06/11/2022 17:59 GMT+7

'Đại gia' xăng dầu công bố báo cáo tài chính, có thoát lỗ lớn?

BÔNG MAI
BÔNG MAI

TTO - Nhiều 'đại gia' trong ngành xăng đầu công bố lỗ lớn trong quý 3-2022 do bán xăng dầu. Tuy nhiên vẫn có doanh nghiệp vực dậy phần nào nhờ đa dạng lĩnh vực kinh doanh.

Đại gia xăng dầu công bố báo cáo tài chính, có thoát lỗ lớn? - Ảnh 1.

Bán xăng lỗ, nhưng tổng kết Petrolimex vẫn lãi nhờ các mảng kinh doanh khác - Ảnh: BÔNG MAI

Giữa lúc nhiều cây xăng tái diễn tình trạng chỉ bán cầm chừng hoặc lúc đóng lúc mở khiến không ít người dân cảm thấy phiền phức, bức tranh kinh doanh của các "ông lớn" trong ngành xăng dầu cũng được hé lộ. 

Chiếm khoảng 50% thị phần nội địa, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã chứng khoán PLX) là doanh nghiệp dẫn đầu tại Việt Nam về kinh doanh xăng dầu. Ngoài mảng chính này, doanh nghiệp còn hoạt động trong lĩnh vực lọc - hóa dầu, gas, vận tải thủy - bộ, bảo hiểm, ngân hàng, xây lắp - cơ khí - thiết bị, thương mại và dịch vụ.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3-2022, Petrolimex đạt doanh thu hơn 73.700 tỉ đồng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. 

Đáng chú ý, nếu xét riêng từng mảng kinh doanh, trong quý vừa qua mảng kinh doanh xăng dầu đã bị phát sinh lỗ, trong khi cùng kỳ năm ngoái có lãi (lợi nhuận giảm hơn 300 tỉ đồng so với cùng kỳ).

Với vai trò là người được ủy quyền công bố thông tin, ông Nguyễn Bá Tùng - kế toán trưởng của Petrolimex - cho biết nguyên nhân chủ yếu do giá xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến bất thường theo xu hướng giảm, chi phí khâu tạo nguồn, khâu lưu thông thực tế tăng cao hơn chi phí định mức theo quy định được tính trong giá cơ sở.

Cũng trong quý vừa qua, do phát sinh lỗ chênh lệch tỉ giá, lợi nhuận từ hoạt động tài chính của doanh nghiệp cũng bị giảm so với cùng kỳ. 

Mặc dù vậy, khoản lợi nhuận từ hoạt động lĩnh vực khác của Petrolimex trong quý lại tăng hơn 400 tỉ đồng so với cùng kỳ. Ông Tùng lý giải do một số công ty con kinh doanh trong lĩnh vực vận tải, nhiên liệu bay… đã trở lại hoạt động ổn định giai đoạn hậu COVID-19.

Cũng chiếm thị phần lớn trên thị trường, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL, mã chứng khoán OIL) cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý 3-2022 với khoản doanh thu hơn 25.900 tỉ đồng, tăng gấp đôi cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, sau khi trừ đi vốn và các chi phí doanh nghiệp lại bị lỗ ròng hơn 370 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước vẫn còn lãi gần 57 tỉ đồng. 

Ông Nguyễn Tuấn Tú - phó tổng giám đốc PVOIL - giải thích trong nửa đầu năm 2022 giá dầu thế giới liên tục tăng, đặc biệt kể từ khi xảy ra chiến sự giữa Nga - Ukraine. Tuy nhiên từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 9-2022, giá thế giới đảo chiều giảm liên tục do lo ngại suy thoái kinh tế, lạm phát... 

Phù hợp với diễn biến giá thế giới, Nhà nước đã liên tục giảm giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu trong quý 3, khiến doanh nghiệp bị lỗ.

Mặc dù doanh thu thuần trong quý 3 năm nay đạt hơn 7.600 tỉ đồng, tăng gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm trước, nhưng do kinh doanh dưới giá vốn, cộng thêm hàng loạt chi phí đều tăng, nên Tổng công ty thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ (Thalexim, mã chứng khoán TLP) cũng bị lỗ ròng 170 tỉ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ 8 tỉ đồng ở cùng kỳ năm trước. 

Nếu không nhờ khoản lãi hơn 17 tỉ đồng từ công ty liên doanh - liên kết, Thalexim có thể bị lỗ sâu hơn. 

Giải trình về kết quả thua lỗ, bà Phạm Thị Băng Trang cho biết cùng lý do từ việc quý 3-2022 giá thế giới đảo chiều giảm liên tục, nhà nước đã liên tục điều chỉnh giảm giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu. Trong khi đó nguồn hàng khan hiếm, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về càng tăng cao, đồng thời các chi phí lãi tiền vay, tỉ giá ngoại tệ cũng ngày càng tăng cao. 

Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan, trong quý vừa qua lượng nhập khẩu xăng và dầu diesel giảm lần lượt 40% và 35% so với quý trước. Nguyên nhân do tín dụng bị siết chặt, giá dầu thế giới biến động mạnh, phụ phí nhập khẩu tăng, chi phí vận hành tăng...

Dù vậy bộ phận phân tích chiến lược của Chứng khoán SSI Research cho rằng trong lúc thị trường nguy khó, cũng là cơ hội để các "ông lớn" trong ngành xăng dầu nâng cao vị thế trong dài hạn, bởi nhiều cửa hàng sẽ có xu hướng chuyển sang nhập hàng từ các đầu mối lớn - có đầu vào ổn định.

Doanh nghiệp xăng dầu họp với bộ trưởng: Doanh nghiệp xăng dầu họp với bộ trưởng: 'Oằn mình' gánh thị trường, mong giải pháp lâu dài

TTO - Đây là cuộc họp lần thứ 3 của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên với doanh nghiệp xăng dầu trong vòng một tháng qua.

BÔNG MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên