Tại buổi làm việc, ông Lưu Văn Trung - phó bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông - cho biết sau 20 năm tái thành lập tỉnh, ngành giáo dục của tỉnh có nhiều đổi mới, trong đó có đổi mới xã hội hóa giáo dục.
Cần hỗ trợ thêm cho giáo viên vùng sâu
Tuy nhiên, theo ông, nan giải nhất là số lượng học sinh tăng nhanh hằng năm, riêng năm học này cao hơn năm ngoái đến 7.000 em. Trong khi đó, số lượng giáo viên luôn thiếu và phải tinh giản biên chế (theo kế hoạch năm học 2023-2024, toàn tỉnh cần 11.728 giáo viên).
"Mong rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo và cấp có thẩm quyền xem xét, giao bổ sung cho tỉnh Đắk Nông là 1.021 biên chế giáo viên để đảm bảo công tác dạy học", ông Trung đề nghị.
Nói thêm về việc này, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết Đắk Nông là tỉnh có số lượng học sinh tăng nhanh, địa bàn phức tạp, nên cuộc sống của nhà giáo gặp nhiều khó khăn.
"Mong bộ trưởng nghiên cứu, đề xuất Chính phủ xây dựng chính sách tiền lương mới.
Trong đó lương của nhà giáo sẽ được trả cao nhất trong bảng lương công chức, viên chức, tương xứng với những đóng góp của họ.
Đặc biệt, có chính sách, chế độ phụ cấp phù hợp cho đội ngũ giáo viên mầm non, tiểu học công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn", bà Hạnh đề nghị.
Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định đối với giáo dục vùng Tây Nguyên, lãnh đạo bộ thấy mình có sự quan tâm, trách nhiệm. Giáo dục Tây Nguyên còn là sự phát triển bền vững.
"Cần có chiến lược hay nghị quyết về phát triển hệ thống các trường dân tộc nội trú và bán trú. Đây phải coi là nhóm việc trọng tâm, đặt mục tiêu con em đồng bào dân tộc thiểu số được đi học, đội ngũ giáo viên con em đồng bào dân tộc thiểu số có cuộc sống tốt hơn. Đây phải được xem là định hướng phát triển giáo dục của tỉnh", ông Sơn nói.
Theo bộ trưởng, năm học 2023-2024 và những năm tiếp theo, Đắk Nông sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Là thời điểm khối lượng công việc và các yêu cầu đặt ra trong triển khai đổi mới giáo dục phổ thông cần sự tập trung rất cao.
"Đây là thời điểm cần điều kiện, nguồn lực một cách tập trung nhất, ráo riết nhất. Cần thêm phòng học, mua sắm trang thiết bị trước thềm năm học mới…", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Về những khó khăn do thiếu giáo viên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận khó có thể giải quyết ngay. Do đó, cần từng bước với nhiều giải pháp khác nhau từ điều động, luân chuyển, bồi dưỡng đến tuyển mới, tạo nguồn tuyển mới...
"Một điều phải khẳng định Đắk Nông là tỉnh nghèo nên việc đầu tư cho giáo dục là một nhiệm vụ thường xuyên của Nhà nước.
Tuy nhiên, Đắk Nông cần đẩy mạnh hơn nữa xã hội hóa giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khối tư nhân mở hệ thống các trường ngoài công lập. Qua đó, sẽ giảm áp lực cho ngân sách và tăng lựa chọn cho học sinh", bộ trưởng gợi mở.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận