20/09/2012 10:30 GMT+7

Đài khí tượng thủy văn "lưu động"

ĐỨC TUYÊN - QUANG KHẢI
ĐỨC TUYÊN - QUANG KHẢI

TT- “Để em gọi cho cô Lan (thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ) hỏi về thời tiết” - Nguyễn Minh Vương, thuyền trưởng tàu BD94439TS, nói trước khi ra khơi xa đánh bắt cá trên vùng biển Đông máu thịt của Tổ quốc.

EJseVufD.jpgPhóng to
Là người có 39 năm gắn bó với ngành dự báo khí tượng, ThS Lê Thị Xuân Lan luôn trăn trở làm sao đưa những thông tin thời tiết bất thường đến ngư dân, nông dân một cách nhanh nhất - Ảnh: Q.KHẢI

Vương thổ lộ rằng hầu như tất cả thuyền trưởng đánh bắt cá anh quen biết đều có số điện thoại di động của thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan. “Bọn em hỏi gì về thời tiết cô ấy cũng nói hết. Chắc cô thương ngư dân. Có hôm gọi điện cô đang họp, tí cô ấy gọi lại. Cô Lan nói thời tiết tụi em rất an tâm... Nghe tiếng cô xong là ra khơi vững dạ” - Vương bộc bạch. “Tôi xúc động đến nghẹn lòng khi đọc những lời tâm sự này của anh ngư dân ở kỳ 3 “Ân tình của biển” - trong loạt bài “Ra khơi cùng ngư dân” - đăng trên Tuổi Trẻ ngày 15-9 vừa qua. Được ngư dân tin tưởng là một điều hạnh phúc quá lớn lao đối với tôi...” - ThS Lê Thị Xuân Lan trải lòng tâm sự.

Cánh chim báo bão

Để đáp ứng kịp thời nhu cầu của bà con ngư dân, nông dân hỏi về tình hình thời tiết, ThS Lan cho biết luôn sạc pin điện thoại đầy và để “online” 24/24 giờ. Trong điện thoại cũng như trí nhớ của bà luôn hiện diện hàng trăm số điện thoại của bà con ngư dân, nông dân trên khắp các vùng miền của Tổ quốc. Đa số mọi người chưa một lần gặp mặt, có nông dân biết tên nhưng cũng có những ngư dân bà chỉ lưu bằng ký hiệu, số tàu nhưng khi bà con gọi đến, hầu như “cô Lan” - cách gọi thân thương của ngư dân - đều nhận ra giọng họ.

Từ đất liền, giọng nói “cô Lan” bay ra biển Đông, đến khắp các vùng biển của Tổ quốc, lan vào các tỉnh miền Tây Nam bộ và Đông Nam bộ, đưa những thông tin thời tiết nóng nhất đến với bà con. Ngày thường “cô Lan” thường nhận được hàng chục cuộc điện thoại. “Riêng ngày có dông bão cứ khoảng vài chục phút tôi lại nhận được điện thoại của bà con ngư dân hỏi về đường bão đi, nguy cơ ảnh hưởng. Những ngày không bão, tối tôi thường để điện thoại chế độ rung, nhưng khi có dông bão máy luôn để chuông lớn nhất. Chỉ sợ mình ngủ thiếp đi khi bà con gọi đến!” - ThS Lan tự xem mình như là “người lính” canh bão và tận tâm “làm phước” cho bà con ngư dân, nông dân.

Bà Lê Thị Xuân Lan sinh ngày 19-1-1955 tại Quảng Nam - Đà Nẵng. Chính tình yêu với biển và với ước mơ táo bạo trở thành thuyền trưởng, bà thi vào khoa vật lý lưu quyển của Trường ĐH Khoa học Sài Gòn (trước 1975). Tuy nhiên năm cuối ĐH, trong một lần đi tàu ra vùng biển Nha Trang thực tập, bà Lan ngất ngư say sóng nên thôi ước mơ này.

Sau khi ra trường, bà Lan làm việc tại Đà Nẵng một thời gian rồi được điều động vào TP.HCM làm việc tại Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho đến nay. Với 39 năm trong nghề, nay đã về hưu, nhưng ThS Xuân Lan vẫn “trụ” với công việc để phục vụ bà con ngư dân, nông dân.

Ai đã một lần đi biển mới hiểu được khát khao muốn biết thông tin về thời tiết trên biển như thế nào. Trước khi ra khơi, trong mênh mông biển đêm, điều ngư dân sợ nhất là gặp dông bão. Do đó, khi thấy trời có dấu hiệu “trở chứng”, nếu có sóng điện thoại là ngư dân “alô” cho bà Lan ngay. 17g37 ngày 18-9, vừa ngồi xuống ghế nói chuyện với chúng tôi, chiếc điện thoại của bà Lan đã rung lên. Màn hình hiện lên số điện thoại 0949... “Ngư dân gọi!” - ThS Lan nói vội rồi bắt máy: “Alô, sóng dữ quá hả..., tàu em đang ở đâu?... À, vùng đó đang bị ảnh hưởng của áp thấp thôi, chưa có bão đâu. Hiện có một cơn áp thấp nhiệt đới có khả năng hình thành thành bão nhưng hướng đi của nó vào vùng biển của Nhật Bản thôi. Có gì hai, ba ngày sau gọi lại chị để nắm thông tin cho chắc nha em”.

Ngư dân Lê Đức Tuấn (Tuy Hòa, Phú Yên) cho biết gia đình anh đã nhờ “cô Lan” mà nhiều năm liền tránh được biết bao hiểm nguy bão tố. Gia đình Tuấn có nhiều đời làm nghề câu cá ngừ đại dương, ở trên biển nhiều hơn đất liền nên xem “cô Lan” như ân nhân của mình. Tuấn kể có lần thấy trời “trở chứng”, anh em Tuấn gọi cho bà Lan và nhận được tin bão. Thông qua Icom, anh em Tuấn báo bão cho các tàu cá khác.

“Cả chục chiếc tàu lũ lượt vừa kéo nhau vào cảng thì cũng là lúc cơn bão với sức gió cấp 10, giật cấp 11 tràn đến, quất tả tơi mặt biển. Hú hồn!” - Tuấn kể.

Trăn trở với nghề

ThS Lan khoe đã có nhiều người cùng tự nguyện góp phần đưa thông tin báo bão đến bà con ngư dân. Đáng quý như trường hợp anh Nguyễn Thanh Nam, người phụ trách Icom cộng đồng tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Anh cho biết từ khi được trao đổi thông tin thời tiết thường xuyên với bà Lan đã giúp khoảng 500 tàu đánh bắt xa bờ do anh quản lý luôn được an toàn mỗi khi có áp thấp nhiệt đới hay bão.

Ngư dân khi ra khơi gặp trăm ngàn khó khăn, cực khổ. Tàu ngư dân trên biển như những chiếc lá tre, vỏ trấu trước muôn trùng bão tố. Trong câu chuyện nghề với chúng tôi, hơn mười lần ThS Lan nhắc đến “chữ tâm” trong nghề dự báo thời tiết. “Sinh mạng bà con ngư dân nằm trong tay người làm thời tiết”.

Tuy về hưu nhưng ThS Lan cho biết mình vẫn luôn trau dồi kiến thức, khuyên nhủ các học trò học tập và đặc biệt là phải có “cái tâm” nghề trong sáng để phục vụ nhân dân là vậy. Bởi theo ThS Lan, ngư dân, nông dân, bà con sống trong các vùng quê, đồi núi... người càng nghèo càng cần thông tin thời tiết để tránh được thiên tai, bão lũ. Hết lòng với nghề, trọn ý phục vụ người dân nhưng “cô Lan” nhiều khi cũng cảm thấy mình như có lỗi với bà con ngư dân, nông dân. “Tôi cố gắng dự báo thời tiết chuẩn xác nhất có thể, thế nhưng nhiều khi thông tin mình đưa ra không đến được với người cần” - ThS Lan trăn trở.

Bà Lan cũng không khỏi bức xúc khi nhiều nơi bà con chưa nhận được thông tin báo bão trước đó. “Có khi bão đến nơi rồi mà tôi thấy có đài địa phương vẫn còn ra rả phát cải lương, ca nhạc, thiếu hẳn những thông tin báo bão cho bà con biết” - ThS Lan kể. Bà cho rằng ngư dân là người phát triển kinh tế biển, là cột mốc biên cương góp phần vào việc bảo vệ chủ quyền biển đảo cho Tổ quốc thì cần được thụ hưởng những chính sách, quan tâm của Nhà nước. Hãy dùng sóng vệ tinh hoặc các thiết bị điện tử, điện thoại... để cung cấp thông tin thời tiết kịp thời, đầy đủ nhất đến bà con ngư dân cũng như người dân cả nước. Cần có “trung tâm thông tin báo bão 24/24 giờ” để ngư dân, người dân chỉ cần nhắn tin, gọi điện thoại vào “trung tâm” ấy bất cứ lúc nào là nhận được thông tin mình cần.

“Có như thế mới giảm thiểu được những thiệt hại to lớn bởi những năm tới tình hình bão lụt sẽ ngày càng phức tạp” - ThS Lan mong ước và đề xuất.

Sau những lần thoát bão, trúng mẻ cá lớn, thuyền về đầy khoang, ngư dân thường cảm ơn và tặng quà gì cho “cô Lan”? - chúng tôi hỏi vui. “Cô Lan” của bà con ngư dân vừa cùng chồng lui cui chuẩn bị bữa cơm tối vừa cười nhẹ nhàng, thổ lộ: “Quà tôi nhận là những lời bà con thông báo đã thoát bão, an toàn vào đảo hay đất liền rồi. Khi ấy là những lúc tôi cảm thấy hạnh phúc nhất”.

ĐỨC TUYÊN - QUANG KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên