04/11/2009 06:19 GMT+7

"Đại hồng thủy 1999", chuyện kể sau 10 năm - Kỳ 4: Quyết định sinh tử

ĐĂNG NAM
ĐĂNG NAM

TT - Trong khi nước lụt tháng 11-1999 vẫn còn ngâm thì đầu tháng 12 trời lại “hành” thêm cơn lụt lớn. Lần này Quảng Nam là nơi diễn ra ác liệt nhất. Vào thời điểm căng thẳng đó, dưới chân của đại công trình thủy lợi Phú Ninh (Quảng Nam) lúc bấy giờ có một câu chuyện bí mật, liên quan đến sinh mạng hàng ngàn người dân. Phải một thời gian sau đó câu chuyện mới được tiết lộ.

"Đại hồng thủy 1999", chuyện kể sau 10 năm - Kỳ 4: Quyết định sinh tử

TT - Trong khi nước lụt tháng 11-1999 vẫn còn ngâm thì đầu tháng 12 trời lại “hành” thêm cơn lụt lớn. Lần này Quảng Nam là nơi diễn ra ác liệt nhất. Vào thời điểm căng thẳng đó, dưới chân của đại công trình thủy lợi Phú Ninh (Quảng Nam) lúc bấy giờ có một câu chuyện bí mật, liên quan đến sinh mạng hàng ngàn người dân. Phải một thời gian sau đó câu chuyện mới được tiết lộ.

ImageView.aspx?ThumbnailID=372626
Với dung tích chứa 344 triệu m3 nước, hồ Phú Ninh hiện là hồ thủy lợi lớn nhất miền Trung và đứng thứ hai ở VN chỉ sau hồ chứa nước Dầu Tiếng (Tây Ninh). Trong ảnh: du khách câu cá trên hồ chứa nước Phú Ninh - Ảnh: TẤN VŨ
ImageView.aspx?ThumbnailID=372734
Nước lũ trừ trên núi đổ xuống xé toạt con đường qua đèo Hải Vân khiến giao thông ngưng trệ. Một chiếc cầu tạm được bắt qua để hàng cứu trợ được chuyển kịp thời ra Huế - Ảnh: Văn Thanh
ImageView.aspx?ThumbnailID=372735
Đường sắt qua đèo Hải Vân bị đất đá vùi lấp, nặng nhất tại cửa hầm số 7 - Ảnh: Văn Thanh

>> Kỳ 1: Lụt chưa từng thấy>> Kỳ 2: Cuộc giải thoát 57 học sinh>> Kỳ 3: Hòa Duân bãi bể nương dâu

Bức điện mật số 53

Dẫu đã nghỉ hưu nhiều năm nhưng mỗi khi có ai nhắc đến câu chuyện chống lũ năm 1999 là ông Lê Trí Tập (chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam lúc bấy giờ) lại căng thẳng như mười năm trước. Vị tư lệnh chiến dịch “giải cứu” đập Phú Ninh một thời trầm ngâm nhớ lại.

Quảng Nam sau nhiều ngày mưa to, khắp nơi nước ngập trắng đồng. Điện thoại các địa phương tới tấp gọi về ban chỉ huy phòng chống bão lụt tỉnh, báo tin nước trên các sông, hồ đang lên cao bất thường, đề nghị lãnh đạo tỉnh cho ý kiến chỉ đạo xử lý. “Thấy tình hình cấp thiết, tôi quyết định lên xe đến ngay các huyện phía bắc của tỉnh. Khi ấy, điều quan tâm nhất chưa phải là nước đang dâng cao trên các triền sông mà là hai hồ chứa nước Phước Hà và Cao Ngạn ở Thăng Bình. Tuy dung tích chứa chỉ vài triệu mét khối mỗi hồ nhưng nếu hai hồ này mà có mệnh hệ gì thì chết”, ông Tập nhớ lại.

Điện thoại cho ông Tập, chủ tịch huyện Thăng Bình khi ấy là ông Nguyễn Hữu Hiệp cho hay đập Phước Hà đã vỡ một đoạn bên hông, riêng Cao Ngạn nước sắp tràn qua thân đập. Với kinh nghiệm của một kỹ sư thủy lợi lâu năm, ông Tập lệnh: “Xuống ngay thị trấn Hà Lam, có bao nhiêu bao cát, bao tải mang gấp lên Phước Hà, Cao Ngạn, cho quân đội hành quân theo đường sắt gấp rút có mặt ở Phước Hà ngay. Tôi sẽ lên đó bây giờ. Ai để nước tràn qua đập Cao Ngạn tôi sẽ kỷ luật”.

Hồ chứa nước Phú Ninh được khởi công xây dựng năm 1977, hoàn thành năm 1986 với dung tích chứa 344 triệu m3 nước, là hồ chứa lớn nhất ở miền Trung và thứ hai của cả nước chỉ sau hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh). Hồ Phú Ninh có nhiệm vụ tưới tiêu cho hơn 23.000ha lúa và hoa màu của năm huyện và TP của tỉnh Quảng Nam.

Chỉ trong vòng mấy giờ sau, hồ Phước Hà và Cao Ngạn đã được “hàn miệng”, tạm thời cứu nguy. Ông Tập cùng mọi người lên xe, nhưng vừa tới địa phận Đà Nẵng thì ông nhận được điện thoại từ Tam Kỳ cấp báo: hồ Phú Ninh đang nguy cấp, nước đổ về quá lớn có khả năng vượt mức gia cường trên 35m.

Chưa kịp hoàn hồn, tính toán thế nào thì ông nhận tiếp một cú điện thoại từ Hà Nội do đích thân Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ gọi, thông báo Ban phòng chống bão lụt trung ương vừa có điện mật số 53: yêu cầu bằng mọi giá phải bảo vệ bằng được hồ Phú Ninh.

Lúc đó, toàn bộ các tuyến đường nối Đà Nẵng với Tam Kỳ đều đã bị lũ chia cắt. “Bảo vệ hồ Phú Ninh nghĩa là phải xả lũ, phá đập. Tôi đang ở Đà Nẵng mà như ngồi trên đống lửa”, ông Tập nhớ lại.

ImageView.aspx?ThumbnailID=372709
Ông Lê Trí Tập - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Ảnh: Đăng Nam 

“Cho tôi nâng đập lên 30cm nữa”

Sáng 4-12-1999, trời vẫn mưa như trút nước, nhìn lên phía đầu nguồn mây vây kín đặc một góc trời, không hề có dấu hiệu nào cho thấy trời sắp ngừng mưa. Quá sốt ruột vì mực nước hồ Phú Ninh mỗi lúc một lên cao, ông Tập nói: “Mấy anh em trong tỉnh đề xuất đưa xe lội nước ra chở tôi vào, nhưng tôi bảo để tôi tự đi vào bằng đường xe lửa cũng được. Đúng vừa lúc đó thì đường sắt đoạn qua Bàu Tai (Gò Nổi, Điện Bàn) bị lũ cuốn trôi.

Đường bộ: thua, đường sắt: thua. Chỉ còn cách duy nhất là xin nhờ một chuyến trực thăng của sư đoàn bay 372. May quá mấy anh bên sư đoàn 372 đồng ý. Vậy là tôi khẩn cấp ra sân bay quay trở lại Tam Kỳ”. “Nhìn qua ô cửa kính trực thăng, cả một vùng nước trắng xóa kéo dài từ Điện Bàn, Duy Xuyên đến Thăng Bình, Tam Kỳ”... trông mà xót xa. Nếu bây giờ xả lũ nữa thì coi như dân mình chẳng khác gì đàn kiến trôi trên biển nước, chết hết”, lòng dạ ông Tập rối bời.

Trực thăng chở ông Tập vừa đáp xuống quảng trường trước cổng UBND tỉnh Quảng Nam không bao lâu thì chiếc trực thăng chở đoàn công tác Chính phủ do Bộ trưởng Lê Huy Ngọ dẫn đầu cũng hạ cánh. “Tôi nhớ khi ấy là 3 giờ chiều 4-12. Vừa xuống máy bay, anh Ngọ bảo: Cho tôi lên đập Phú Ninh ngay! Xe lội nước đã sẵn sàng, nhưng tôi không đi theo đoàn anh Ngọ vì với Phú Ninh tôi quá hiểu”, ông Tập kể.

Sau khi đi thị sát tình hình về, đúng 7 giờ tối Bộ trưởng Lê Huy Ngọ đề nghị họp khẩn cấp. Khi ấy nước hồ Phú Ninh đã lên đến cao trình 35m. Mức báo động đỏ buộc phải xả lũ nếu không sẽ vỡ.

“Vừa vào cuộc họp anh Ngọ liền rút trong túi áo bức điện mật số 53 đưa cho một thành viên trong đoàn đọc. Bức điện dài nhiều ý, nhưng trong đó có một ý quan trọng: “Để đảm bảo an toàn đập chính, khi mực nước hồ vượt mức gia cường (35,4m) thì phải xả lũ qua tràn phụ Long Sơn để cứu hồ”.

Điều này đồng nghĩa với việc phải khẩn cấp di dời 600.000 dân nằm ngay dưới chân đập. Một tình huống quá ngặt nghèo vì chưa khi nào chúng tôi nghĩ đến điều này nên không hề chuẩn bị phương án di dân. Đã vậy thời điểm di dân là lúc nửa đêm, không thấy đường đi. Mà di dân đi chỗ nào bây giờ khi mà mọi nơi nước dâng bốn bề? Điện thoại về các huyện thì nghe tin báo: hầu hết người dân đang ngồi trên nóc nhà”.

Cuộc họp diễn ra hết sức căng thẳng. Ông Tập quay về phía Bộ trưởng Lê Huy Ngọ: “Với kinh nghiệm của mình, tôi đề nghị cho phép được nâng đập Long Sơn lên thêm 30cm nữa. Với mức nâng này, hồ Phú Ninh có thể chứa thêm 17 triệu m3 nước. Như vậy chúng ta sẽ cầm cự đến sáng mai. Khi ấy nếu trời còn tiếp tục mưa, đập không chịu nổi nữa thì phá đập. Mà lúc ấy quyết định phá đập không phải là người nữa mà là trời”. 10 phút rồi 15 phút trôi qua, cả hội trường lặng im phăng phắc. Để phá tan bầu không khí căng thẳng, Bộ trưởng Ngọ yêu cầu giải lao. Đoàn công tác Chính phủ vào hội ý riêng.

Chừng 10 phút sau Bộ trưởng Lê Huy Ngọ quay lại, gật đầu đồng ý. Nhưng làm cách nào để thực hiện ý tưởng đó khi tất cả mọi nơi đều bị cô lập? “Tôi đã bố trí 300 quân cùng 2.000 bao cát đã vào đất sẵn sàng. Chỉ cần có lệnh là chừng nửa giờ sau đập Long Sơn sẽ được nâng lên đúng kế hoạch”. Nghe vậy mọi người trong đoàn trố mắt. Thì ra ông Tập đã cho tập kết lực lượng và vật tư sẵn sàng, chỉ chờ giờ G là thực hiện. Đập Long Sơn được nâng lên 30cm, nhưng suốt đêm đó cả ông Tập lẫn mọi người không hề chợp mắt. Tất cả đều nhìn ra ngoài trời. Mưa vẫn rơi như thách thức lòng người.

Đúng 5g sáng 5-12, tin từ đập hồ Phú Ninh báo về: nước đang dao động ở cao trình 34,44m và đang rút dần. Đúng 6g sáng, qua sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, giọng chủ tịch Lê Trí Tập reo vui: “Đã bảo vệ an toàn đập Phú Ninh rồi, đồng bào yên tâm”.

ĐĂNG NAM

_________________________

Trong cơn đại hồng thủy lịch sử năm 1999, biết bao tấm gương hi sinh vì đồng bào mình. Có người nói cơn lũ 1999 được xem là lịch sử và cũng tạo ra một kỳ tích lịch sử khác về tình người.

Kỳ tới: Không cứu họ thì mình sống với ai!

=====================================================================

Ký ức của bạn đọc

* Chùa tôi ở vùng đồi núi nên lũ lụt không phải chịu cảnh ngập nước dù nước lên cao tới cỡ nào. Năm 1999 cũng vậy. Người trong chùa tôi ở từ nhiều miền đất khác nhau nhưng chủ yếu vẫn là Huế, Quảng Trị. Khi mùa bão lũ đến, những người ở miền biển Thuận An, ở gần sông Thạch Hãn lại đứng ngồi không yên.

Trận lụt năm 1999, chúng tôi đã không liên lạc được với gia đình chỉ sau 2 ngày mưa lớn. Có Phật tử vào thăm chùa chưa về kịp, không kìm lòng được cứ cầm tay tôi mà khóc: "Cô ơi, về thì còn bà con mô nữa cô ơi". Từ chùa tôi về trung tâm thành phố là con đường lên xuống vì miền đồi núi. Những đoạn đường thấp thì ngập nước rất sâu.

Trời hơi tạnh, chúng tôi về chùa Từ Đàm, nơi có bếp cơm nấu phục vụ cho bà con vùng lũ nào có thể tiếp cận được. Từ chùa Từ Đàm vào khu vực Thành Nội phải dùng nhiều phương thức di chuyển. Những tu sĩ trẻ chúng tôi gánh cơm đi bộ từ chùa Từ Đàm về đến cầu Phú Xuân (không đi bằng xe máy được vì chỉ xuống dốc Bến Ngự thì đã phải lội nước), rồi thì đi bằng thuyền nhỏ mới vào được nhà dân vùng Tây Lộc, Chi Lăng... Ngoài ra còn những nơi phải nhờ sự kết hợp của ca-nô chính quyền.

Cơm và muối, chỉ có bấy nhiêu nhưng chỉ làm trong 3 ngày đã nghe gạo hết. Lúc đó không phải có tiền là có thể mua được gạo và mì. Chùa tôi còn mấy bao gạo, thầy tôi nói chỉ chừa lại khoảng 2 bao cho chùa đủ ăn đến ngày nước rút còn chở về chùa Từ Đàm hết. Cả củi nữa. Tôi biết bằng sự đóng góp như thế từ nhiều chùa cũng như gia đình Phật tử, bếp cơm Từ Đàm đã đến với người dân vùng lũ cho đến ngày bình yên trở lại.

Nhưng chỉ là những nơi tiếp cận được thôi. Đi bộ nhiều, lại lội trong nước lũ đục ngầu, lũ qua lâu mà chân tôi còn in hình quai dép với vết lở rất lâu sau đó mới lành. Những ngày gánh cơm đó, lũ còn lớn lắm, nhà tôi vẫn không liên lạc được. Cách con sông, tôi biết không cách gì người ta có thể đến để giúp đỡ người dân quê tôi. Khi cẩn trọng vắt cơm, gói muối bỏ vào, thi thoảng tôi nghĩ đến người thân của mình bị chia cắt nơi miền nước mênh mông kia...

Và mỗi năm mưa lũ cũng lại về. Và mỗi chia sẻ của khắp mọi miền dành cho miền Trung cũng lại sẽ đến như khúc ca mừng mỗi cơn bão lũ đã qua đi của người còn ở lại.

Một bạn đọc

* Tháng 11-1999, tôi nằm viện suốt 28 ngày, đó là lần đầu tiên tôi bị ốm nặng và phải điều trị dài ngày đến thế. Một mình ở trong căn phòng rộng lớn, trống hoắc tại Bệnh viện C - Đà Nẵng, tôi chỉ biết đến trận lũ bên ngoài qua thông tin từ gia đình và bạn bè. Qua cửa kính, tôi thấy đường phố lai láng nước. Ba mẹ vào chăm sóc tôi, quần xắn đến tận đầu gối. Mẹ bảo miền Trung đang có lũ, nước ngập đầy đường, nhà mình ở ngay trung tâm thành phố thì không sao, chỉ lo nhà ngoại ở vùng thấp tại huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) chắc chắn nước sẽ ngập lút mái.

Tôi hình dung dáng ngoại liêu xiêu chạy lũ. Nhưng cho dù thế nào, ngoại cũng không chịu rời mảnh đất thấp trũng đó - nơi ngoại đã gắn bó suốt cuộc đời. Năm nào sau bão lũ, sau khi đi sơ tán, ngoại lại trở về căn nhà với vệt đen của bùn đất còn bám lại trên tường, gần sát trần.

Tôi đếm từng ngày mong mình nhanh chóng khỏi bệnh để về nhà, để mọi người không phải tất tả chạy giữa trời mưa đi thăm nom tôi. Hơn hết tôi lo lắng sẽ không được thi học kỳ nếu nghỉ học quá lâu, sẽ mất điểm các bài kiểm tra giữa kỳ. Sau hai năm học đại cương, giai đoạn năm thứ ba rất quan trọng vì lúc đó Đại học Đà Nẵng bắt đầu tính tổng điểm vào kết quả học tập của mỗi sinh viên cho đến khi tốt nghiệp. Ngày nào các bạn của tôi cũng phân công nhau vào bệnh viện, có hôm mọi người đến với quần áo ướt sũng, nên tôi không thấy buồn và lẻ loi khi ở trong bệnh viện.

28 ngày ở trong bệnh viện, xót lòng vì miền Trung chìm trong lũ dữ. Năm nay, bão số 9 vừa đi qua thì những cơn bão khác lại tới. Miền Trung lại phải oằn mình trong bão lũ. Không biết đến bao giờ người dân quê tôi mới được bình yên, không còn phập phồng lo sợ thiên tai.

T.PHƯƠNG

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

* Bạn có những ký ức và hình ảnh không quên về trận lũ lụt lịch sử 1-11-1999 tại miền Trung, hãy chia sẻ với bạn đọc Tuổi Trẻ Online tại địa chỉ tto@tuoitre.com.vn hoặc trong phần Ý kiến dưới đây. Chân thành cám ơn.

ĐĂNG NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên