03/11/2017 17:16 GMT+7

Đảm bảo sức khỏe sau khi sinh

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đồng Nai
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đồng Nai

Không có sách y học nào nói về việc kiêng cữ tắm gội, hay bắt buộc phải đi hay không đi vớ (tất chân) sau sinh, cũng như nằm quạt hay không nằm quạt…

Đảm bảo sức khỏe sau khi sinh - Ảnh 1.

Xin đưa ra một số lời khuyên để các bà mẹ sau sinh có thể chủ động tự chăm sóc bản thân như sau:

Trước tiên, bạn và bé cần được nằm trong một phòng yên tĩnh, đủ ánh sáng, sạch sẽ, thoáng khí, giữ nhiệt độ phòng ổn định 22 – 24 độ C là tốt nhất.

Vệ sinh cơ thể

Hai ngày đầu sau sinh, lau người bằng nước nóng, thay quần áo sạch. Sang ngày thứ 3, tùy theo tình trạng sức khỏe mà bạn có thể tắm với sự trợ giúp của người thứ hai.

Tốt nhất khi tắm bạn nên ngồi trên một ghế nhỏ, tắm nước nóng dưới vòi sen, không tắm bồn vì nước bẩn đi vào tử cung dễ gây viêm nhiễm.

Những ngày sau tùy theo điều kiện thời tiết và sức khỏe mà bạn có thể tắm hàng ngày hoặc cách ngày. Nguyên tắc là tắm nhanh và tránh gió lùa.

Việc gội đầu không cần thường xuyên như tắm, thông thường cứ cách 4 - 5 ngày gội đầu một lần là được. Khi gội đầu dùng nước nóng và phải sấy khô tóc ngay.

Ngoài ra, cần chú ý vệ sinh răng miệng để phòng ngừa các bệnh về răng.

Bạn phải thường xuyên cắt móng tay và giữ vệ sinh sạch sẽ cho đôi tay để chăm sóc bé.

Sau sinh cơ thể bạn còn yếu, nên giữ ấm đôi chân cũng như toàn bộ cơ thể.

Vệ sinh bộ phận sinh dục đúng cách

Hàng ngày vệ sinh vùng kín ít nhất 4 lần vào sáng, trưa, chiều và trước khi đi ngủ, ngoài ra, mỗi lần đại tiện cũng cần rửa sạch. Chỉ rửa bộ phận sinh dục ngoài. Không được xối nước hoặc thò ngón tay vào rửa bên trong âm đạo. Rửa xong dùng khăn sạch thấm khô, đóng băng vệ sinh.

Theo dõi sản dịch hàng ngày, sản dịch bình thường có mùi tanh nồng, màu đỏ, sản dịch sẽ ít và nhạt màu dần dần, bình thường sẽ hết sau sinh 2 tuần. Nếu sản dịch màu nâu và có mùi hôi bạn phải thông báo ngay cho bác sĩ.

Vận động sau sinh

Sau sinh 6 - 8 giờ bạn có thể tự ngồi dậy, sau 12 giờ có thể tự tới nhà vệ sinh, ngày hôm sau có thể đi lại được. Ra khỏi giường vận động sớm có lợi cho việc co bóp và trở về vị trí cũ của tử cung, giúp sản dịch thoát ra ngoài, tăng nhu động ruột, tránh bí tiểu hoặc táo bón.

Việc vận động ở đây là vận động nhẹ nhàng chứ không phải hoạt động thể lực, càng không nên lao động chân tay quá sớm, rất dễ dẫn đến giãn thành âm đạo hoặc sa tử cung.

Những ngày đầu sau sinh có thể bạn sẽ cảm thấy khó đi tiểu tiện, tuy nhiên không nên nhịn mà đi tiểu càng sớm càng tốt, nếu bị táo bón bạn nên hỏi bác sĩ để được dùng thuốc nhuận tràng.

Ăn uống sau sinh

Bạn cần ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, ăn nhiều hơn bình thường (2.800 kcal/ngày).

- Chất đạm: Nên ăn thịt nạc (heo, gà, bò, tôm, trứng gà, cá, mực, thịt bồ câu…); ăn nhiều loại đậu như đậu nành, lạc, đậu đen, đậu đỏ, đậu hà lan, yaourt, sữa đậu nành...

- Chất béo nên dùng dầu thực vật.

- Chất bột đường: Cơm, cháo..., hạn chế ăn bún và các loại bánh kẹo, nước ngọt có gas, kem lạnh...

- Vitamin và khoáng chất: Ăn nhiều loại rau có lá xanh đậm, đỏ như rau ngót, rau dền, mồng tơi, bí đỏ, cà rốt, đậu hà lan, súp lơ xanh, khoai lang nghệ, các loại củ quả có màu cam... Các loại rau này cung cấp nhiều vitamin, chất xơ phòng chống táo bón rất tốt, ngoài ra chúng còn rất giàu betacaroten. Bổ sung các loại thực phẩm giàu chất sắt như lòng đỏ trứng, đậu hũ, mè, rau đay, đậu đen, đậu trắng, hạt sen. Ăn thêm các loại trái cây để bổ sung nguồn vitamin C…

Khi chế biến món rau nên hấp, luộc, nấu canh, phải nấu nhanh (để giảm sự thất thoát các vitamin). Thức ăn phải chín mềm, dễ tiêu và nên ăn khi thức ăn còn nóng ấm (40-50 độ C). Tránh ăn các thức ăn sống, nhiều chất chua (xoài xanh, khế chua, chanh, quýt chua, các loại gỏi…).

Khi ăn cũng cần nhai kỹ cho dễ tiêu, uống đủ nước (trên 2,5 lít/ngày) để có đủ sữa cho bé bú.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đồng Nai
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên