trẻ trên mọi nẻo đường đất nước. Chuyến về vùng đất "cuối trời Tổ quốc" lần này, ba thành viên trong đoàn đi từ TP.HCM xuống Rạch Giá làm gian tư vấn cho chương trình 11-3, rồi băng qua Cà Mau, xuống Đầm Dơi sáng 12-3.

"Trong những chuyến đi xa, mỗi người trong đoàn sẽ phải làm được nhiều việc khác nhau. Đặc biệt, càng đi xa chúng tôi sẽ phải càng tìm hiểu thật kỹ tâm lý, nguyện vọng và xu hướng chọn ngành của các em, để chuẩn bị những tài liệu và thông tin hữu ích nhất cho các bạn tìm đến gian tư vấn" - ông Nam nói.

Trong khi đó, ông Đỗ Quốc Vinh - phòng truyền thông, Trường ĐH Trà Vinh - chia sẻ: "Dù với những chuyến đi xa đến những vùng còn khó khăn, chúng tôi vẫn luôn đem đến đủ những trải nghiệm, không để các em thiệt thòi. Ngoài tư vấn, chúng tôi vẫn có các trò chơi, có những phần quà dành cho các em. Chúng tôi cũng tổ chức những hoạt động cho thí sinh để góp thêm không khí sôi động tại mỗi điểm đến".

Yêu thương, nhiệt tình, đầy năng lượng

TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - trả lời câu hỏi của các em học sinh Ảnh: DUYÊN PHAN

TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - trả lời câu hỏi của các em học sinh Ảnh: DUYÊN PHAN

Từ Năm Căn, bạn Linh Đan - học sinh Trường THPT Quách Văn Phẩm - xuất phát từ 5h sáng, vượt gần 20km đến trường, rồi cùng các bạn tới địa điểm tư vấn. Linh Đan chia sẻ mình định hướng theo ngành giáo dục tiểu học, học xong thì trở về quê giảng dạy. "Vì đây cũng là hướng đi của nhiều bạn bè nên mình hơi băn khoăn. Mình sợ khi có quá nhiều người theo học, cơ hội kiếm việc sẽ giảm. Vì vậy mình đến chương trình để gặp các thầy cô tư vấn điều này" - Linh Đan nói.

Bạn Hồ Hoàng Lâm - học sinh Trường THPT Thái Thanh Hòa - xác định từ đầu năm học là sẽ theo hướng học công nghệ thông tin tại TP Cần Thơ. Điều Lâm băn khoăn là các hướng đi chuyên sâu trong ngành công nghệ thông tin: sự khác nhau và cơ hội ra sao. Lâm cũng muốn nghe thêm những câu chuyện về nghề từ thầy cô để hiểu hơn công việc sắp tới.

Chia sẻ tại chương trình tư vấn, ông Phạm Thanh Liêm - phó chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi - cảm kích sự yêu thương, nhiệt tình và đầy năng lượng của ban tư vấn dành cho huyện nói chung và dành cho học sinh nói riêng. "Ban tổ chức đã không ngại đường sá xa xôi với đội ngũ ban tư vấn đầy đủ các nhóm ngành đã đến đây và sẵn sàng cung cấp, giải đáp cho học sinh tất cả thông tin về tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng. Điều này giúp các em tự tin hơn trong việc chọn ngành, chọn trường, bậc học phù hợp với năng lực, sở thích của bản thân, hoàn cảnh kinh tế gia đình" - ông Liêm nói.

Đầm Dơi và cảm xúc đặc biệt - Ảnh 7.

Ký ức 12 năm tư vấn hướng nghiệp sống lại ở cực nam Tổ quốcKý ức 12 năm tư vấn hướng nghiệp sống lại ở cực nam Tổ quốc

Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2023 của báo Tuổi Trẻ trở lại Đầm Dơi, một huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh cực nam Tổ quốc - Cà Mau, sau 12 năm diễn ra ấm cúng và xúc động.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên