Tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư tuyến đường du lịch nối quốc lộ 1 vào Khu di tích Văn hóa Sa Huỳnh (thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi). Tuyến đường du lịch này được ví như "dải lụa mềm" vắt qua miền di sản.
Ngành văn hóa Quảng Ngãi đang rất kỳ vọng vào tuyến đường sẽ góp phần "phát quang" di tích quốc gia đặc biệt - Văn hóa Sa Huỳnh. Biến nơi đây thành vùng du lịch hút khách trong tương lai gần.
Chỉnh con đường vì... đầm An Khê
Trung tâm của miền di sản này chính là Sa Huỳnh, nơi các nền văn hóa Sa Huỳnh - Chăm - Việt đi xuyên qua. Dấu tích người xưa được kế thừa, nối tiếp đến giờ vẫn còn hiện diện khắp các "bậc thềm" thời gian. Vùng lõi di sản chính là đầm An Khê rộng hơn 350 ha. Dù chỉ cách biển vài chục mét, nhưng đầm nước ngọt này đã làm mê đắm giới khảo cổ trong, ngoài nước.
Có lẽ, với không gian di sản và cảnh quan tuyệt đẹp, Sa Huỳnh đã "in" chặt tên mình vào bản đồ du lịch nếu giao thông được kết nối sớm hơn. Tiếc là kho tàn di sản bị "khóa" lại trong thời gian dài, không trở thành động lực phát triển vì... giao thông.
Thấy được những bất cập này, năm 2019 Quảng Ngãi "tháo rào" bằng quyết định đầu tư tuyến đường dài 1,8 km nối quốc lộ 1 đến Nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh. Rất nhanh, việc khảo sát, thiết kế hướng tuyến được thực hiện.
Ông Võ Thành Trung - giám đốc BQL dự án nhớ lại "Thiết kế ban đầu của tuyến đường rất đẹp, tạo nên cung đường du lịch thơ mộng và là điểm nhấn cho du khách tham quan. Chỉ duy nhất một điều khiến chúng tôi trăn trở là nếu thực hiện như thiết kế sẽ phải đổ đất ra mặt đầm để tạo nền đường. Khi đó, sẽ tác động vào di sản. Vậy nên, chúng tôi quyết định mở hướng tuyến xuyên qua đồi cát thay vì hướng tuyến cũ để giữ lại sự vẹn nguyên của đầm".
Giờ đây, khi đi trên con đường, nhiều người bảo quyết định chỉnh tuyến của chủ đầu tư 3 năm trước là rất sáng suốt. "Dải lụa mềm" vẫn thơ mộng "ôm" lấy di sản ngàn năm.
"Nếu ngày đó không có những trăn trở và trách nhiệm, di tích đầm An Khê đã bị 'khuyết' đi một phần. Việc nắn tuyến đi xuyên qua đồi cát, thậm chí đã nâng tầm di sản khi tạo ra view ngắm đầm rất đẹp", ông Nguyễn Tiến Dũng - giám đốc Sở VHTT-DL Quảng Ngãi nói vậy.
Hiệu quả thấy rõ
Năm 2023, tuyến đường du lịch hoàn thành đưa vào sử dụng đã mang lại hiệu quả. Du khách đến Nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh nhiều hơn trước hàng trăm lần. Anh Bùi Sỹ Hùng (hướng dẫn viên ở Đà Nẵng) cho biết, năm 2023 anh đã 8 lần đưa khách tham quan đến đây bằng tổng khách 6 năm cộng lại.
"Từ ngày có đường, công ty tôi thường xuyên mở tour khám phá Sa Huỳnh. Lần nào đến chúng tôi đều dừng lại ở triền cát cho du khách chụp ảnh và ngắm nhìn đầm An Khê. Ai cũng trầm trồ", Hùng chia sẻ.
50 tỉ đồng đầu tư vào tuyến đường đã phát quang rực rỡ một không gian di sản rộng lớn. Tuyến đường như nối gần hơn với nền văn hóa cổ có từ 3.000 năm trước. Cuối năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký quyết định và trao bằng Di tích quốc gia đặc biệt đối với Văn hóa Sa Huỳnh.
Đầu năm 2023 tuyến đường đưa vào sử dụng đã nối gần 6 di tích thuộc Văn hóa Sa Huỳnh được khoanh vùng bảo vệ gồm: Long Thạnh, Thạnh Đức, Phú Khương, quần thể di tích Chăm Pa trong không gian Sa Huỳnh, đầm An Khê và sông Cửa Lỗ.
Ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi
Thật sự tôi rất ấn tượng khi tuyến đường mang lại hiệu quả ngay lập tức. Hiện tỉnh đã giao Sở VHTT-DL khẩn trương hoàn thiện quy hoạch không gian văn hóa Sa Huỳnh. Sau khi hoàn thành quy hoạch, tỉnh sẽ kiến nghị Bộ VHTT-DL hỗ trợ vốn để làm không gian trưng bày xứng đáng với tầm vóc của nền văn hóa này. Bằng mọi giá phải biến di sản thành tiền
Từ "dải lụa" vắt ngang qua miền di sản, xe 45 chỗ ra vào thoải mái, đậu đỗ thuận tiện. Du khách đến Sa Huỳnh tăng đột biến. Nhiều đoàn lữ hành lớn đã liên kết, đưa các đoàn khách từ khắp nơi đến tham quan, tìm hiểu văn hóa Sa Huỳnh. Đây là minh chứng rõ nét nhất về hiệu quả mà tuyến đường mang lại.
Ông Huỳnh Chí Cường, phụ trách Nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh, cho biết "Trước khi có tuyến đường trung bình mỗi tháng chỉ đón khoảng 50 - 100 khách, trong đó đa phần là giới nghiên cứu, học sinh và sinh viên. Còn giờ, mỗi ngày chúng tôi đón cả trăm khách ghé thăm Nhà trưng bày. Cuối tuần và dịp lễ, phải tăng cường cán bộ thuyết minh. Tuyến đường đã thay đổi hoàn toàn du lịch nơi này".
Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ, ông Đỗ Tâm Hiển tâm sự: "Nhiều người nói tuyến đường như dải lụa, còn với địa phương, tuyến đường là 'chiếc chìa khóa' mở cửa Sa Huỳnh ra cho du khách thưởng lãm. Giao thông kết nối, thị xã Đức Phổ tự tin đầu tư để di sản thành tiền, thay đổi cuộc sống của người dân".
Văn hóa Sa Huỳnh được nhà khảo cổ học người Pháp M. Vinet phát hiện lần đầu tiên vào năm 1909 ở cồn cát cạnh đầm An Khê (Phổ Thạnh, Đức Phổ) với khu mộ chum có rất nhiều hiện vật giá trị.
Càng về sau, giới khảo cổ phát hiện thêm nhiều hiện vật, như mộ chum, trang sức, dụng cụ lao động độc đáo, không gian sinh sống... của nền văn hóa cổ Tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh kéo dài từ 2.000 năm trước Công nguyên (thời đại đồ đồng đá) đến cuối thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên (thời kỳ đồ sắt).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận